Quy hoạch không gian sống ở miền núi

TRẦN HỮU 23/06/2017 11:44

“Cánh cửa” giảm nghèo cho miền núi dự phóng sẽ rộng mở khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn vùng tây của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, việc quy hoạch, sắp xếp dân cư được xem là “điều kiện cần” để triển khai các giải pháp tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội miền núi.

 Dấu ấn văn hóa Cơ Tu thuộc huyện Tây Giang nhờ vào những ngôi làng được quy hoạch bài bản, đông dân cư sinh sống  như thế này.  Ảnh: TRẦN HỮU
Dấu ấn văn hóa Cơ Tu thuộc huyện Tây Giang nhờ vào những ngôi làng được quy hoạch bài bản, đông dân cư sinh sống như thế này. Ảnh: TRẦN HỮU

PHÁ THẾ CÔ LẬP

Trong các nhóm giải pháp phát triển vùng tây, năm 2017 Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh xác định ưu tiên nguồn lực cho quy hoạch, sắp xếp dân cư miền núi. Chủ trương này đặt mục tiêu thoát nghèo bền vững cho đồng bào thiểu số và tạo cơ hội tranh thủ nguồn lực đầu tư hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới.

Cắt giảm khu dân cư

Kỳ vọng về phát triển miền núi thì quá nhiều, nhưng để thành hiện thực không phải một sớm một chiều. Sai lầm của những nhà làm quy hoạch, cơ quan quản lý nhà nước trước đây là quá sa đà kiếm tìm các dự án lớn, trong khi miền núi còn quá hoang sơ, bất lợi dưới con mắt các nhà đầu tư. Bằng chứng là doanh nghiệp vào khu vực miền núi làm ăn đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cái đói đã được đẩy lùi nhưng điều lo lắng là người dân chậm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản bởi sống trong những ngôi làng biệt lập. Ở vùng cao các huyện Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Giang, không gian sống của nhiều nóc, làng bị chia cắt vỡ vụn. Tập quán du canh du cư là cội rễ ra đời những cụm dân cư tự phát, nằm sâu trong hóc núi, rừng già. “Miền đất di cư” của đồng bào vùng cao khác hẳn với đồng bằng, bởi chi phối từ cách nghĩ, thói quen sinh hoạt, tập quán bản địa. Có nóc co cụm vài ba ngôi nhà nằm đơn độc trong rừng tồn tại trong thời gian ngắn nhưng chính quyền vẫn rụt rè trong can thiệp, xử lý. Ngay cả nhiều khu dân cư đối mặt với nguy cơ sạt lở cao vào mùa mưa nhưng không ít nơi chính quyền loay hoay trong di dời đến địa điểm mới. Một phần nguyên nhân vì thiếu vốn, cái chính do địa phương chưa có phương án, hoặc chậm quy hoạch quỹ đất bố trí dân cư hợp lý.  

Có nhiều khu dân cư ở miền núi nhiều năm duy trì tỷ lệ 100% hộ nghèo và “trắng” lưới điện quốc gia. Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào xây dựng kết cấu hạ tầng, mở đường giao thông song hiện tại vẫn còn nhiều nơi ô tô chưa đến được trung tâm xã. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để phủ sóng điện lưới quốc gia thì mỗi khu dân cư phải có ít nhất 25 hộ dân sinh sống trở lên, trong khi rất nhiều khu dân cư ở miền núi co cụm dưới 10 hộ dân. Ví dụ, tại huyện Nam Trà My có 224 điểm dân cư thuộc 43 thôn của 10 xã phân bố rải rác, mật độ dân cư thưa thớt. Trừ 59 điểm dân cư có đường giao thông đến các khu dân cư thì hầu hết bản làng, nóc còn lại đều “trắng” đường giao thông nội bộ. Từ năm 2015 đến nay, Nam Trà My đã thu giảm hàng chục khu dân cư bằng hình thức sắp xếp xen ghép. Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu quả quyết, quy hoạch các điểm dân cư mới trên địa bàn bám theo quy hoạch không gian sống hiện hữu của đồng bào, không hoặc hạn chế đến mức thấp nhất việc bạt núi san đồi, tác động vào môi trường tự nhiên. Các ngôi làng nằm rải rác trên núi cao, lọt thỏm giữa rừng già, theo lộ trình sẽ đưa xuống vị trí thuận lợi.

 Là cơ quan tham mưu cho tỉnh, Sở NN&PTNT đã hoàn tất khâu khảo sát các hộ dân có nhu cầu cấp bách trong sắp xếp dân cư năm 2017. Trước mắt, tại 9 huyện miền núi sẽ có nhu cầu sắp xếp dân cư cho 857 hộ. Trong đó, nhiều nhất là các huyện Tây Giang với 275 hộ, Nam Trà My 155 hộ, Phước Sơn 111 hộ; ít nhất là huyện Tiên Phước với 36 hộ. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Huỳnh Tấn Đức cho biết, trên cơ sở lập danh sách của các địa phương, ngành nông nghiệp sẽ khảo sát, xác định đối tượng ưu tiên theo thứ tự. Quan điểm chung là ưu tiên cho hình thức sắp xếp dân cư xen ghép. Tuy nhiên, về lâu dài phải quy hoạch sắp xếp dân cư bài bản, theo hướng ổn định và phù hợp với quy hoạch nông thôn mới.

Tạo động lực

Từ nhiều năm qua, huyện Tây Giang đã xây dựng nhiều ngôi làng có thương hiệu về văn hóa, du lịch nhờ các phương án sắp xếp dân cư hợp lý.  Tuy nằm ở nơi xa nhất tỉnh tính từ trung tâm tỉnh lỵ Tam Kỳ, nhưng vùng cao này có nguồn lực đầu tư khá lớn cho hạ tầng. Đồng bào Cơ Tu sống tập trung, nên dễ dàng được thừa hưởng các chương trình, dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, lưới điện quốc gia. Ở những nơi dân cư phân bố rải rác, cả hệ thống chính quyền từ cấp huyện đến xã đều đến vận động, giải thích và hỗ trợ đồng bào di chuyển đến nơi ở mới có điều kiện sản xuất, tìm kiếm sinh kế thuận lợi hơn rất nhiều so với làng cũ.

Trong các nhóm dự án triển khai cho miền núi, từ năm 2017 tập trung ưu tiên hỗ trợ sắp xếp dân cư theo hình thức xen ghép, hạn chế hình thành các khu dân cư tập trung mới. Trên cơ sở quy hoạch kinh tế - xã hội vùng tây, tiếp tục rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch ngành, sản phẩm cụ thể gắn với cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư tại các huyện miền núi.   

Sức thuyết phục trong quy hoạch sắp xếp dân cư ở miền núi là tính toán tạo ra vùng sản xuất đa dạng, giúp người dân có cơ hội thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Điển hình là đồng bào nếu chuyển đến khu dân cư được sắp xếp dù dưới hình thức nào cũng được giải quyết đất sản xuất; hỗ trợ phát triển chăn nuôi, tạo sinh kế. Dân bỏ làng cũ ra đi với tinh thần tự nguyện sau khi được đả thông tư tưởng, thay đổi nhận thức. Nhìn xa trông rộng hơn, tỉnh đã lập đề án sắp xếp dân cư gắn với sản xuất, bảo vệ vành đai rừng biên giới đối với các xã giáp ranh nước bạn Lào. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các điểm dân cư thưa thớt, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, nguy cơ cao về thiên tai để sắp xếp dân cư ổn định, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và có tính định hướng, tầm nhìn về gia tăng dân số; đảm bảo đất trồng trọt, chăn nuôi trước mắt lẫn lâu dài và đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Theo Sở NN&PTNT, để tìm quỹ đất sản xuất cho đồng bào, ngành sẽ tính toán, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất theo quy hoạch đã duyệt; ưu tiên dành quỹ đất cho các dự án về đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn, du lịch tại các huyện miền núi. Sắp xếp dân cư hợp lý thì người dân trực tiếp được hưởng lợi, tiếp cận các dịch vụ xã hội tối thiểu, nguồn lực của Nhà nước sẽ đầu tư trọng tâm hơn, không dàn trải và tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư. Mỗi hộ có tối thiểu 500m2 đất ở sau khi đã sắp xếp. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, không đặt nặng chi phí nguồn vốn  đầu tư cho lộ trình sắp xếp dân cư, vấn đề đặt ra là cách làm như thế nào cho hiệu quả. Hỗ trợ cái gì cho đồng bào phải xác đáng và thiết thực. Kinh nghiệm cho thấy, phải làm mẫu vài mô hình điểm, sau đó đánh giá rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng ra các địa phương khác.

TRẦN HỮU

LẮNG NGHE DÂN

Công tác tham vấn cộng đồng được các địa phương quan tâm, triển khai đạt hiệu quả trước khi tổ chức quy hoạch, sắp xếp dân cư miền núi.

TÂY GIANG được xem là một trong những huyện đầu tiên và thành công trong việc bố trí tái định cư, bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào Cơ Tu. Có được điều đó là do chính quyền địa phương chú trọng khâu tuyên truyền, vận động và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ, trước khi bố trí tái định cư, huyện rất chú trọng đến công tác thu thập ý kiến của người dân. Các ban ngành của huyện, xã thường xuyên tổ chức trưng cầu ý dân, đặc biệt là đối với các già làng, người cao tuổi  có uy tín trong cộng đồng, từ đó thu thập được những đóng góp thiết thực.
Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhiều cán bộ dân vận ở các địa phương miền núi đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân. “Có những tập tục, thói quen của đồng bào mà nếu mình không ở cùng thì không thể biết được.

Công tác tham vấn, gặp gỡ các già làng để vận động tuyên truyền là rất cần thiết để tạo được sự đồng lòng trong cộng đồng dân cư.Ảnh: N.DƯƠNG
Công tác tham vấn, gặp gỡ các già làng để vận động tuyên truyền là rất cần thiết để tạo được sự đồng lòng trong cộng đồng dân cư.Ảnh: N.DƯƠNG

Từ cách mời thức ăn, cách uống rượu hay bố trí chuồng trại chăn nuôi cũng theo một lối xưa. Giờ thay đổi thì rất khó. Quan trọng là để người dân nắm bắt được chủ trương và hiệu quả thiết thực từ việc sắp xếp dân cư cũng như sự đồng hành của chính quyền địa phương” - ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My) chia sẻ. Từ những ngày “ba cùng” đó, nhiều ý kiến đóng góp của từng nhóm hộ đã được ghi nhận để có cách sắp xếp, bố trí hợp lý trong cụm dân cư. “Hiện nay chúng tôi đã thành lập một đội xung kích của huyện với hơn 50 người, ở mỗi xã có một đội xung kích khác với 20 người. Từ đó, cùng san lấp mặt bằng, cùng dựng nhà, cùng chia sẻ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, để họ thấy được rằng, chính quyền luôn đồng hành với họ” - ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay.

Theo ông Hồ Văn Đường - Chủ tịch UBND xã Phước Chánh (huyện Phước Sơn), việc khó nhất trong vận động người dân là thuyết phục được họ di dời đến nơi ở mới. Do địa hình ở địa phương núi cao, dốc đứng, rất khó bố trí cho người dân có chỗ ở rộng rãi nên việc thuyết phục gặp nhiều khó khăn hơn. Hiện Phước Chánh lên kế hoạch xây dựng 2 khu dân cư mới ở thôn 6 và thôn 7, mỗi nơi bố trí 20 - 25 hộ dân. Đây là những gia đình sống chen chúc nhau ở các khu dân cư cũ nên phải bố trí lại phù hợp để tạo không gian sống thuận lợi cho người dân. “Người dân trên đây đã quen với lối sống quây quần với nhau nên khi tách họ đi nơi khác rất khó. Phải trải qua nhiều lần họp thôn, gặp gỡ các già làng để vận động, giải thích người dân mới chấp nhận” - ông Đường nói.

Để tránh thay đổi quá nhiều cảnh quan và môi trường sống của người dân, hầu hết địa phương miền núi đều tận dụng tối đa các nguồn lực tại chỗ. “Di dân nghĩa là tập hợp những hộ rải rác, bố trí lại thành một cụm dân cư. Vì vậy, chúng tôi vừa tuyên truyền, vận động, vừa giải thích rõ chủ trương của Nhà nước để bà con hiểu. Cái chính vẫn là người dân tự làm với nhau mà thôi. Ví dụ như khi đưa mấy hộ từ trên nóc xuống dưới, những hộ này sẽ không có đất nên cần vận động những người dân ở dưới nhường đất. Bù lại, khi nhận tiền hỗ trợ làm nhà, những hộ này sẽ trả lại một ít tiền cho người đã nhường đất. Tất cả đều do người dân tự thỏa thuận với nhau, còn mình chỉ mang tính định hướng chung” - ông Nguyễn Minh Điệp, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Trà Vinh cho biết.

TUỆ LÂM

HẠN CHẾ NHỮNG TÁC ĐỘNG

Từ bài học kinh nghiệm của những lần tái định cư trước, các địa phương miền núi đang nỗ lực bố trí dân cư với mục tiêu hàng đầu là đảm bảo ổn định cố kết cộng đồng, hạn chế tác động tiêu cực đến cảnh quan, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân miền núi.

Hạn chế can thiệp cơ giới

Từ những hạn chế trước đây khi can thiệp quá sâu trong việc bố trí tái định cư khiến cho cơ cấu cộng đồng cũng như nền tảng văn hóa của người dân bị xáo trộn, lần này, chính quyền địa phương rất cẩn trọng trong việc bố trí tái định cư.

Khu tái định cư thôn 4A (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn).Ảnh: N.DƯƠNG
Khu tái định cư thôn 4A (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn).Ảnh: N.DƯƠNG

Trong đề án quy hoạch từ 224 cụm dân cư còn lại 115 khu dân cư của huyện Nam Trà My, địa phương cố gắng để sắp xếp hợp lý, tránh tối đa việc bố trí ở một khu vực hoàn toàn xa lạ với người dân. “Khi bố trí tái định cư cho người dân thì cần phải chú trọng đến đời sống, tập quán văn hóa của họ, để từ đó có cách bố trí hợp lý. Hầu như các khu dân cư đều có sự can thiệp rất ít của các phương tiện cơ giới bởi nó có thể làm thay đổi cảnh quan nơi sống” - ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết.

Theo ông Bửu, thực tế có những hộ nằm rải rác ở lưng chừng núi thì vận động người dân xuống thấp hơn, sinh sống cùng với người trong làng, từ đó xây dựng hệ thống giao thông nối liền các thôn với nhau để thuận tiện hơn trong sinh hoạt. Ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho biết thêm: “Hiện nay chúng tôi đang cố gắng làm sao để ít tác động đến cuộc sống của người dân. Những người ở rải rác sẽ được vận động ra nơi mới, gần mọi người hơn. Không có đất thì vận động bà con chia sẻ đất, rồi mọi người góp công để dựng nhà... Ngay cả việc san ủi mặt bằng cũng được hạn chế làm bằng xe cơ giới, mà chỉ thực hiện bằng công sức của cộng đồng làng”. Theo quy hoạch, mỗi hộ dân được bố trí dựng nhà trên khoảng 250m2 đất, trong đó bao gồm nhà ở, ao cá và chuồng trại chăn nuôi. “Nếu cứ bó hẹp không gian sống của bà con thì ảnh hưởng đến tập tục, lối sống của họ. Nên ngay cả khi lấy mặt bằng chỉ lấy vừa đủ, giữ được cái gì thì giữ để tạo cảnh quan tự nhiên vốn có” - ông Bửu nói.

Tương tự Nam Trà My, huyện Phước Sơn cũng đang triển khai bố trí tái định cư cho người dân địa phương với mục tiêu hàng đầu là đảm bảo ổn định đời sống cộng đồng dân cư. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, trừ những trường hợp bất khả kháng thì việc tác động cơ giới được hạn chế tối đa. “Như ở thôn 1A (xã Phước Thành), người dân tập trung chen chúc trên một quả đồi nên không đảm bảo được không gian sinh hoạt cộng đồng. Nhiều hộ có con đã lớn nhưng vẫn phải ở chung với cha mẹ do không có đất để tách hộ. Vì vậy, chính quyền đang vận động người dân hiến đất, san lấp mặt bằng ở những chỗ đất trống còn thừa để bố trí tái định cư dựa trên không gian sống cũ. Như thế sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến cảnh quan cũng như thói quen sinh hoạt của người dân” - ông Hà cho biết.

Người dân là chủ thể

Trong các cuộc họp để lấy ý kiến góp ý về việc bố trí tái định cư cho đồng bào miền núi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh lưu ý, cần phải tôn trọng các giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư miền núi và cảnh quan, môi trường sống, việc can thiệp cơ giới hóa sẽ phá đi cảnh quan và dễ tác động đến đời sống văn hóa, giá trị tinh thần của người dân.

Một bài toán mà lâu nay chính quyền địa phương các huyện miền núi quan tâm là làm sao để dung hòa giữa quy hoạch và đảm bảo quyền lợi của người dân. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, nếu cứ đưa 1 gói tiền để người dân tự ý làm thì sẽ khó theo quy hoạch của khu dân cư. Nhưng nếu chính quyền hoàn toàn tự quyết, bố trí thì có thể không hợp ý với người dân, khó bền vững. Vì vậy cần phải tham khảo kỹ ý kiến của người dân để họ đồng thuận với chủ trương quy hoạch. “Khác với những lần trước là mình cố ép người dân vào một khuôn khổ cố định, giờ chủ yếu dựa vào những ý kiến thu thập được từ người dân. Chỉ khi nào người dân đồng ý thì mình mới làm” - ông Nguyễn Mạnh Hà nói.

Tại huyện Nam Trà My, theo ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT, để bố trí tái định cư cho người dân, huyện chỉ là cơ quan điều phối, xây dựng chương trình, kế hoạch, còn lại vẫn là do người dân tự làm. “Khi người dân chung tay vào xây dựng môi trường sống của chính mình thì họ sẽ có trách nhiệm hơn. Đa số đều lấy nhân dân tại chỗ làm lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng khu dân cư. Khi họ làm đúng theo kế hoạch thì mới hỗ trợ tiền theo đúng nghị quyết đã ban hành” - ông Hải nói. Như ở xã Trà Vinh (Nam Trà My), nhiều người đã hiến đất, đóng góp ngày công để xây dựng tuyến đường giao thông dài 450m trong khu dân cư. Người có đất rộng thì chia đất cho người ít hoặc không có đất. Bù lại, những người không có đất sẽ góp công hoặc một ít tiền (tùy theo thỏa thuận giữa các hộ dân) để trả lại cho người góp đất. “Như thế sẽ tạo ra sự đồng lòng giữa cộng đồng trong việc xây dựng đời sống khu dân cư” - ông Hải nói thêm.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy hoạch không gian sống ở miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO