Ngay sau khi ban hành Quy định số 450 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 127 triển khai thực hiện với lộ trình cụ thể. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín có cuộc trao đổi với Báo Quảng Nam để làm rõ thêm những điểm mới trong công tác quy hoạch theo Quy định 450 và một số vấn đề cần lưu ý khi triển khai ở cơ sở.
Chia sẻ về Quy định công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín nói: “Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của Quảng Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định bám sát chỉ tiêu Nghị quyết 20 của Tỉnh ủy (khóa XXII) về công tác cán bộ, với ưu tiên quy hoạch cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đảm bảo số lượng, chất lượng.
Nếu trong đợt này làm chưa xong thì phải tiếp tục quan tâm rà soát, bổ sung trong những năm tiếp theo. Có như vậy, mới xây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ của tỉnh, trong đó, có các địa phương miền núi còn gặp khó khăn về công tác cán bộ”.
- Đồng chí có thể cho biết những điểm mới trong công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của Quảng Nam ở nhiệm kỳ này?
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín: Quá trình thực hiện công tác quy hoạch cán bộ vừa qua đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho các cấp của tỉnh; song, cũng bộc lộ những hạn chế.
Quy hoạch đủ số lượng, nhưng tới lúc thực hiện bổ nhiệm giới thiệu ứng cử thì có nhiều trường hợp không đạt tiêu chuẩn, điều kiện. Chưa thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với các chức danh được quy hoạch; mới chú trọng số lượng, nên ở một số nơi bị hụt hẫng cán bộ.
Điểm mới quan trọng, phải bám sát vào cơ cấu cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý và tiêu chuẩn, chất lượng cán bộ để xây dựng quy hoạch. Số lượng có thể giảm hơn so với các nhiệm kỳ trước, với hệ số quy hoạch từ 1 - 1,5 lần so với số lượng theo quy định. Chỉ quy hoạch chức danh cao hơn, mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý quy hoạch không quá 3 người; một cán bộ quy hoạch không quá 3 chức danh ở cùng cấp.
Lần này, cũng phân loại đối tượng quy hoạch, trong đó, đối tượng 1 là đối tượng đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng để có thể giới thiệu ứng cử và bổ nhiệm được ngay.
Ngay ở đợt này, chúng ta phải lựa chọn các đồng chí đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đưa vào quy hoạch. Đối tượng 2 là ưu tiên dành cho những cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số có năng lực nổi trội, tuy nhiên chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, nhằm tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển để rèn luyện, chuẩn bị cho nhiệm kỳ kế tiếp.
Về độ tuổi của đối tượng được quy hoạch cũng có điểm mới, nếu là đối tượng 1 thì thời điểm quy hoạch phải còn thời gian công tác tác 72 tháng, chuẩn bị các điều kiện để có thể bổ nhiệm được trong nhiệm kỳ 5 năm. Đối tượng 2 thì phải đủ tuổi công tác hai nhiệm kỳ trở lên.
- Quy định về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành cũng nhằm cụ thể hóa Quy định 50 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về công tác quy hoạch cán bộ. Đồng chí cho biết, để thực hiện khả thi và đạt kết quả, tỉnh đặt ra yêu cầu gì?
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín: Trong năm đầu tiên thực hiện Quy định số 50 ngày 27.12.2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt nghiêm túc, sâu sắc các quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác quy hoạch cán bộ, chủ động cụ thể hóa để thực hiện, đảm bảo tính khả thi và đạt kết quả cao nhất.
Với quan điểm nhất quán là sớm phát hiện nguồn cán bộ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; bảo đảm sự kế thừa và chuyển tiếp liên tục.
Quy định 50 của Bộ Chính trị quy định rất rõ ràng, Ban Tổ chức Trung ương chỉ hướng dẫn thêm những vấn đề có tính kỹ thuật. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quán triệt khá kỹ đến cấp ủy các cấp; về cơ bản có thể thực hiện được ngay theo quy trình, hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
So với trước đây, chúng ta vẫn thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch mỗi năm một lần, tuy nhiên, trong quá trình này, nếu xuất hiện nhân tố mới, yêu cầu nhiệm vụ chính trị thì các cấp được rà soát, bổ sung thêm một lần nữa trong năm, với thời gian phải sau 3 tháng, để tránh bị động nguồn cán bộ.
Tin rằng, với việc triển khai bài bản, chu đáo, xem xét đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn, Quảng Nam sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ chất lượng, khắc phục được tình trạng “hụt” các tiêu chí, điều kiện khi đưa ra giới thiệu ứng cử, đề bạt, bổ nhiệm. Cùng với đó, chúng ta lựa chọn được cán bộ ưu tú, có lộ trình để đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận cho nhiệm kỳ mới.
- Được biết, sẽ có nhiều đề án được ban hành nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 20 của Tỉnh ủy (khóa XXII) về công tác cán bộ, như chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; hay bố trí bí thư cấp ủy huyện không là người địa phương... Như vậy, việc thực hiện công tác quy hoạch có thể sẽ gặp vướng mắc, khó khăn gì, thưa đồng chí?
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín: Các tiêu chí để quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cho nhiệm kỳ tiếp theo và việc rà soát, bổ sung cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 không ảnh hưởng đến việc thực hiện Nghị quyết 20 của Tỉnh ủy (khóa XXII) về công tác các bộ bằng các đề án cụ thể. Việc thực hiện các đề án, các quy định liên quan góp phần thực hiện tốt các khâu trong công tác cán bộ của tỉnh.
Theo tôi, thực hiện quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, phòng chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; khắc phục tình trạng trì trệ, chủ nghĩa kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Quảng Nam cũng quyết tâm thực hiện hoàn thành tốt chủ trương bố trí bí thư cấp ủy huyện không là người địa phương ở nhiệm kỳ này.
Ở đây, chúng ta thực hiện quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy hoạch vào các chức danh, chứ không phải quy hoạch về vị trí công tác của cán bộ, nên khi người cán bộ có chuyển sang vị trí khác công tác so với hiện tại thì chức danh lãnh đạo, quản lý được quyết định phê duyệt quy hoạch vẫn không thay đổi. Những người được quy hoạch vào cấp ủy tỉnh, chức danh bí thư cấp ủy huyện và tương đương có đủ điều, kiện tiêu chuẩn thì được lựa chọn…
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!