Quy hoạch không gian biển cần đi trước

HÀ SẤU 12/04/2020 08:03

Không gian, tài nguyên biển từ lâu rất được chú trọng và là một trong những động lực lớn để phát triển đất nước. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, chồng chéo trong hoạt động quy hoạch, phát triển và bảo tồn biển. PGS-TS.Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ TN-MT) chia sẻ với Quảng Nam Cuối tuần về vấn đề này.

PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi. Ảnh: MINH HẢI
PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi. Ảnh: MINH HẢI

Năm 2017 Luật Quy hoạch lần đầu tiên ra đời và quy hoạch không gian biển được xem là một trong ba loại quy hoạch cấp quốc gia. Tôi vinh dự là thành viên tổ tư vấn xây dựng luật, cụ thể được phân công phụ trách theo dõi, xây dựng quy hoạch không gian biển. Đưa được quy hoạch không gian biển vào luật là điều thành công, tuy vậy thực hiện được nó còn là cả vấn đề, không khác gì việc quản lý tổng hợp vùng bờ. Đến nay, tôi xuống một số địa phương vẫn có người hỏi quản lý tổng hợp vùng bờ là gì, nên quy hoạch không gian biển cũng sẽ khó như vậy. Trên thực tế, đây là công cụ quan trọng kiểm soát phát triển, dung hòa lợi ích giữa phát triển và môi trường.

* Tại sao công tác quy hoạch lại quan trọng đến như vậy, thưa ông?

PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi: Bàn về quy hoạch không gian biển, lâu nay chúng ta hay nói tới câu chuyện mâu thuẫn và chồng chéo chủ yếu ở góc độ thể chế và chính sách. Nhưng ở cấp độ cộng đồng thì mâu thuẫn và chồng chéo chủ yếu nằm ở lợi ích giữa các bên liên quan. Thực tế  đã xuất hiện xung đột trong sử dụng không gian ở vùng ven biển và cả trên lưu vực.

Quy hoạch không gian biển tác động vào việc xây dựng các phương thức quản lý sao cho phù hợp để duy trì và bảo vệ các dịch vụ của các hệ sinh thái quan trọng nhất trong vùng quy hoạch đó. Vì thế quy hoạch không gian biển được lựa chọn đưa vào Luật Quy hoạch năm 2017 với tư cách là quy hoạch cấp quốc gia.

Nói về quy hoạch không gian thì “nhấn” nhiều đến quy hoạch không gian biển và gần đây bắt đầu mở rộng lên quy hoạch không gian tổng thể, tức là có thể áp dụng ở bất kỳ không gian nào. Trong chúng ta, kể cả những người ít quan tâm nhất cũng từng nghe đến chữ quy hoạch, về bản chất có một nguyên tắc rất quan trọng của quy hoạch nằm ở chỗ nó phải là công cụ đi trước các hành động phát triển.

* Vậy thưa ông, việc quy hoạch không gian biển giúp giải quyết những vấn đề gì?

PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi: Chức năng chính của quy hoạch không gian biển là giải quyết mâu thuẫn lợi ích, xung đột không gian trong quá trình sử dụng của vùng biển đó; định hướng phát triển bền vững vùng biển. Tôi thấy nhiều dự án làm đề tài về quy hoạch không gian biển nhưng làm giống như là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác. Ở không gian biển thông thường xuất hiện mâu thuẫn giữa cách thức sử dụng một vùng biển cụ thể, mâu thuẫn giữa khai thác và bảo vệ môi trường (vấn đề mà Hội An đang gặp thách thức lớn), mâu thuẫn giữa các ngành, mâu thuẫn không gian trong hoạt động giữa các ngành khác nhau trong cùng một vùng biển… Chỉ khi nào có quy hoạch bài bản, những khúc mắc ấy mới được dung hòa.

* Thực tế dường như còn nhiều tồn tại trong loại hình quy hoạch này, thưa ông?

PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi: Khi tiến hành quy hoạch không gian biển, thành công hay không là ở việc anh đã tìm ra hay nhận diện đủ các mâu thuẫn đang xảy ra ở trong vùng đấy chưa, để đưa ra giải pháp quản lý đúng đắn, lâu dài. Ở một số tỉnh mà tôi biết, họ đặt vấn đề ưu tiên của vùng ven biển là quản lý rạn san hô, nhưng ở đó có san hô đâu (?). Đâu phải nơi nào cũng có san hô như Khánh Hòa hay Quảng Nam đâu. Không nhận diện đúng vấn đề thì các phần sau của quy hoạch biển đều không có tác dụng.

