Đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả quy hoạch sử dụng đất, nhất là việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích khác là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý tại hội nghị phản biện dự thảo quy hoạch sử dụng đất TP.Tam Kỳ (giai đoạn 2021 - 2030), được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ tổ chức vào sáng 17.5.
Giảm đất lúa, tăng đất ở đô thị
Theo dự thảo, giai đoạn 2021 - 2030, TP.Tam Kỳ ưu tiên bố trí đất đai cho các lĩnh vực then chốt như phát triển khu, cụm công nghiệp; khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạ tầng phục vụ du lịch, sản xuất nông nghiệp, khu sản xuất kinh doanh tập trung, khu thương mại dịch vụ, khu đô thị. Ưu tiên những dự án quan trọng tạo đột phá phát triển và có tác động lan tỏa.
Theo kết quả thống kê đất đai năm 2020, tổng diện tích tự nhiên TP.Tam Kỳ là 9.396ha, trong đó đất nông nghiệp 5.252ha (chiếm 55,9%), đất phi nông nghiệp 5.780ha (chiếm 41%), đất chưa sử dụng 363ha (chiếm 3%). Tổng số danh mục quy hoạch đến năm 2020 là 374 công trình dự án với tổng diện tích 2.066ha. Đến năm 2020 có 143 công trình dự án đã thực hiện với diện tích 394ha; có 38 danh mục công trình dự án với diện tích 613ha phải hủy bỏ.
Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và khảo sát hiện trạng, nhu cầu sử đụng đất, dự thảo đã cân đối, phân bổ diện tích các loại đất cho các mục đích sử dụng. Theo đó, diện tích nông nghiệp quy hoạch đến năm 2030 là 3.933ha (giảm 1.318ha so với hiện trạng); trong đó, đất lúa giảm 362ha, đất trồng cây hằng năm giảm 370ha, đất trồng cây lâu năm giảm 455ha, đất rừng phòng hộ giảm 52ha, đất rừng sản xuất giảm 42ha, đất nuôi trồng thủy sản giảm 34ha.
Diện tích đất phi nông nghiệp quy hoạch đến năm 2030 là 5.325ha (tăng 1.545ha); trong đó, đất khu công nghiệp tăng 213ha, đất thương mại dịch vụ tăng 343ha, đất ở tại đô thị tăng 408ha, đất khu vui chơi giải trí cộng đồng tăng 194ha… Ngoài ra, diện tích quy hoạch đất chưa sử dụng đến năm 2030 là 137ha (giảm 226ha).
Theo phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của TP.Tam Kỳ, tổng diện tích đất cần chuyển mục đích, thu hồi để thực hiện các công trình phi nông nghiệp là 1.913ha; trong đó thu hồi đất nông nghiệp là 1.425ha và đất phi nông nghiệp là 487ha.
Trong giai đoạn quy hoạch, do nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, diện tích đất lúa giảm 362ha cho các mục đích phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, một số diện tích đất lúa 1 vụ không chủ động nước tưới, năng suất thấp sẽ được chuyển đổi sang đất trồng các loại cây hằng năm khác.
Việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp được dự báo sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của lao động nông nghiệp và phải chuyển đổi nghề nghiệp.
Cần cân nhắc, tính toán kỹ
Qua nghiên cứu và nghe đại diện đơn vị tư vấn (Công ty TNHH Tư vấn quy hoạch Quảng Tín) trình bày dự thảo, hội nghị đã ghi nhận các ý kiến góp ý, phản biện của các nhà khoa học và cán bộ có chuyên môn trong vấn đến quy hoạch sử dụng đất. Trong đó, nhiều ý kiến băn khoăn về diện tích quy hoạch đất ở đô thị của TP.Tam Kỳ đến năm 2030.
Theo ông Đỗ Hoàng - Trưởng phòng TN-MT (Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam), quỹ đất ở đô thị của Tam Kỳ khá nhiều nhưng lượng người ở chưa bao nhiêu. Do đó, cần xem xét, tính toán về chỉ tiêu quy hoạch đất ở đô thị đến năm 2030 là 974ha (tăng 408ha so với hiện trạng 566ha).
Quỹ đất ở đô thị sẽ sử dụng không hiệu quả nếu chỉ phục vụ đầu tư bất động sản. Quy hoạch cần cân đối, đánh giá kỹ hơn cho từng giai đoạn, tránh sử dụng đất ở phục vụ đô thị hóa quá nhiều ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
TS.Nguyễn Văn Bình - Phó Trưởng khoa Tài nguyên đất và môi trường nông nghiệp (Trường Đại học Nông lâm Huế) đặt câu hỏi, không rõ dân số Tam Kỳ tăng thế nào mà diện tích đất ở cần chuyển đổi theo quy hoạch lớn như vậy. Trong khi Chính phủ đang hạn chế tối đa chuyển đổi sử dụng đất lúa nhằm đảm bảo an ninh lượng thực.
Ông Bình đề nghị đơn vị tư vấn và TP.Tam Kỳ xem xét lại tính khả thi của 34 công trình quy hoạch đất khu đô thị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với tổng diện tích lên đến hơn 2.900ha đến năm 2030. Bởi nhiều dự án quy hoạch đất ở đô thị giai đoạn trước đến nay vẫn chưa được triển khai.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở TN-MT cũng đề nghị TP.Tam Kỳ xác định danh mục, chương trình đầu tư lớn bắt buộc phải làm đến năm 2025 để tính toán, phân kỳ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất phù hợp.
Ông Sơn chia sẻ: “Đất không đưa vào quy hoạch thì không triển khai được dự án, không làm được công tác thu hồi, nên khi quy hoạch hầu như chúng ta “nhốt” vào đó. Nhưng ngược lại người sử dụng đất một khi bị treo vào quy hoạch thì đương nhiên bị tổn thương. Bài học này đã có trong nhiệm kỳ trước, thành phố đã phải bỏ hàng loạt quy hoạch…”.
Và ông Sơn đề nghị TP.Tam Kỳ nên dành nhiều quỹ đất cho hoạt động thương mại dịch vụ. Đây là hoạt động chính sẽ đem lại lợi thế cho Tam Kỳ trong tương lai. Riêng với phát triển các khu dân cư, khu đô thị, chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt về mặt đầu tư, còn về lâu về dài dễ để lại hậu quả.
Thành phố cần dành quỹ đất cho tương lai, bởi một khi đã chuyển sang đất ở đô thị thì gần như thực hiện chuyển giao cho người dân, về sau đụng vào phải bỏ rất nhiều tiền...