Dự kiến trong tuần này, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để Liên danh tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam báo cáo kết quả hoàn thiện Báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tôi quan tâm đến việc quy hoạch vùng đệm di sản phố cổ Hội An nên tìm đọc từ tài liệu dự thảo các phương án quy hoạch được gửi cho thành phần dự họp tại địa chỉ https://skhdt.quangnam.gov.vn/webcenter/portal/sokhdt/pages (bản cập nhật trên hệ thống đến ngày 13.8).
Trong “Phương án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) xây dựng có nêu một ý khá hay.
Đó là: thách thức của Hội An hiện nay là sự bành trướng đô thị, nguy cơ các cánh đồng vốn là đặc trưng cảnh quan thiên nhiên biến thành các khu đô thị mới, các khu vườn sẽ biến mất do nhu cầu đất ở tăng cao...
Do đó đề xuất đối với khu vực ngoài phố cổ sẽ thiết lập một khu đệm an toàn cho phố cổ bao gồm sông Hoài, các cánh đồng bao quanh phố cổ. Khu vực đệm này có tác dụng vừa bảo vệ phố cổ chống xâm lấn, vừa phục hồi không gian vốn có của phố cổ ngày xưa.
Tuy nhiên, khi tiếp tục đọc các phương án quy hoạch khác để tìm sự khớp nối, tôi khá ngỡ ngàng vì có quá nhiều sai sót ở cả phần chuyên đề tích hợp ngành và phần 18 huyện, thị, thành phố.
Tôi không dám bàn theo góc nhìn của kiến trúc sư hay nhà quy hoạch. Dưới góc nhìn của một người đọc, thuần chỉ để tìm hiểu những ý tứ, phương án mới thú vị, đột phá để tôi có tầm nhìn bao quát hơn nên sự thất vọng của tôi xuất phát từ kỳ vọng đó.
Quy hoạch tích hợp cần các chuyên gia giỏi và quy hoạch là công việc khó, nên càng phải nghiêm cẩn trong từng việc nhỏ nhất. Nên xin đừng cho rằng, những sai sót dưới đây là nhỏ.
Đơn cử vài ví dụ: ở phần các địa phương, TP.Hội An được ghi “thành phố miền núi”; “toàn thành phố là 8 cơ sở y tế, gồm: 1 bệnh viện thành phố, 7 trạm y tế xã (nay đã gộp Quế Ninh và Quế Phước thành Ninh Phước). Đến nay, trên địa bàn TP.Hội An đạt 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia”. Có đến hơn 1 trang A4 lẫn lộn giữa Nông Sơn và Hội An. Ở các địa phương khác, như Tam Kỳ, Phước Sơn… đều có nhầm lẫn tương tự.
Ở “Phương án sắp xếp dân cư và tổ chức sản xuất các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050”: việc liệt kê các dân tộc sinh sống trên địa bàn Quảng Nam cũng lạ huơ, như lấy ở đâu đó kê vào. Quảng Nam lại có đến 40 dân tộc sinh sống?
Phương án phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của huyện nào thì được ghi rõ là của huyện ấy đề xuất cho việc tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Vậy tại sao lại có nhiều lỗi như vậy? Trách nhiệm từ các địa phương, sở ngành của tỉnh đến đâu? Vai trò và nhiệm vụ của đơn vị chịu trách nhiệm chính thuộc về Liên danh tư vấn lập quy hoạch đến đâu? Bởi tích hợp vào quy hoạch tỉnh, thì không thể, không phải là phép cộng dồn những bản rời rạc.
Quy hoạch có chất lượng sẽ hoạch định rõ ràng hướng phát triển trong tương lai cho nên tối kỵ chuyện cóp dán hoặc phương án đưa ra đó mà đặt vào đâu cũng chẳng sai; hoặc đưa giải pháp là chính sách áp dụng chung cho cả nước, chỉ làm rối và tăng độ dài văn bản, ít có tính tham vấn cho địa phương.
Những phương án không khả thi, không phù hợp với địa phương cũng cần được rà soát kỹ lưỡng. Bởi, khi các bản quy hoạch được thông qua rồi, việc điều chỉnh là vô cùng khó khăn.
Tất nhiên, các phương án đó, sẽ còn rất nhiều cuộc góp ý của chuyên gia, nhà quản lý; nhưng đến thời điểm này - tức đã trải qua vài ba hội thảo lớn nhỏ, mà tài liệu ban hành (dù là dự thảo) còn gây cho một người đọc bình thường như tôi nhiều lấn cấn thì quả là đáng tiếc.