Quy định chức danh, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn: Xem xét tăng chức danh và mức hỗ trợ

HÀN GIANG 20/09/2023 07:39

Cụ thể hóa Nghị định số 33 ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn/tổ dân phố, tại Kỳ họp thứ 16, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành chính sách mới thay thế cho 5 nghị quyết trước đây không còn phù hợp, theo hướng tăng chức danh và mức hỗ trợ.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 16, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết mới về quy định chức danh, mức phụ cấp, hỗ trợ cho NHĐKCT cấp xã, thôn/tổ dân phố. Ảnh: P.V
Dự kiến tại Kỳ họp thứ 16, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết mới về quy định chức danh, mức phụ cấp, hỗ trợ cho NHĐKCT cấp xã, thôn/tổ dân phố. Ảnh: P.V

Đánh giá về tác động của chính sách quy định tại các nghị quyết đã được HĐND tỉnh ban hành, theo UBND tỉnh, trong quá trình thực hiện đã góp phần động viên, khuyến khích đội ngũ người hoạt động không chuyên trách (NHĐKCT) tại cơ sở yên tâm công tác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn khá thấp, chưa thực sự tương xứng với khối lượng công việc và yêu cầu của đời sống. Do đó, vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu người làm việc, nhất là NHĐKCT cấp xã.

Bổ sung chức danh khối đảng

Nghị định số 33 của Chính phủ ra đời đã bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và có nhiều điểm mới về NHĐKCT cấp xã, ở thôn/tổ dân phố so với các nghị định trước đây.

Cụ thể, ngoài số lượng NHĐKCT cấp xã được giao theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã thì còn căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên lớn hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tính số lượng NHĐKCT ở cấp xã tăng thêm; tăng mức phụ cấp cho NHĐKCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố… Điều này dẫn đến 5 nghị quyết của HĐND tỉnh quy định liên quan đến các đối tượng này không còn phù hợp, đòi hỏi phải xây dựng nghị quyết thay thế.

Tại Tờ trình 5973, UBND tỉnh dự kiến số lượng NHĐKCT cấp xã giao trên địa bàn toàn tỉnh là 3.192 người; trong đó, tạm tính có 279 phó chỉ huy trưởng quân sự, 1.347 NHĐKCT có trình độ đại học trở lên và 1.566 người thuộc đối tượng còn lại. Theo đó, dự kiến kinh phí thực hiện nghị quyết với số lượng NHĐKCT cấp xã tăng theo quy định tại Nghị định số 33 là hơn 31,6 tỷ đồng; tăng hơn 7,3 tỷ đồng so với quy định hiện nay.

Tại Tờ trình số 5973 ngày 5/9/2023, UBND tỉnh đề xuất khung chức danh NHĐKCT cấp xã gồm 15 chức danh; trong đó có 14 chức danh kế thừa lại theo quy định tại các Nghị quyết số 12 và Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh. Đồng thời bổ sung thêm chức danh văn phòng đảng ủy vào nhóm chức danh NHĐKCT khối đảng. Như vậy, khối đảng sẽ có 3 chức danh, gồm văn phòng đảng ủy, tổ chức - kiểm tra và tuyên giáo - dân vận.

Lý giải việc bổ sung thêm chức danh văn phòng đảng ủy xã vào nhóm chức danh khối đảng, theo cơ quan soạn thảo (Sở Nội vụ), theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019), các nghị định liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, Nghị quyết của HĐND tỉnh về NHĐKCT cấp xã chưa quy định về chức danh văn phòng đảng ủy nên không thể bố trí người vào vị trí này mà được giao cho công chức văn phòng - thống kê thực hiện các nhiệm vụ của văn phòng đảng ủy (văn phòng dùng chung).

Nhiều địa phương kiến nghị việc quy định “Văn phòng dùng chung” dẫn đến khối lượng công việc lớn, gây quá tải đối với công chức văn phòng - thống kê, hiệu quả công việc không cao. Đồng thời, công chức văn phòng - thống kê vừa thực hiện công việc khối chính quyền, vừa thực hiện công việc khối đảng nên sẽ chồng chéo trong công tác đánh giá công chức hằng năm.