Bờ biển Cửa Đại bị sạt lở thường xuyên trong nhiều năm qua. Ảnh: Q.T
Bờ biển Cửa Đại bị sạt lở thường xuyên trong nhiều năm qua. Ảnh: Q.T

Ngoài ra, lâu nay có nhiều trường hợp ở một số thành phố lớn chúng ta bị “rối” khi phải đền bù rất nhiều mới làm được các con đường hoặc phát triển hạ tầng biển. Đó là vì chúng ta đã để quy hoạch đi sau hành động phát triển, lúc đó quy hoạch chỉ còn là hình thức, thậm chí hợp thức hóa cho hành động phát triển. Điều này dẫn đến hậu quả là vùng biển bị băm nát, manh mún và khó có thể tính đến việc phát triển bền vững.

* Ông có thể phân tích cụ thể hơn về sự ưu việt trong quản lý nếu có quy hoạch không gian biển?

PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi: Khi có quy hoạch không gian biển bài bản, thứ nhất là kế hoạch tổng thể quản lý không gian biển, thứ hai là có bản đồ phân vùng, phân vùng không gian sử dụng cho cả bảo tồn và phát triển. Trong không gian bảo tồn lại chi tiết ra là bảo tồn cái gì, bãi giống hay khu bảo tồn biển, rừng cấm… Không gian phát triển lại tiếp tục chia nhỏ ra, phát triển theo ngành dầu khí, điện gió…

Về bản chất, quy hoạch là công cụ can thiệp cho hai mặt rất cân bằng và hệ thống cấp phép sẽ trên cơ sở không gian đó. Ví dụ 20 năm nữa người ta quy hoạch vùng biển này cho khai thác, vùng biển này cho nuôi trồng thủy hải sản, thì toàn bộ diện tích đó Nhà nước sẽ giao cho ngành nông nghiệp, tức là anh được quyền khai thác theo hai không gian đó. Nhà nước sẽ giám sát mức độ tuân thủ, ở đó nuôi con gì, trồng cây gì là do ngành đó quản lý chứ Nhà nước không can thiệp sâu, đó là ưu điểm.

Trong không gian đấy, người ta sẽ xây dựng quy định nguyên tắc mang tính pháp lý không ràng buộc quá nhưng phải tuân thủ, ví dụ tôi cho anh nuôi trồng thủy sản ở diện tích cụ thể này, vùng biển này nhưng với điều kiện là không phá hủy cái gì, không gây ra ô nhiễm ở mức nào… Cơ quan quản lý quy hoạch là Tổng cục Biển & hải đảo (Bộ TN-MT) phối hợp với Bộ KH&ĐT và địa phương sẽ thực hiện quản lý về nhà nước, giám sát mức độ tuân thủ quy định ở không gian đấy và không can thiệp vào sản xuất. Đó là điểm mới. Căn cứ vào kế hoạch đấy thì cấp phép quy hoạch chứ bây giờ người ta cấp phép khi chưa có quy hoạch.

* Quy hoạch không gian biển cấp địa phương cũng rất quan trọng, thưa ông?

PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi: Đặt trong trường hợp Quảng Nam - Đà Nẵng, trên này là lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, dưới là vùng biển, ở đó có rất nhiều hoạt động của các ngành khác nhau, sản xuất có, bảo tồn có, hàng hải có, nuôi trồng lồng bè có, du lịch có... Trong một không gian, rất nhiều hoạt động khác nhau có quyền tiến hành và họ đều có nhu cầu về không gian riêng của mình, từ đó gây ra xung đột. Hệ thống tài nguyên biển tức là hệ thống tài nguyên chia sẻ không phải của một ai, không thể nói lưu vực sông và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ để bảo tồn hoặc chỉ dành cho du lịch… Cho nên quy hoạch không gian chính là giải pháp mềm để can thiệp, cân bằng lợi ích. Chính vì thế quy hoạch không gian phải liên kết được các hình thức sử dụng biển khác nhau, chỗ nào bảo tồn, sử dụng năng lượng, giao thông hàng hải đi ở đâu, giải trí du lịch ở đâu rồi nuôi trồng thủy sản thế nào… đều được thu xếp không gian hợp lý.

* Ông có một lời khuyên nào về việc quản lý, quy hoạch không gian biển ở Quảng Nam?

PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi: Quảng Nam có Khu sinh quyển Cù Lao Chàm với hệ sinh thái biển vô cùng giá trị. Thế giới trao chúng ta danh hiệu về một mảng không gian có giá trị nhân loại mang tính toàn cầu nhưng đặt trên mảnh đất Hội An. Chừng nào chúng ta nhận thức được như vậy và tiếp cận theo cách quản lý của thế giới thì trách nhiệm của chúng ta đối với việc quản lý, quy hoạch khu sinh quyển này sẽ căn cơ hơn. Trong đó, cần chú trọng trong việc tiếp cận không gian bởi có những sự việc chúng ta không thể nào lường trước được như cồn cát ở Cửa Đại xuất hiện một cách bất ngờ. Còn nếu coi khu sinh quyển cũng như không gian biển là tài sản trong phạm vi lãnh thổ của địa phương thì sẽ chệch hướng trong việc quản lý.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy hoạch không gian biển cần đi trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO