Cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam ) là một dược liệu đặc hữu quý hiếm có hàm lượng vi chất bồi bổ sức khỏe và chữa trị nhiều bệnh hơn cả sâm Hàn Quốc. Nó có giá trị kinh tế rất cao, trồng sau 5 năm thu nhập hơn 30 tỷ đồng/ha. Cây sâm Ngọc Linh đã được tỉnh và huyện đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển…
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My trải lòng: “Với những ai tâm huyết làm kinh tế và có tầm nhìn xa rộng thì cây sâm Ngọc Linh chính là cây chủ lực giúp đồng bào các dân tộc vùng núi cao Nam Trà My từ nghèo đói trở thành triệu phú, tỷ phú. Bởi cây sâm Ngọc Linh tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, đẳng cấp quốc tế, cạnh tranh ngang hàng với các loại sâm của Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… trên toàn cầu đem về hàng tỷ ngoại tệ cho đất nước”. Với tư duy và cách nhìn nhận mới về cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, trong các nghị quyết và định hướng phát triển kinh tế từ huyện Nam Trà My đến Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đều đặt cây sâm Ngọc Linh vào vị trí chủ lực trong các loại cây trồng cần được đầu tư kinh phí lớn. Cuối năm 2014, Nam Trà My ra nghị quyết khôi phục bảo tồn vườn sâm. Đầu năm 2015 có thêm nghị quyết dành hơn 1.300 tỷ đồng trong 5 năm tới đầu tư cơ sở hạ tầng đường sá vào vườn sâm và đầu tư xây dựng trung tâm phát triển cây giống sâm từ mô sinh học. Đây là tín hiệu vui cho đồng bào Ca Dong, Xê Đăng.
Núi Ngọc Linh sẽ là thủ phủ của cây sâm quý hiếm. Ảnh: LÊ GÂN |
UBND tỉnh cũng vừa có cú hích đột phá cho cây sâm Ngọc Linh phát triển, đó là dành hơn 3.100 tỷ đồng quy hoạch xây dựng gần 19.000ha rừng ở độ cao từ 1.500m trở lên, có độ che phủ lớn và độ ẩm phù hợp điều kiện sinh thái của cây sâm ở 7 xã vùng cao Nam Trà My là Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Tập, Trà Leng, Trà Don, Trà Dơn thành vùng trồng sâm. Từ đó tạo nên rừng sâm với khối lượng hàng hóa lớn bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến các sản phẩm nổi tiếng từ sâm, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Nam Trà My nói riêng và cả tỉnh Quảng Nam nói chung. Ngoài ra, việc quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng sâm Ngọc Linh quy mô lớn cũng là cách bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, nâng cao đời sống gần 6.000 hộ dân trong vùng quy hoạch. Cái mới là Nhà nước chỉ dành gần 1.000ha ở Trà Linh xây dựng Trung tâm Bảo tồn và phát triển giống gen sâm Ngọc Linh quý hiếm, còn hơn 15.000ha sẽ được phân theo từng tiểu lô cấp cho cộng đồng dân cư có nhu cầu trồng sâm, phân theo từng tiểu khu để cấp cho các doanh nghiệp vào tìm hiểu đầu tư trồng sâm một cách thuận lợi nhất.
Để việc quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn Nam Trà My từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2035 thực hiện có hiệu quả, huyện Nam Trà My và tỉnh Quảng Nam phân kỳ đầu tư có trọng điểm, phù hợp với thực lực và điều kiện thực tế từng thời điểm.
Năm 2015, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư và củng cố Trạm dược liệu Trà Linh thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam. Còn huyện đầu tư mạnh vào Trại giống sâm Tắk Ngo, đưa diện tích hai vườn sâm giống này lên 75ha làm khu bảo tồn và phát triển giống sâm. Đối với doanh nghiệp, huyện và tỉnh sẽ có cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư tốt nhất để họ trồng khoảng 2 triệu cây sâm trên 40ha dưới tán rừng nguyên sinh. Với bà con ở địa phương, huyện sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng sâm dưới tán lá rừng cho 1.000 hộ và cấp cây giống để họ trồng mới khoảng 1,5 triệu cây sâm tương đương 30ha. Huyện và tỉnh đẩy mạnh việc xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư trồng mới 500ha, hỗ trợ cây giống và kỹ thuật, vận động bà con thành lập các tổ nhóm hộ, mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng mới khoảng 350ha, đưa tổng diện tích rừng sâm lên hơn 1.200ha. Cùng với việc mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh, huyện và tỉnh còn tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, hệ thống điện lưới và hệ thống thông tin liên lạc trong vùng quy hoạch, tạo thuận lợi cho việc đi lại bảo vệ tốt vùng sâm nguyên liệu. Giải quyết đầu ra cho sâm Ngọc Linh bằng việc xúc tiến quảng bá thương hiệu và xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm mang thương hiệu quốc gia, đẳng cấp quốc tế…
Sau năm 2020 và tầm nhìn 2035, Trung tâm Bảo tồn phát triển giống gen sâm Ngọc Linh được đầu tư đủ sức cung cấp cây giống trồng mới 200ha mỗi năm, phấn đấu đến năm 2035 trồng hết diện tích quy hoạch. Trong đó doanh nghiệp trồng mới 200ha/năm, đồng bào trồng mới 100ha/năm. Đây là lúc đưa vào khai thác ổn định hàng năm từ 300 - 350ha với khoảng 360 - 400 tấn củ, đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến các sản phẩm đa dạng cung cấp ra thị trường đem ngoại tệ về cho tỉnh và huyện hàng tỷ đô la. Và cái được to lớn hơn là gần 6.000 hộ đồng bào Ca Dong, Xê Đăng sẽ có cuộc sống ấm no, giàu có. Tư duy đã có, quy hoạch đã có, vấn đề còn lại là cách tổ chức thực hiện, tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước, đồng bào và doanh nghiệp để cùng làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh.
LÊ GÂN