Theo đó, việc bổ sung chức danh văn phòng đảng ủy là phù hợp. Các địa phương căn cứ vào số lượng NHĐKCT được giao, yêu cầu công việc để có thể bố trí chức danh văn phòng đảng ủy phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Trên cơ sở nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành, UBND cấp huyện bố trí NHĐKCT cấp xã phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Trường hợp xã, phường, thị trấn được giao số lượng NHĐKCT cấp xã nhiều hơn số lượng chức danh quy định, bố trí tăng thêm người ở một số chức danh NHĐKCT cấp xã phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ nhưng không vượt quá tổng số NHĐKCT cấp xã được giao. Riêng chức danh phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã được bố trí theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Được hưởng 100% phụ cấp kiêm nhiệm

Căn cứ các quy định tại Nghị định số 33 của Chính phủ, tại Tờ trình 5973 ngày 5/9/2023, UBND tỉnh đề xuất mức phụ cấp hằng tháng đối với NHĐKCT cấp xã bằng 1,5 mức lương cơ sở/người/ tháng.

Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện hỗ trợ thêm đối với chức danh phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã 0,9 mức lương cơ sở/người/tháng. Đối với các chức danh còn lại, nếu NHĐKCT cấp xã có trình độ đại học trở lên thì được hỗ trợ 0,84 mức lương cơ sở/người/tháng và người có trình độ dưới đại học được hỗ trợ 0,7 mức lương cơ sở/người/tháng.

Giải trình rõ hơn đối với đề xuất hỗ trợ thêm, UBND tỉnh cho rằng, quy định này nhằm đảm bảo tương quan hợp lý với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo đại học nhằm khuyến khích NHĐKCT ở cấp xã học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 34 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP).

Đối với NHĐKCT cấp xã có trình độ cao đẳng trở xuống thì quy định mức phụ cấp cao hơn mức lương bậc 1 của công chức có trình độ đào tạo tương ứng. Trên thực tế, NHĐKCT cấp xã không được thực hiện chế độ nâng lương thường xuyên như cán bộ, công chức; việc quy định như dự thảo nhằm giúp NHĐKCT cấp xã nâng cao thu nhập, khuyến khích đối tượng này yên tâm công tác; đồng thời phù hợp với tình hình ngân sách của tỉnh.

Về mức phụ cấp của NHĐKCT ở thôn/tổ dân phố, UBND tỉnh đề xuất hai mức phụ cấp: bằng 2,0 mức lương cơ sở và bằng 1,5 mức lương cơ sở/người/tháng căn cứ phân loại địa bàn thôn/tổ dân phố.

Trong dự thảo nghị quyết, UBND tỉnh đề xuất mức phụ cấp đối với công an viên, thôn/ khối đội trưởng giữ nguyên theo quy định đang được hưởng 0,75 mức lương cơ sở/ người/tháng. Trong khi đó, mức hỗ trợ của người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn/ tổ dân phố từ 600.000 đồng lên mức 750.000 đồng/người/ tháng (tăng 25%).

Đáng chú ý, tại tờ trình lần này, UBND tỉnh đề xuất cán bộ, công chức cấp xã, NHĐKCT cấp xã kiêm nhiệm chức danh những NHĐKCT ở cấp xã mà giảm được một người trong số lượng được giao thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm.

Trường hợp số lượng chức danh bố trí kiêm nhiệm lớn hơn số lượng NHĐKCT cấp xã giảm được so với quy định, cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý quyết định chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm.

Còn đối với cấp thôn, theo UBND tỉnh, cán bộ, công chức cấp xã, NHĐKCT cấp xã, ở thôn/tổ dân phố kiêm nhiệm chức danh NHĐKCT ở thôn/tổ dân phố, công an viên, thôn/khối đội trưởng mà giảm được một người thì được hưởng 100% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm.

Tương tự, NHĐKCT ở thôn/tổ dân phố, công an viên, thôn/khối đội trưởng, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm chức danh người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố mà giảm được một người thì được hưởng 100% mức hỗ trợ của chức danh kiêm nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy định chức danh, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn: Xem xét tăng chức danh và mức hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO