Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam đã chính thức được phê chuẩn tăng vốn điều lệ, nhưng việc sử dụng vốn đầu tư, cho vay như thế nào để đạt lợi nhuận cao nhất và bảo toàn vốn nhà nước là điều dư luận quan tâm.
Đầu tư cơ sở hạ tầng
Khu chợ mới Nam Phước (Duy Xuyên) được dựng lên đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn thị trấn Nam Phước, mang theo khát vọng ươm mầm phát triển của một đô thị loại IV ven đường thiên lý Bắc Nam. Đây là công trình mà Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam có phần đóng góp rất lớn. Số vốn đầu tư 50 tỷ đồng cho dự án hoàn tất vào cuối năm 2014 chỉ là một trong số nhiều dự án mà nguồn quỹ này tham gia hiệu quả trong vòng 5 năm qua. Thống kê cho thấy, tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam đạt khoảng 505 tỷ đồng, tăng gần gấp 4 lần vốn điều lệ ngân sách cấp. Chiếm tỷ lệ nhiều nhất là nguồn huy động khoảng 63% (298 tỷ đồng), ngân sách tỉnh cấp 136,4 tỷ đồng (27%) và 55 tỷ đồng lợi nhuận bổ sung, chiếm 10%. Hiện quỹ đã ký hợp đồng cho vay đầu tư 37 dự án với tổng giá trị cho vay 597,7 tỷ đồng với 19 hợp đồng còn hiệu lực, tổng dư nợ khoảng 280/373 tỷ đồng hạn mức cho vay.
Chợ Nam Phước - một trong những dự án được Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam đầu tư vốn. Ảnh: T.D |
Không chỉ cho vay, Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam đã góp vốn 16 tỷ đồng để thành lập Công ty CP Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Quảng Nam. Từ 20 tỷ đồng vốn điều lệ, hiện tổng tài sản của công ty này đạt 69,5 tỷ đồng, chia cổ tức từ lợi nhuận sau thuế 2 năm (2013 - 2014) cho quỹ khoảng 3,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 22% vốn góp cổ phần). Ông Nguyễn Tiên Thạch - Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam cho hay, nguồn vốn hoạt động của quỹ đã tăng trưởng vượt bậc, bình quân 38%/năm. Vốn huy động và vốn bổ sung từ hoạt động chiếm 73%/tổng nguồn vốn. Vốn của quỹ chủ yếu đầu tư trực tiếp, góp vốn và cho vay dài hạn với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội Quảng Nam.
Theo tính toán của Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam, cứ 10 đồng vốn ngân sách cấp đã mang lại 4 đồng lợi nhuận để bổ sung vốn điều lệ, huy động được 30 đồng vốn cho quỹ để đầu tư và thu hút hơn 70 đồng vốn của các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng tại địa phương. Hoạt động đầu tư góp vốn thành lập doanh nghiệp để thực hiện dự án của quỹ bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận với tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư khoảng hơn 15%. Dự kiến các năm tới, tỷ suất lợi nhuận tăng cao nhờ các khoản đầu tư, khai thác các dự án khác có hiệu quả cao hơn.
Tăng hiệu quả đầu tư?
Theo tính toán của Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam, đến năm 2017, vốn chủ sở hữu sẽ gia tăng 273 tỷ đồng (tăng gần 100 tỷ đồng so với năm 2014), khả năng huy động vốn sẽ tăng đến 356 tỷ đồng so với 275 tỷ đồng năm 2014 và tổng tài sản sẽ đạt khoảng 600 tỷ đồng so với 450 tỷ đồng năm 2014. Với tài sản này, doanh số cho vay sẽ đạt đến 400 tỷ đồng và khoảng 120 tỷ đồng đầu tư trực tiếp và góp vốn. |
Những con số thống kê trên cho thấy Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam đã sử dụng hiệu quả, an toàn vốn. Song theo Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam, vốn điều lệ ngân sách cấp còn quá thấp, thấp nhất so với các quỹ đầu tư phát triển địa phương trên cả nước. Nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay của WB và những quy định ràng buộc khắt khe của chính sách đã khiến quỹ đứng ngoài cuộc đầu tư những dự án lớn vì thiếu vốn và thiếu cả cơ chế. Quỹ chưa biết tìm đâu ra nguồn huy động thay thế khi cuối năm 2015, chương trình tài trợ vốn của WB có thể sẽ chấm dứt. Dự báo kể từ năm 2016 trở đi, hoạt động cho vay, đầu tư của quỹ sẽ càng khó khăn hơn vì thiếu nguồn hoạt động trong khi nguồn vốn bổ sung hàng năm từ ngân sách tỉnh hết sức hạn chế… Vì vậy, Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam đã xin đề nghị tăng vốn điều lệ và đã được phê chuẩn.
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh cho rằng việc cấp tăng vốn điều lệ, tạo điều kiện cho quỹ có thể tiếp cận các nguồn tài trợ, nguồn tín dụng ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế và tăng khả năng đáp ứng nhu cầu cho vay, đầu tư các dự án lớn trên địa bàn khi điều kiện nguồn vốn hoạt động của quỹ còn hạn chế. Theo nhìn nhận của nhiều cơ quan quản lý, hiện khả năng huy động của quỹ khá thấp, chỉ đạt xấp xỉ 1,5 lần so với số vốn chủ sở hữu hiện có. Danh mục đầu tư, cho vay của quỹ đa số là hạ tầng thuộc lĩnh vực giáo dục, giao thông, khu dân cư. Rất ít dự án lĩnh vực nông - lâm - ngư và phát triển nông thôn, nhu cầu đầu tư lĩnh vực này rất lớn nhưng khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng tại các ngân hàng thương mại rất khó khăn. Trong khi đó, Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam đang gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn tài trợ, nguồn tín dụng ưu đãi từ các tổ chức quốc tế để gia tăng khả năng tài chính thì liệu bổ sung vốn điều lệ có đủ khả năng để nâng cao năng lực hoạt động và sử dụng hiệu quả vốn ngân sách nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn, hạn chế rủi ro?
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh cho rằng đa số dự án đều cho vay theo chỉ định, nhưng việc xem xét hiệu quả đầu tư của từng dự án đầu tư trực tiếp đều chưa được công bố và kiến nghị của quỹ chuyển cho vay sang đầu tư trực tiếp có hiệu quả, có tính toán được rủi ro hay không là chuyện cần cân nhắc, khi rất cần năng lực thẩm định các dự án để bảo toàn và thu hồi vốn. Theo ông Nguyễn Tiên Thạch, việc tăng vốn điều lệ ngân sách tỉnh cấp tăng trong 3 năm (2015 - 2017) từ 126,4 tỷ đồng lên 156,4 tỷ đồng sẽ tạo ra hiệu ứng đồng thời tăng vốn chủ sở hữu, vừa tăng thêm nguồn huy động do mức huy động của từng dự án tăng. Từ đó sẽ tăng quy mô hoạt động đầu tư, nâng cao năng lực tài chính, làm tăng doanh thu, bù đắp các chi phí phát sinh, bảo đảm trích lập dự phòng rủi ro và góp phần tăng sinh lợi.
TRỊNH DŨNG