Quy hoạch cát sỏi lòng sông: Cần sát thực tế

HỮU PHÚC 14/06/2017 08:45

Tại buổi làm việc giữa Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh với Sở Xây dựng cuối tuần qua, nhiều ý kiến phàn nàn về quy hoạch cát sỏi lòng sông chưa sát thực tế, còn chênh lệch khá lớn giữa thị trường cung - cầu và thiếu tính dự báo chính xác. Đây là nguyên nhân chính gây nên những bất cập và tạo ra lỗ hổng trong công tác quản lý hoạt động hai thác cát sỏi mà Báo Quảng Nam phản ánh trong loạt bài vừa đăng tải.

  • "Rút ruột" lòng sông - Bài 2: Xung đột căng thẳng
  • "Rút ruột" lòng sông - Bài 1: Đáy sông dậy sóng
  • "Rút ruột" lòng sông - Bài cuối: Mở bến bãi trá hình
Hầu hết ghe thuyền chở cát đều quá tải. TRONG ẢNH: Hút cát tại lòng sông Thu Bồn đoạn qua xã Điện Thọ, thi xã Điện Bàn.
Hầu hết ghe thuyền chở cát đều quá tải. TRONG ẢNH: Hút cát tại lòng sông Thu Bồn đoạn qua xã Điện Thọ, thi xã Điện Bàn.

Nghịch lý quy hoạch

Tài nguyên cát sỏi chủ yếu phân bố ở bãi bồi, lòng sông Vu Gia và Thu Bồn. Các sông có độ dài ngắn, độ dốc lớn, các bãi bồi nhỏ, trữ lượng ít dịch chuyển, thay đổi hàng năm theo mưa lũ. Cán cân cung - cầu cát sỏi trên địa bàn tỉnh thời gian qua có độ lệch không nhỏ. Sở Xây dựng là cơ quan chủ lực tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Căn cứ theo quy hoạch được duyệt và kết quả báo cáo thăm dò của các đơn vị, cá nhân, Sở Tài nguyên - môi trường đề xuất cấp phép hoặc gia hạn giấy phép. Tuy vậy, theo Sở Xây dựng, đến nay riêng trữ lượng cát xây dựng đã được cấp phép là hơn 5,6 triệu mét khối giai đoạn khai thác đến năm 2020 (công suất bình quân 1,4 triệu mét khối/năm) nhưng chỉ đáp ứng được hơn 51% so với nhu cầu dự báo hơn 2,7 triệu mét khối/năm. Nguồn cát lòng sông, kể cả bãi bồi tập trung chủ yếu tại 3 huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn.

Cần đóng cửa mỏ ở các khu vực dễ bị tổn thương

Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng cấp giấy phép cát sỏi lòng sông ở nhiều nơi chẳng qua là “giấy thông hành” cho hoạt động khai thác trái phép tràn lan. Thành lập các trạm chốt chặn trên sông, thậm chí còn vô tác dụng, dễ lộ thông tin “tay trong tai ngoài”. Đáng lo nhất là tài nguyên cát sỏi trôi chảy đi khắp các địa phương khác. “Vì vậy, quan điểm xuyên suốt là cần đóng cửa mỏ ở các khu vực dễ bị tổn thương; không gia hạn thời gian đối với mỏ đã hết thời hạn khai thác, cấm thay đổi hiện trạng. Cạnh đó, ngành chức năng phải tước giấy phép ngay nếu doanh nghiệp cố tình vi phạm, không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Muốn quản lý quy hoạch chặt chẽ hơn, cần thiết điều chỉnh quy hoạch theo phân kỳ” - ông Hồng lưu ý.

Theo Sở Xây dựng, đến nay UBND tỉnh đã cấp 82 giấy phép khai thác cát sỏi và đất san lấp là vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, khoáng sản cát sỏi 36 giấy phép, diện tích hơn 152ha với trữ lượng hơn 5,6 triệu mét khối; đất san lấp 46 giấy phép, diện tích 218ha trữ lượng gần 15 triệu mét khối.

Chỉ riêng một đoạn sông Vu Gia qua địa phận huyện Đại Lộc dài hơn 15km nhưng bình quân mỗi ki lô mét có một doanh nghiệp khai thác cát hoạt động; sông Thu Bồn qua các xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Thọ có ít nhất 5 mỏ cát được cấp phép. Những khu vực trên chưa hẳn có trữ lượng cát dồi dào nhưng tại sao doanh nghiệp vẫn chọn lựa? Câu trả lời là các khu vực này có giao thông thuận tiện, gần bến bãi tập kết cát, có nguồn cát đúc giá trị cao, giảm đáng kể chi phí vận chuyển. Tại thượng nguồn sông Thu Bồn qua huyện Duy Xuyên còn rất nhiều mỏ cát được đánh giá giàu có trữ lượng, nhưng ít doanh nghiệp lập thủ tục hồ sơ xin cấp phép. Trong khi chỉ một đoạn sông ngắn qua địa phận xã Điện Thọ, Điện Trung mà có vô số mỏ của doanh nghiệp. Chính điều này đã “cộng hưởng” gây tác động tiêu cực đến môi trường, tạo bức xúc cho người dân.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ ra nghịch lý:  trong quy hoạch mỏ khoáng sản lòng sông có nơi thì doanh nghiệp, người dân không muốn vào khai thác; ngược lại khu vực khai thác lậu thì không nằm trong quy hoạch đã duyệt. “Khai thác khoáng sản lòng sông chỉ mới đáp ứng 51% so với con số dự báo trong quy hoạch. Vậy 49% còn lại lấy cát ở đâu? Có phải khâu khảo sát có vấn đề, dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng không phù hợp với thực tế?” - ông Minh băn khoăn. Về quy hoạch các bến bãi tập kết vật liệu, nhiều cơ quan chức năng vẫn còn khá mơ hồ trong xác định chức năng nhiệm vụ được giao. Ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở GT-VT cho biết, có sự nhập nhằng trong quản lý bến bãi tập kết cát. Sở GT-VT thì được giao chức năng lập thủ tục hồ sơ cấp bến thủy nội địa, trong khi bãi cát thì các đơn vị thỏa thuận với Sở Xây dựng. Cái khó trong xử lý là hành lang pháp lý chưa có; khái niệm về bến hàng hóa và bến chuyên dụng chưa rõ ràng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã đình chỉ 5 bãi tập kết cát không gắn liền với bến thủy nội địa. “Các tàu chở cát quá tải nhưng quy định của pháp luật xử phạt hành chính rất nhẹ, chỉ vài trăm nghìn đồng trong khi nếu chở vượt, lợi nhuận từ cát đem lại rất cao” - ông Sinh nêu bất cập.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã dừng hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông do giấy phép hết hạn nhưng theo Sở Tài nguyên - môi trường vẫn chưa tiếp nhận được hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường từng phần của doanh nghiệp.

Tìm giải pháp căn cơ

 Bất hợp lý về quy hoạch, hoạt động quản lý, cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông đang dẫn đến khoảng cách xa vời giữa cung - cầu, rất khó kiểm soát. Ông Thái Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng kiến nghị, phải hạn chế bổ sung quy hoạch, cấp phép khai thác cát sỏi đối với các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn. “Chính quyền các địa phương cần rà soát, đánh giá lại trữ lượng, dự báo nhu cầu thị trường; điều chỉnh sắp xếp quy hoạch, thăm dò khai thác khoáng sản phù hợp” - ông Vũ nói. Về giải pháp lâu dài, theo ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, tuyệt đối không quy hoạch cấp phép khu vực sông đối mặt với nguy cơ sạt lở thường xuyên. Khâu hậu kiểm là vô cùng cần thiết, bởi thực tế lực lượng chức năng lẫn chính quyền địa phương đã thả nổi, mất kiểm soát chặt nguồn cát xuất đi của các đơn vị, cá nhân.

Lãnh đạo Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh trao đổi, làm việc với một chủ bến bãi tập kết cát  trái phép ở thị xã Điện Bàn.
Lãnh đạo Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh trao đổi, làm việc với một chủ bến bãi tập kết cát trái phép ở thị xã Điện Bàn.

 Để minh bạch trong hoạt động khoáng sản, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Nguyễn Bốn đề nghị, bắt buộc phải thực hiện đấu giá, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để tránh thất thoát nguồn thu và lựa chọn được các đơn vị có kinh nghiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Công khai, minh bạch hóa các thông tin về nguồn thu - chi về cát sỏi lòng sông. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Viễn đề xuất, không đấu giá với các trường hợp cấp phép khai thác khoáng sản cung cấp vật liệu thi công các công trình trọng điểm, công trình ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến đã đầu tư nhưng chưa có nguồn nguyên liệu. “Bỏ qua thủ tục đấu giá và cấp phép thăm dò đối với trường hợp xin khai thác cát sỏi ở sông suối phục vụ nhu cầu dân sinh tại chỗ và khối lượng không quá 10.000m3, thời hạn tận thu không quá một năm” - ông Viễn nói.

Trong khi đó, đề cập quy hoạch lâu dài, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, Sở Xây dựng và các ngành hữu quan cần thuyết minh thêm căn cứ để đánh giá nhu cầu sử dụng cát sỏi cho chính xác. Nguyên tắc của quy hoạch cát sỏi nhất thiết phải liên thông với các ngành khác, gắn bó với quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch của các ngành khác để tránh xung đột. Nói chung quy hoạch phải có tầm nhìn tổng quát chứ không thể có chuyện như bên xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) thu ngân sách địa phương từ khai thác cát chỉ có 1,7 tỷ đồng, trong khi Nhà nước phải bỏ ra 25 tỷ đồng để kè bờ sông Quảng Đại (xã Đại Cường, Đại Lộc) do sạt lở từ hệ lụy khai thác cát phía xã Duy Hòa. Cũng theo ông Minh, về các thủ tục hành chính cấp giấy phép bến thủy nội địa cần công bố rộng rãi để người dân thực hiện; quy định thời gian giải quyết bến bãi.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy hoạch cát sỏi lòng sông: Cần sát thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO