Để giúp bà con đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông... ổn định đời sống, phát triển kinh tế bền vững, huyện Nam Trà My đã có đề án quy hoạch 224 khu dân cư rải rác hiện nay thành 115 khu dân cư tập trung.
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, hơn 70% dân số của huyện thuộc diện đói nghèo (theo chuẩn đa chiều), việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục cơ bản của người dân còn rất hạn chế, một số phong tục tập quán lạc hậu vẫn tồn tại rải rác tại các thôn nóc vùng sâu, vùng xa. Về cơ sở hạ tầng, toàn huyện còn thiếu gần 400km đường giao thông các loại; chỉ xấp xỉ 25% dân số được sử dụng điện lưới quốc gia; có hơn 250 phòng học tạm bợ không đáp ứng yêu cầu dạy và học; số lượng hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh còn thấp; các thiết chế văn hóa - thể thao còn rất thiếu thốn. “Điều kiện địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi nhiều sông suối nhỏ, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp... nhưng nguyên nhân chủ yếu là dân cư phân bố rải rác, thiếu tập trung dẫn đến khó tiếp cận thị trường tiêu thụ vì chi phí vận chuyển cao, không thể phát triển sản xuất hàng hóa. Việc phân bố dân cư rải rác kéo theo việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh rất khó khăn do chi phí đầu tư quá lớn vượt khả năng của ngân sách” - ông Bửu nói.
Chính vì vậy, việc quy hoạch lại các cụm dân cư tập trung sẽ giúp người dân được hưởng lợi từ đường sá giao thông, nước sạch cho đến điện, đường, trường, trạm... Theo thống kê, toàn huyện hiện có 10 xã, 42 thôn, với 224 điểm dân cư phân bố rải rác, mật độ dân số không đồng đều. Hiện chỉ có 59 điểm dân cư đã có đường giao thông đến khu dân cư; hầu hết điểm dân cư đều chưa có đường giao thông nội bộ. Nếu giữ nguyên hiện trạng như hiện nay, cần đầu tư thêm 348km đường giao thông các loại. Hầu hết điểm dân cư chỉ có phòng học tạm, do vậy để đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh tại các khu dân cư cần đầu tư thêm 333 phòng học. Vì thế, huyện quyết tâm thực hiện đề án bố trí sắp xếp lại các khu dân cư. Theo ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My, để làm được điều này, điều đầu tiên là phải có sự đồng thuận của người dân. Và huyện cũng phải chuẩn bị các công tác như mặt bằng, điện, đường... để kịp thời di dời các hộ dân đến ở. “Đây là việc làm rất cần thiết để giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, vấn đề tài chính vẫn là thách thức lớn đối với huyện. Vì vậy, vẫn mong được sự ủng hộ của tỉnh và xã hội” - ông Hưng nói.
Dự toán kinh phí để thực hiện đề án này là hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó bao gồm các nguồn vốn huy động từ người dân, ngân sách huyện, xin hỗ trợ từ tỉnh và các doanh nghiệp, xã hội hóa... Theo kế hoạch, trong năm 2017, huyện tiếp tục thực hiện chương trình này với tổng nguồn vốn đầu tư cho các hạng mục hơn 71 tỷ đồng. Trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 50 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 21 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã triển khai thực hiện được nhiều khu dân cư ở khu vực làng Tắk Giang (thôn 6, xã Trà Cang), khu vực nóc Tắk Chai với 43/73 hộ người Xê Đăng di dời nhà cửa đến làm ăn sinh sống…
NGUYỄN DƯƠNG