Cuối tuần qua, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh (khóa X) đã biểu quyết thông qua nghị quyết về “Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn Quảng Nam”. Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương trên hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển đô thị của nhiều địa phương; tuy nhiên, việc thực hiện cần có lộ trình cụ thể và cơ chế hỗ trợ người dân một cách thiết thực.
Thực trạng cần thay đổi
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Nam, tính đến cuối năm 2021 toàn tỉnh có 8.912.660 con gia súc và gia cầm. Trong đó, có 58.500 con trâu, 173.300 con bò, 326.860 con heo và 8.354.000 con gia cầm các loại.
Những năm qua, mặc dù các cấp, các ngành tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa nhưng thực tế cho thấy mô hình nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức trang trại vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn.
Các cơ sở nuôi gia súc, gia cầm thuộc những khu vực quy định không được phép chăn nuôi đã xây dựng hoặc hoạt động trước ngày nghị quyết HĐND tỉnh có hiệu lực thì được hoạt động đến ngày 31/12/2024 nhưng phải tuân thủ các quy định về điều kiện chăn nuôi, quản lý vật nuôi, không được xây dựng cơi nới, mở rộng quy mô chăn nuôi. Từ ngày 1/1/2025 phải dừng chăn nuôi hoặc di chuyển đến địa điểm phù hợp theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt hoặc theo quy hoạch khác do UBND cấp huyện phê duyệt.
HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân dừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định...
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, theo số liệu thống kê, cuối năm 2021 toàn tỉnh có 357 trang trại nuôi gia súc và gia cầm, tăng 200 trang trại so với năm 2017. Hiện nay, tổng đàn vật nuôi chăn nuôi theo quy mô trang trại là 1.564.610 con, chiếm tỷ lệ 17,56% tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh.
Ở hầu hết địa phương, hơn 80% số lượng vật nuôi được nuôi theo hình thức nhỏ lẻ trong nông hộ không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh...
Mới đây, tại cuộc làm việc giữa Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh với lãnh đạo Sở NN&PTNT, bà Hoàng Thị Kim Yến - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam cho biết, qua khảo sát thực tế và phát 381 phiếu lấy ý kiến của người dân, một số trường học, trạm y tế tại 10 huyện, thị xã, thành phố gồm: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành, Đại Lộc, Tiên Phước, Nam Trà My, Đông Giang đa số ý kiến cho rằng cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ cần đảm bảo khoảng cách đến nhà dân, trường học... ít nhất 20m để hạn chế ô nhiễm mùi hôi.
Trong khi đó, hầu hết cơ sở chăn nuôi tại các phường nội thị, một số khu của các thị trấn không đảm bảo khoảng cách này. “Có 68,6% ý kiến của các tổ chức, cá nhân không chăn nuôi phản ánh về tình trạng ô nhiễm mùi hôi do chất thải chăn nuôi trong khu dân cư gây ra. Riêng tại các khu vực đề xuất quy định không được phép chăn nuôi, tỷ lệ này là 86%” - bà Yến nói.
Hỗ trợ thực hiện quy định
Theo đại diện Sở NN&PTNT, sau khi HĐND tỉnh (khóa X) thông qua nghị quyết về “Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn Quảng Nam”, toàn tỉnh có 75 khu vực thuộc 11 địa phương gồm: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tiên Phước, Núi Thành, Đại Lộc, Quế Sơn, Hiệp Đức, Bắc Trà My không được phép chăn nuôi. Ngoài ra, quy định không được phép chăn nuôi còn áp dụng đối với các khu đô thị, khu dân cư theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Qua kết quả rà soát của các địa phương, khi triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định nêu trên, trên địa bàn Quảng Nam có 1.516 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng, buộc phải dừng hoạt động hoặc phải di dời đến địa điểm chăn nuôi mới. Các địa phương có số hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng nhiều là Núi Thành (385 hộ), Hội An (318 hộ), Tam Kỳ (213 hộ), Điện Bàn (155 hộ), Thăng Bình (97 hộ)...
Hầu hết hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng đều nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu sử dụng thức ăn thừa của con người, tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định và hiệu quả kinh tế thấp.
Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, hiện nay một số khối phố thuộc phường Tân Thạnh và An Phú, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên việc không được phép chăn nuôi là vấn đề khó khăn, cần có lộ trình và tiến tới dừng hẳn.
Trước mắt, địa phương tăng cường hướng dẫn người dân chăn nuôi phải đảm bảo tuyệt đối về vệ sinh môi trường, kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định. UBND TP.Tam Kỳ sẽ định hướng tạo sinh kế cho người dân khu vực bị ảnh hưởng.
Còn đối với các phường An Mỹ, An Sơn, An Xuân, Phước Hòa và một số khối phố thuộc các phường Tân Thạnh, Hòa Hương, An Phú thì quy định không được phép chăn nuôi là phù hợp với định hướng phát triển của TP.Tam Kỳ.
Trong khi đó, ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, theo quy định trên, tại thị trấn Nam Phước có 3 khối phố không được phép chăn nuôi, gồm: Long Xuyên 1, Long Xuyên 2, Mỹ Hòa.
“Hiện nay, tại 3 khối phố này có gần 100 hộ chăn nuôi với tổng đàn gia súc xấp xỉ 200 con. Phần lớn người dân đều cam kết chấp hành chủ trương trên và kiến nghị việc thực hiện cần có lộ trình cụ thể, kết thúc việc chăn nuôi vào đầu năm 2025. Đồng thời mong muốn các cấp, các ngành có cơ chế hỗ trợ phù hợp để chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời chuồng trại chăn nuôi đến địa điểm phù hợp” - ông Tường nói.