Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam hội tụ các yếu tố thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Vì thế, tầm nhìn quy hoạch phát triển CNHT chiến lược với không gian mở sẽ là cơ hội “dịch chuyển” đầu tư.
Nhà xưởng sản xuất thiết bị cơ khí tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai. Ảnh: H.P |
Nhận diện thực trạng
CNHT trên địa bàn tỉnh “phôi thai” khá sớm trên một số lĩnh vực như sản xuất linh kiện cơ khí phục vụ sản xuất máy móc nông nghiệp, sản phẩm dệt vải truyền thống tại Duy Xuyên. Sau đó, định hình ở ngành công nghiệp cơ khí ô tô, dệt may - da giày, hóa chất. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương, CNHT còn quá non yếu, năng lực và thiết bị công nghệ của các doanh nghiệp (DN) cũ kỹ, chủng loại sản phẩm nghèo nàn. Giá trị sản xuất công nghiệp các ngành CNHT của tỉnh mỗi năm ước đạt hơn 420 tỷ đồng. CNHT ngành cơ khí bước đầu thu hút các DN chủ yếu sản xuất linh kiện cho ô tô, xe máy, máy phát điện... Trong số 1.056 cơ sở sản xuất sản phẩm từ kim loại thì chỉ có khoảng 37 DN hoạt động quy mô nhỏ, trang bị thô sơ. CNHT tập trung chủ yếu ở ngành sản xuất ô tô, cơ khí. Hiện, tổ hợp Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải đã đầu tư sản xuất linh kiện phụ cho ô tô như khung gầm thùng xe, phụ tùng ô tô. Các công ty lắp ráp cũng sản xuất linh kiện, thiết bị trong nhà máy. Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô của Trường Hải khá cao, bình quân 52% đối với xe khách, 46% đối với xe tải… Trong khi đó, CNHT cho ngành điện – điện tử chỉ có mỗi Công ty CCI Việt Nam sản xuất sản phẩm chíp điện tử và Công ty Cáp Việt Hàn sản xuất cáp viễn thông. Sản phẩm da giày chủ yếu gia công các loại nguyên vật liệu được mua bên ngoài. Nghịch lý là phần lớn các nguyên liệu sợi, vải, hoặc sản phẩm phụ trợ ngành may như kim, dây kéo, móc áo, bao bì… của các DN dệt may tại Quảng Nam đều nhập khẩu hoặc mua lại các tỉnh thành khác. Ngành da giày phát triển đơn độc khi thiếu hẳn sự hỗ trợ của các ngành thuộc da, công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu và hóa chất phụ trợ.
Phát triển CNHT là tất yếu Đầu tư cho CNHT mang tính đặc thù, phải nhắm đến thị trường quốc tế chứ không thể là nội địa. Tư duy của nhà hoạch định chính sách là nhìn xa trông rộng, xác định đúng đối tác, đối thủ làm ăn để “dịch chuyển” cơ hội đầu tư hiệu quả và có chiến lược. Xác định Khu Kinh tế mở Chu Lai là vùng trọng điểm phát triển CNHT cho ngành chế tạo, cơ khí; CNHT cho ngành dệt may - da giày là ở các địa phương. Phát triển CNHT ở Quảng Nam là tất yếu, sẽ liên quan nhiều các chính sách về thuế, tài chính - tín dụng… Do vậy, cần lồng ghép quy hoạch phát triển ngành với địa phương. (Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải) |
Ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho rằng, cơ sở hạ tầng, CNHT cho ngành dệt may (thiết bị, máy móc, nguyên liệu…) phần lớn nhập khẩu từ nước ngoài. Hệ thống DN vừa và nhỏ, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo của tỉnh hầu như chưa hình thành. Đây là rào cản lớn trong phát triển CNHT. Thêm nữa, hạ tầng, hình thức xúc tiến chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư vào lĩnh vực CNHT. “Thời gian qua, địa phương nào cũng tranh thủ mở khu, cụm công nghiệp tràn lan, trong khi thiếu vốn để xây dựng hạ tầng. Mỗi năm, Bộ Kế hoạch - đầu tư chỉ bố trí khoảng 10 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng ở các khu, cụm công nghiệp. Hạ tầng dang dở, nhếch nhác ai dám đến làm ăn” - ông Tri phân tích.
“Đón đầu” thời cơ
Quảng Nam cần chuẩn bị gì, lựa chọn ưu tiên nào cho ngành CNHT? Theo đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), điều cốt yếu là lãnh đạo tỉnh phải chứng minh được với trung ương bằng các chính sách, cơ chế cho CNHT một cách thuyết phục. Trước tiên, tập trung vào phát triển CNHT ngành cơ khí chế tạo và dệt may - da giày. Xác định đây là “cuộc chơi” dài lâu, phải đeo đuổi đến cùng. Ông Huỳnh Thanh Tòng - Giám đốc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho rằng, phải tính toán phát triển CNHT theo lộ trình thời gian và không gian hợp lý. Do đó, giải pháp khả thi là nên chọn những ngành vốn là thế mạnh của ngành công nghiệp tỉnh, phân loại đối tượng phục vụ thị trường. “Cần thu hút các DN có vốn đầu tư FDI vào các khu, cụm công nghiệp hiện hữu. Xác định Khu Kinh tế mở Chu Lai là địa bàn trọng điểm phát triển ngành CNHT, sau đó linh hoạt bố trí ở các vùng, địa phương khác, nhưng phải “khớp” với quy hoạch sử dụng đất. Thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về thông tin, dịch vụ ngành nghề được Nhà nước khuyến khích ưu đãi đầu tư” - ông Tòng đề nghị.
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai cho rằng hiện đề án phát triển CNHT đang nghiên cứu, thẩm định. Phát triển CNHT là đương nhiên, nhưng phải tìm đầu ra cho sản phẩm. Muốn kêu gọi DN vào thì phải ưu đãi tiền thuê đất. Tất cả đều liên quan đến sự điều tiết chính sách vĩ mô của Nhà nước. Còn theo ông Trần Văn Tri, CNHT phải vươn ra tầm thế giới chứ không luẩn quẩn tính toán mỗi năm cả nước sản xuất bao nhiêu chiếc ô tô, bao nhiêu sản phẩm may mặc. Chính sách mới với ngành CNHT là gì? Phải đi tìm đối tác chiến lược, liên kết với Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) để hưởng lợi thế gián tiếp. Quy hoạch ngành CNHT tránh chồng lấn với quy hoạch khác.
Về những giải pháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu xác định, Khu Kinh tế mở Chu Lai sẽ phát triển ngành CNHT chế tạo, cơ khí ô tô, còn ngành dệt may - da giày, xem Thăng Bình - Quế Sơn là vùng đầu tư trọng điểm. Năm 2013 tiếp tục hoàn thiện hạ tầng ở Khu công nghiệp Đông Quế Sơn, cải thiện môi trường đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Lãnh đạo tỉnh sẽ mời gọi đối tác chiến lược đến làm hạ tầng. Sớm ban hành cơ chế, chính sách, đề xuất các giải pháp cụ thể với trung ương về phát triển ngành CNHT.
HỮU PHÚC