Quy hoạch đô thị: Cần nhìn rộng, tính xa

QUỐC TUẤN - THÀNH CÔNG 04/08/2022 06:53

Sớm tính toán hình hài, con đường phát triển cũng như lựa chọn bản sắc cho từng đô thị... là những “công việc” cần được thực hiện với tầm nhìn bao quát, những tính toán kỹ lưỡng. Cũng vì áp lực thời gian mà quy hoạch bị xem nhẹ để rồi lại phải đánh đổi bằng những bài học đắt giá.

Theo các chuyên gia, Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển đô thị xanh, bền vững. Ảnh: TUẤN CÔNG
Theo các chuyên gia, Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển đô thị xanh, bền vững. Ảnh: TUẤN CÔNG

Cần thêm chế tài

Từ góc nhìn toàn cảnh trên không, không khó để thấy các đoạn đứt gãy của hạ tầng các đô thị Tam Kỳ, Hà Lam (Thăng Bình). Các địa phương đã nhìn thấy tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ, song giải quyết câu chuyện “lịch sử để lại” là vấn đề nan giải.

Ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói, đường sắt và đường tránh Nguyễn Hoàng “cắt” quá sát, đóng khung không gian đô thị của Tam Kỳ suốt một thời gian dài.

Việc xử lý các đồ án quy hoạch trước đây do tỉnh phê duyệt gặp khó do phân cấp về thẩm quyền. Nhiều đồ án kéo dài suốt mười mấy năm, nhưng chưa phân cấp, do đó Tam Kỳ không thể “vượt mặt” tỉnh để hủy bỏ hoặc điều chỉnh.

Theo ông Lê Vũ Thương - Trưởng ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh, vùng đông có yêu cầu cao về chất lượng lập quy hoạch, tuy nhiên định mức kinh phí lập quy hoạch chưa phù hợp với tư vấn nước ngoài; đồ án quy hoạch do một số đơn vị thực hiện hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu.

Giai đoạn đầu, do phát triển đô thị chưa phải là nhiệm vụ then chốt, cũng không phải là khu vực phát triển về bất động sản nên không có dự án thương mại nào mà chủ yếu là phục vụ tái định cư.

Sau này, đã có khoảng 10 khu nhà ở thương mại được triển khai, nhưng về bản chất vẫn là các khu tái định cư trước đây bị dở dang, kéo dài nên được xúc tiến xã hội hóa để kêu gọi dự án.

“Chúng tôi mong muốn có hướng dẫn về hình thức tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài, giảm bớt ngân sách bố trí cho công tác quy hoạch, từ đó đẩy nhanh tiến độ, làm cơ sở kêu gọi dự án đầu tư.

Quy hoạch phải tính toán tới sự đồng bộ, mà tiêu biểu là chú trọng việc xử lý nước thải ở các khu dự án, khu đô thị, tránh lặp lại câu chuyện của Đà Nẵng” - ông Thương nói.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh  Trần Xuân Vinh cho hay, hình thức xã hội hóa nguồn lực phục vụ quy hoạch được khuyến khích nhưng lại đang gặp vướng mắc. Doanh nghiệp, các tổ chức sẵn sàng đồng hành để thực hiện quy hoạch nhưng trong luật quy định chỉ được nhận sản phẩm quy hoạch chứ không được nhận tiền.

Với các đồ án quy hoạch “treo”, triển khai ì ạch, cộng đồng cư dân và cả chính quyền sở tại chính là những chủ thể “đứng mũi chịu sào”.

Bà Huỳnh Thị Kim Dung - Trưởng ban Kinh tế xã hội HĐND TP.Hội An đặt vấn đề: “Đặt những người làm quy hoạch vào trường hợp cư dân sống ở vùng quy hoạch thì mới thấy được nỗi khổ của những quy hoạch treo, quy hoạch điều chỉnh vô tội vạ.

Việc doanh nghiệp chỉ triển khai đối phó sau đó rút đi thì chế tài xử lý như thế nào? Cần có sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, cần rà soát để đưa vào văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo trách nhiệm của chủ đầu tư với các quy hoạch”.

Khắc phục rào cản lãnh thổ

Nhìn ở góc độ hẹp, một khu vực lãnh thổ vẫn tồn tại nhiều vướng mắc do các quy hoạch thiếu khớp nối. Ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho hay, khi thực hiện các dự án nhà ở đô thị, nhà đầu tư thường chọn vị trí tương đối thuận lợi, chưa có sự ràng buộc về khớp nối hạ tầng dẫn đến “độ vênh” giữa khu mới và khu cũ, gây ra nhiều bất cập.

Nhiều dự án mới thường chỉ giải quyết vấn đề nội bộ trong khuôn khổ diện tích cấp phép, chưa tính được yêu cầu khớp nối hạ tầng, dẫn đến các vùng lõm, vùng ven, tạo trở lực để xây dựng hạ tầng tối thiểu theo quy chuẩn đô thị cho địa phương.

Cần có định hướng quy hoạch phát triển các khu dân cư, khu đô thị cho từng giai đoạn phù hợp, tránh việc quy hoạch, xây dựng quá nhiều khu dân cư gây lãng phí đất đai, nguồn lực xã hội. Ảnh: TUẤN CÔNG
Cần có định hướng quy hoạch phát triển các khu dân cư, khu đô thị cho từng giai đoạn phù hợp, tránh việc quy hoạch, xây dựng quá nhiều khu dân cư gây lãng phí đất đai, nguồn lực xã hội. Ảnh: TUẤN CÔNG

Nhiều chuyên gia về quy hoạch nhận định, các dự án góp phần phát triển đô thị chỉ mới tính tới “vùng lõi”, nơi nội bộ dự án mà chưa đáp ứng được yêu cầu tổng thể. Để tính chuyện tương lai, yêu cầu mỗi dự án phải được “đặt để” chặt chẽ vào một quy hoạch chung, hài hòa với không gian đô thị xung quanh, đảm bảo yêu cầu tối thiểu theo quy chuẩn đô thị.

Rõ ràng, yêu cầu này buộc quy hoạch phải tính tới yếu tố hài hòa, tháo dỡ những rào cản mang tính phân vùng về địa lý với từng khu vực, từng huyện, thị xã, thành phố hoặc nhỏ hơn nữa.

Theo KTS.Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, câu chuyện quy hoạch đô thị không thể bó hẹp ở từng huyện, thị xã, thành phố hay ở khu vực miền Trung, mà phải rộng ra trong cả nước, hướng đến tương tác với các quốc gia trong khu vực thông qua tiềm năng, lợi thế rất lớn về cảng biển, sân bay và hệ thống giao thông chiến lược.

Tại hội thảo góp ý quy hoạch đô thị ven sông, ven biển được tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, quan điểm này một lần nữa được nhấn mạnh, để tương lai của Quảng Nam được mở ra, tăng vị thế trong nước cũng như các nước trong khu vực…

Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Chủ tịch HĐND TP.Hội An cho rằng, quy hoạch các huyện đều có sự tác động lẫn nhau. Đơn cử như TP.Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn sẽ chịu nhiều tác động từ việc quy hoạch các địa phương khác.

“Rất cần tư duy liên vùng trong việc quy hoạch một số công trình xã hội như nhà máy xử lý rác thải, hỏa táng, nước sạch phục vụ chuỗi đô thị. Nếu theo quy hoạch thì Hội An rất khó đáp ứng do diện tích tự nhiên quá nhỏ. Công trình phải cách khu dân cư tối thiểu 500m thì lấy đất đâu để làm” - ông Vinh nói.

Định hình bản sắc

KTS.Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners cho rằng, giá trị lớn nhất mà Quảng Nam đang sở hữu là về môi trường. Đó là điều kiện khá lý tưởng để phát triển đô thị xanh, bền vững, theo tiêu chí chung mà tỉnh hướng đến. Điều còn lại cần phải làm, là tạo ra và gìn giữ những bản sắc riêng có cho khu vực đô thị.

“Nếu như tại khu vực Hội An, Mỹ Sơn nên có chiến lược tận dụng để phát triển theo hướng gìn giữ di sản, bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích dài hạn từ du lịch sinh thái, thì ở phía nam cần khai thác điểm mạnh về sân bay, cảng biển để xây dựng đô thị. Chúng ta đang có những điều kiện phát triển bổ sung cho Đà Nẵng, nơi đang gặp khó khăn về quỹ đất, sân bay, cảng biển.

Do đó, bên cạnh việc hài hòa chiến lược phát triển giữa các ngành kinh tế trọng điểm để tránh dẫm chân và triệt tiêu nhau, cũng phải quan tâm đúng mức đến việc tạo ra một bản sắc riêng có dựa trên những giá trị hiện hữu, mang tính bản địa” - KTS.Ngô Viết Nam Sơn nói.

TS.Lê Xuân Khoa (Đại học Oxford, Vương quốc Anh) cho rằng, nên có một mô hình phát triển xanh và bền vững tại Hội An để thu hút khách du lịch và tăng lượng lưu trú dài ngày hơn, thu hút được nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng và đất đai xung quanh phố cổ. Về phía nam, nên chuyển dịch sang phát triển và quy hoạch bền vững để thu hút được FDI và đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước.

“Việc đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng tại Quảng Nam đang trong giai đoạn phát triển, cho nên áp dụng mô hình xanh và bền vững sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn các thành phố khác như Hà Nội, Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Quảng Nam thường xuyên chịu tác động xấu từ thiên tai; tiên phong trong việc chống biến đổi khí hậu đi từ quy hoạch sẽ tạo một hình ảnh tốt, tạo được cái riêng so với các địa phương khác” - TS. Khoa nhìn nhận.

Tính toán con đường phát triển cũng như lựa chọn bản sắc cho từng đô thị, chỉ khi nào quy hoạch đúng, đủ và tính toán kỹ lưỡng, đô thị Quảng Nam mới phát triển bền vững, tương xứng với giá trị của vùng đất...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy hoạch đô thị: Cần nhìn rộng, tính xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO