“Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” vừa được thông qua, mở ra cơ hội cải tạo, phát triển hạ tầng, mạng lưới viễn thông, đáp ứng xu thế phát triển.
Bất cập hạ tầng, mạng lưới
Trước xu thế phát triển nhanh, bùng nổ của ngành viễn thông, sự bất cập trong phát triển hạ tầng, mạng lưới viễn thông là không tránh khỏi. Cụ thể, sự phát triển hạ tầng viễn thông thụ động chồng chéo giữa các đơn vị, mỗi doanh nghiệp viễn thông đầu tư xây dựng mỗi hạ tầng kỹ thuật riêng gây ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, giảm hiệu quả sử dụng hạ tầng, mạng lưới. Theo khảo sát của Sở TT-TT, toàn tỉnh có 1.465 cột ăng ten (cột BTS) là cơ sở hạ tầng thông tin di động của 7 nhà mạng viễn thông, tuy nhiên chiếm đa số là loại hình cột ăng ten A2b (1.340 cột). Đây là loại hình cột ăng ten cồng kềnh, có độ cao từ 20 - 60m, được xây dựng trên diện tích đất 300 - 400m2, diện tích nhà trạm từ 12 - 20m2, chủ yếu được dùng ở vùng nông thôn, không phù hợp với vùng đô thị, vùng yêu cầu cao về mỹ quan. Trong khi đó, loại hình cột A1, A1a, A1b vốn nhỏ gọn, thân thiện môi trường, phù hợp với khu vực đô thị, vùng yêu cầu cao về mỹ quan như Hội An, Tam Kỳ, song loại hình này còn chiếm số lượng quá khiêm tốn ở Quảng Nam.
Việc quy hoạch, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật trạm BTS là cấp thiết. Ảnh: Internet |
Một bất cập lớn trong phát triển mạng lưới, hạ tầng viễn thông thụ động ở Quảng Nam là hiện trạng dùng chung hạ tầng, mạng lưới thông tin di động (trạm, cột BTS) trên địa bàn tỉnh còn thấp (chỉ đạt 31%, tương đương với 448/1.465 cột). Yếu kém về hạ tầng, kỹ thuật viễn thông thụ động còn thể hiện ở công nghệ hạ tầng lạc hậu, không đồng bộ, phát triển thiếu đồng đều giữa các doanh nghiệp. Hạ tầng, tuyến cột treo cáp, mạng cáp treo trên địa bàn chủ yếu do hai nhà mạng chính đầu tư là Chi nhánh Viettel Quảng Nam và Chi nhánh Viễn thông Quảng Nam (VNPT Quảng Nam) với 1.120 tuyến cáp, có tổng chiều dài 5.529km (chiếm 93% tổng số mạng cáp của toàn tỉnh). Trong khi đó, công trình kỹ thuật ngầm được đầu tư khá khiêm tốn với 88 tuyến, có tổng chiều dài 397km.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT: “Trên địa bàn tỉnh có đoạn sử dụng cáp treo, có đoạn cáp ngầm, cả tỉnh chưa có tuyến phố nào triển khai ngầm hóa toàn bộ cáp ngoại vi. Lượng cáp treo lớn (93%), chủ yếu được các doanh nghiệp viễn thông thuê lại hạ tầng của điện lực để treo cáp đã gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Cả hệ thống cáp treo và cáp ngầm đang trở nên xuống cấp trầm trọng trước sự thiếu đầu tư, cải tạo”. Trước những thực trạng trên, Sở TT-TT đã chủ trì, phối hợp với Viện Chiến lược TT-TT xây dựng “Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Quy hoạch được xem là lời giải cho bài toán chồng chéo, bất cập về hạ tầng, kỹ thuật, mạng lưới viễn thông tỉnh nhà.
Dùng chung cột ăng ten, ngầm hóa cáp
“Chủ trương đẩy mạnh tỷ lệ ngầm hóa mạng cáp ngoại vi viễn thông cũng là trọng tâm của quy hoạch. Mục tiêu đặt ra giai đoạn từ nay đến năm 2020 và 2025 là nâng tỷ lệ ngầm hóa mạng cáp ngoại vi viễn thông tính theo tuyến đường, phố trên toàn tỉnh đạt 20 - 25% (tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị). Tại các đường, phố khu vực đô thị, trung tâm thành phố, trung tâm huyện, thị xã tỷ lệ này sẽ đạt 45 - 50%. Đối với những tuyến đường phố, đô thị yêu cầu cao về mỹ quan, các khu công nghiệp mới, tỷ lệ ngầm hóa hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông phải đạt 100%”. (Ông Nguyễn Minh Sơn - Viện trưởng Viện Chiến lược TT-TT) |
Ông Nguyễn Minh Sơn - Viện trưởng Viện Chiến lược TT-TT cho hay, thị trường viễn thông có thể nói đang ở thời kỳ bão hòa. Thế nhưng trước xu thế, yêu cầu lớn về phát triển hạ tầng viễn thông ứng dụng công nghệ mới, đồng bộ, hiện đại, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, đi đôi với hiệu quả sử dụng hạ tầng mạng lưới, đảm bảo mỹ quan đô thị đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp viễn thông. “Bài toán dùng chung hạ tầng, mạng lưới viễn thông là cấp thiết. Theo đó, doanh nghiệp cùng đầu tư cơ sở hạ tầng một lần và sử dụng chung. Trường hợp doanh nghiệp nào không tham gia đầu tư, khi muốn sử dụng phải thuê lại hạ tầng theo các quy định hiện hành. Cơ chế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thị trường, xây dựng phát triển hạ tầng mạng lưới hay làm tốt xã hội hóa trong phát triển hạ tầng mạng viễn thông” - Viện trưởng Nguyễn Minh Sơn nói.
Cũng theo Viện trưởng Nguyễn Minh Sơn, trước xu hướng phát triển các dịch vụ thông tin di động và nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G, 4G, đến năm 2020, tổng số vị trí trạm BTS toàn tỉnh đạt 2.329 vị trí trạm, trên cơ sở hạ tầng hiện có, nhu cầu phát triển mới là 864 vị trí, trong đó có 389 vị trí trạm sử dụng chung, 475 vị trí trạm sử dụng riêng. Mục tiêu đặt ra từ “Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng 2025” là tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột ăng ten trạm thu phát sóng thông tin di động đạt 40 - 45% vào năm 2020 và đạt 55 - 60% vào năm 2025. Quy hoạch này cũng hướng tới cải thiện, nâng tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột treo cáp giữa các đơn vị đạt 75% năm 2020 và đạt 85% vào năm 2025. Ngoài ra còn hướng tới cải tạo hạ tầng cột ăng ten, tức cải tạo cột ăng ten loại A2a sang cột ăng ten không cồng kềnh A1 (thân thiện với môi trường, gọn nhẹ dạng bồn nước, dạng cây cọ, điều hòa, dạng áp tường, dạng cột cóc, ống khói) tại 17 khu vực, tuyến đường, phố chính khu vực TP.Tam Ky, Hội An, thị xã Điện Bàn, Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên. Các khu vực di tích, tuyến đường phố yêu cầu mỹ quan tại Hội An, Tam Kỳ và các khu vực nhà hát, khu vực mặt trước trung tâm chính trị - hành chính cũng sẽ tiến hành cải tạo cột ăng ten cồng kềnh A2 sang A1…
HOÀNG LIÊN