Trong 2 ngày 4&5.6, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo góp ý giữa kỳ về quy hoạch Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước.
Chưa phát triển đúng tiềm lực
Con đường 129 kết nối hai vùng kinh tế, không gian đô thị Bắc - Nam, mở ra một hậu xứ mênh mông, trở thành trục chiến lược phát triển vùng Đông. Cách nhau 5km, các tuyến giao thông nối ven biển lên quốc lộ, cao tốc, hứa hẹn mở sinh lộ cho vùng Tây phát triển song hành.
Thống kê, kinh tế Quảng Nam tăng trưởng nhanh hơn trung bình cả nước và các tỉnh, thành khác. Bình quân đạt 7,9%/năm (cả nước xấp xỉ 6%) giai đoạn 2011 - 2020. Chỉ riêng năng suất lao động ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân 3,86%/năm (cả nước 2,4%/năm), chủ yếu các ngành sử dụng nhiều công nghệ và vốn.
Theo một điều tra khác, mức tăng năng suất lao động ngành nông nghiệp địa phương thấp (41,3 triệu/53,4 triệu đồng), phản ánh nông nghiệp không phải là thế mạnh. Mức năng suất dịch vụ thấp hơn cả nước dù du lịch được xem là thế mạnh khi chỉ đạt 123,6 triệu/135,1 triệu đồng).
Quy mô và cơ cấu kinh tế địa phương đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành tỉnh có tiềm lực kinh tế, thị trường, thu hút các dự án đầu tư. Giai đoạn 2011 - 2020, GRDP của Quảng Nam đã tăng gấp 3,3 lần, đưa địa phương trở thành tỉnh có nền kinh tế lớn thứ 4 trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Tuy nhiên, nằm khá xa vùng ảnh hưởng lan tỏa của hai trung tâm lớn cả nước đã khiến địa phương gặp bất lợi về sự liên kết phát triển, nên đặt ra thách thức cho Quảng Nam phải luôn đổi mới cơ chế, chính sách để duy trì, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục tạo sức hút lớn các nhà đầu tư...
Một trong những hạn chế tác động lớn nhất khiến nền kinh tế địa phương không thể phát triển đúng như tiềm lực hiện có, là những chỉ tiêu, định hướng theo quy hoạch cũ đã phê duyệt không còn phù hợp.
Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) chưa hoàn chỉnh quy hoạch các phân khu (1/2.000), nhưng đã triển khai các quy hoạch chi tiết (1/500) dẫn đến bất cập về kết nối hạ tầng, mất cân đối cơ cấu sử dụng đất. UBND tỉnh đã chủ động dừng lại từ năm 2017.
Quy hoạch điều chỉnh sân bay, cảng biển vẫn còn gặp trở ngại… nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư nhiều dự án. Quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển vùng Tây trong một thời gian dài chưa được xác định rõ ràng, chỉ đạt chỉ tiêu về sắp xếp dân cư. Còn các nhóm dự án khác cũng đang ở mức độ thí điểm!
Trong một cuộc giám sát hồi cuối năm 2021, ông Vương Quốc Thắng - Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho hay, sự trăm hoa đua nở của các quy hoạch tại địa phương hiện nay theo kiểu đơn biệt và phân mảnh, khó tìm được các quy hoạch có tính thực tế.
Không ai quan tâm đến tính khả thi, thiếu quan tâm thị trường, vẽ ra đề án, không lường định được khả năng tài chính thực hiện, dẫn đến sự bất hợp lý trên thực tế. Không ít hộ dân bị “mắc kẹt” giữa các quy hoạch treo hay các dự án đầu tư vùng Đông tại địa phương không thể triển khai được là minh chứng rõ nét nhất.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, quy hoạch, quản lý quy hoạch, hiện trạng - một công tác “may đo” để xác định sản phẩm của địa phương còn rất yếu. Nhiều quy hoạch làm ra mang tính đối phó, giải quyết sự vụ, không tầm nhìn xa, không có sự khảo sát, đánh giá liên vùng, liên ngành, ít liên quan đến chất lượng đồ án quy hoạch.
Hoặc quy hoạch một đường, thực hiện một nẻo. Bất ổn quy hoạch ngay từ ban đầu đã dẫn đến sai khi triển khai trên thực tế, nên buộc làm theo kiểu khác hoặc đề xuất điều chỉnh nhiều lần.
Xung lực cho tương lai
Quy hoạch là công cụ đắc lực nhất để quản lý, điều tiết phát triển không gian kinh tế - xã hội. Nếu yếu kém hay vô dụng sẽ chẳng những không thực hiện được chức năng quản lý phát triển mà còn gây nên những tổn thất và rối loạn ở cấp độ toàn xã hội. Quảng Nam đã có các đồ án quy hoạch.
Tuy nhiên, tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường đang diễn ra tương đối mạnh mẽ. Không thể khác, cần sự tích hợp quy hoạch xây dựng với các lĩnh vực kinh tế khác nhằm hướng đến sự phát triển toàn diện, tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, sự phát triển của địa phương không đơn lẻ mà cần có sự kết nối liên vùng nên phải thay đổi, phải tạo ra sự khác biệt. Sự khác biệt vẫn dựa trên nền tảng kế thừa, nhưng bổ sung, hoàn chỉnh, phù hợp với đà phát triển hiện tại.
Quy hoạch lần này sẽ không là những phép cộng đơn thuần hay mảnh ghép của các lãnh thổ, thể hiện “đột phá, khác biệt, toàn diện, bền vững”, không na ná các tỉnh, thành khác; quan trọng là tầm nhìn, phải chất lượng, thu hút các nhà đầu tư mạnh, thương hiệu lớn, đem lại giá trị đầu tư cao hơn trong tương lai.
Theo liên danh tư vấn lập quy hoạch Quảng Nam (7 tổ chức), phương án phát triển không gian lãnh thổ, vùng liên huyện, các trục trọng điểm kinh tế và hành lang động lực, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, hệ thống đô thị, tổ chức lãnh thổ nông thôn và nhà ở sẽ thật cụ thể.
Phát triển không gian theo quan điểm tích hợp tổng thể không gian các ngành lĩnh vực với mục đích phát triển kinh tế. Quảng Nam sẽ phát triển theo mô hình 8 hành lang: 4 hành lang Bắc Nam (hành lang kinh tế ven biển, dọc cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 1A và dọc tuyến đường Hồ Chí Minh), 4 hành lang Đông - Tây (quốc lộ 40B, 14E và 14B, 14D và đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14G, tuyến ĐT606) và 8 trung tâm dựa theo các đô thị đã hiện hữu trên toàn Quảng Nam (15 đô thị).
Không gian công nghiệp sẽ được mở rộng vùng đồng bằng ven biển (phía Đông), được chọn là vùng động lực phát triển kinh tế và công nghiệp. Vùng trung du miền núi (phía Tây) sẽ chọn các dự án thủy điện và chế biến nông lâm sản, kinh tế rừng gắn với vùng nguyên liệu.
Nói một cách cụ thể, các phương án phát triển không gian công nghiệp, thương mại, dịch vụ, không gian du lịch, các khu chức năng hay phát triển vùng chuyên canh sản xuất rau màu, chăn nuôi công nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản,... đều tính toán đến vị trí địa lý, khí hậu, thổ những và tiềm năng của từng vùng, gắn không gian quốc phòng, an ninh.
Tính liên kết không gian lãnh thổ sẽ dựa vào các địa phương gần nhau, có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, xã hội, trình độ phát triển, quan hệ hữu cơ về địa lý lãnh thổ, văn hóa, tập quán, liên kết giao thông thuận lợi, có thể cùng sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế như. Các mô hình hệ thống đô thị phát triển theo chuỗi dựa trên các tuyến giao thông chính đã được định hình. Mỗi chuỗi được xác định các đô thị chính và đô thị thứ yếu.
Các đô thị chính là chủ thể của chuỗi, đóng vai trò tính chất nổi trội cho chuỗi hành hàng kinh tế. Bố trí sắp xếp ổn định dân cư nông thôn hướng tới hình thành các điểm dân cư theo tiêu chí nông thôn mới, phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan...
Mọi phương án phát triển phải dựa trên cơ sở tôn trọng phong tục, tập quán của từng dân tộc, đảm bảo tính cộng đồng, không gây ra những biến động lớn trong đời sống nhân dân.
Quan điểm của Quảng Nam về định hướng không gian lãnh thổ vùng sẽ phải được tích hợp các không gian của các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững, tạo sự đột phá và đảm bảo an ninh quốc phòng. Các phương án phát triển đô thị và nông thôn, không gian vùng liên huyện, vùng huyện là định hướng tổng thể, làm cơ sở quản lý các đồ án quy hoạch xây dựng cấp dưới cũng như các chương trình, chiến lược hành động của địa phương.
Các nhà tư vấn sẽ phải trả lời cho được việc đưa ra các đánh giá khách quan, tiên lượng về tính khả thi. Nhiều sự lựa chọn trên không gian lãnh thổ sẽ như thế nào? Một quy hoạch hiện thực, có tính khả thi thì cần nguồn lực ở đâu, tiến độ thực hiện bao lâu...
Hay nói cách khác, chất lượng quy hoạch thực thi trên thực tế mới là điều quan trọng cần chính sách nguồn lực. Tất cả chờ vào hội nghị đánh giá giữa kỳ quy hoạch Quảng Nam 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở vào ngày mai 4.6.