Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ: Cân nhắc chọn lọc

HỮU PHÚC 03/07/2013 08:53

Mạng lưới thủy điện (TĐ) ở miền núi Quảng Nam bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, song vẫn tồn tại nhiều bất cập. Vì vậy, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, rà soát lại toàn bộ quy hoạch thủy điện, xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các dự án. Và vấn đề này sẽ tiếp tục được bàn thảo trong Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh (khóa VIII) khai mạc vào hôm nay 3.7.

Tạm dừng 18 dự án thủy điện

Cách đây 3 năm, HĐND tỉnh đã có nghị quyết về quy hoạch thủy điện. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch TĐ gồm 34 dự án với công suất hơn 437MW, điện lượng 1,74kWh/năm (chiếm 27,63% công suất TĐ toàn tỉnh theo quy hoạch). Khai thác tiềm năng năng lượng quốc gia là chủ trương đúng đắn. Theo tính toán sơ bộ, dự kiến khi hệ thống TĐ được đầu tư xây dựng, sẽ tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách,  thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần ổn định an ninh năng lượng quốc gia. Mặt khác, nếu vận hành đúng quy trình kỹ thuật, TĐ có hồ chứa nước sẽ điều tiết lũ lụt vào mùa mưa, cải thiện môi trường không khí. Thêm nữa, tận dụng mặt nước lòng hồ, sẽ tạo điều kiện cho người dân trong vùng phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Sự phân cấp quản lý đầu tư TĐ (theo 2 cấp trung ương và tỉnh) đã khá rõ, vấn đề ở chỗ, những nhà hoạch định chiến lược, cơ quan chức năng của tỉnh cần có tầm nhìn xa, thận trọng xem xét thấu đáo.

Phát triển ồ ạt các dự án TĐ để lại quá nhiều hệ lụy.     Trong ảnh: Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 đang xây dựng.                   Ảnh: H.PHÚC
Phát triển ồ ạt các dự án TĐ để lại quá nhiều hệ lụy. Trong ảnh: Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 đang xây dựng. Ảnh: H.PHÚC

Những cái lợi của TĐ thì đã quá rõ. Ở đây chỉ “mổ xẻ” những dự án TĐ vừa và nhỏ đã đưa vào quy hoạch. Không phải không có cơ sở khi trước đây HĐND tỉnh cương quyết loại bỏ những dự án TĐ vừa và nhỏ, khi mà phong trào làm TĐ đã lên đến cao điểm. Trong số 34 dự án đã đưa vào quy hoạch thì có 11 dự án đã tham gia ý kiến thiết kế cơ sở. Có 9 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư với tổng công suất theo quy hoạch 38,6MW, trong đó dự án TĐ Agrồng công suất 1MW đã được Thường trực HĐND tỉnh thống nhất chủ trương bổ sung vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Theo Giám đốc Sở Công Thương – ông Nguyễn Quang Thử, sau khi rà soát quy hoạch TĐ, xem xét năng lực của nhà đầu tư, hiệu quả của từng dự án, tỉnh đưa ra khỏi quy hoạch 2 dự án Hà Ra công suất 1MW và Bông Miêu 0,6MW. Ngoài ra, tạm dừng chưa đầu tư xây dựng trước năm 2015 đối với 18 dự án TĐ vừa và nhỏ, gồm: A Vương 4, A Vương 5, A Vương 3, Nước Bươu, Nước Xa, A Banh, Đăk Pring, Đăk Ring 2, Chà Vàl, Sông Bung 3, Sông Bung 3A, Nước Biêu, Đăk Di 1, Đăk Di 2, Đăk Di 4, Nước Chè, Trà Linh 2 và Tầm Phục.

Cân đo lợi - hại

Xây dựng TĐ tất yếu sẽ gây mất diện tích đất, tác động vào rừng tự nhiên, làm xáo trộn cuộc sống đang ổn định của người dân. Về lý thuyết, các dự án TĐ vừa và nhỏ góp phần cải thiện đời sống dân cư, phát triển giao thông, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương nhưng thực tế TĐ phá hỏng đường giao thông, tăng gánh nặng chi phí đi lại, sửa chữa. Ví như, dự án TĐ Sông Tranh 2, trước đây đồng bào muốn về trung tâm huyện Bắc Trà My chỉ khoảng 12km nhưng bây giờ khi nhà máy vận hành phải đi vòng hết 50km. Cạnh đó, TĐ còn tác động đến sinh kế và văn hóa đặc thù của đồng bào miền cao. Các nhà đầu tư TĐ thì luôn lấy cái lợi về cho mình, đẩy cái khó về cho người dân.

Tính đến ngày 30.5.2013, trên địa bàn tỉnh có 42/44 dự án TĐ được cho phép nghiên cứu đầu tư. Trong đó, 13 dự án đã phát điện với tổng công suất hơn 766MW, 9 dự án đang thi công với công suất 654MW, 11 dự án đã tham gia ý kiến thiết kế cơ sở với 120MW, 9 dự án trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án đầu tư.

Thực tế, các dự án TĐ trên địa bàn tỉnh đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết không phải một sớm một chiều. Điển hình, khi triển khai xây dựng các dự án TĐ đều đề cập chuyện trồng lại rừng thay thế, nhưng nhiều nhà máy TĐ vẫn “nợ” rừng xanh. Trong số hơn 520ha rừng mà các nhà máy TĐ buộc phải trồng lại thì mới triển khai 28,5ha (chiếm hơn 5,4%). Đáng nói, trong số các dự án TĐ vừa và nhỏ xin nghiên cứu đầu tư, ít có đơn vị nào đánh giá, khảo sát, có phương án chăm lo đời sống, tạo công ăn việc làm, tìm quỹ đất sản xuất cho người dân khi chuyển đến tái định cư một cách đầy đủ và khoa học. Chính quyền các địa phương miền núi nơi có các dự án TĐ nêu bất cập, bồi thường tiền cho người dân tự xây nhà thì sợ họ dùng vào việc khác, còn các ban quản lý dự án TĐ xây nhà thì bà con lại không ở được bởi nhà xây không phù hợp với điều kiện tự nhiên và văn hóa của đồng bào.

Vì sao có chuyện các dự án TĐ để lại quá nhiều “tai tiếng” nhưng giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung” trong khắc phục hậu quả? Các cơ quan chức năng của tỉnh từ chối một số dự án nghiên cứu đầu tư TĐ vừa và nhỏ, ngoài lý do ảnh hưởng môi trường sinh thái còn ở chỗ năng lực kém của nhà đầu tư. Các nhà khoa học, nhà quản lý đều có quan điểm tương đồng rằng, nếu xây dựng TĐ đáp ứng nhu cầu phát triển đa mục tiêu thì chi phí rất đắt đỏ chứ không hề rẻ. Phát triển TĐ tràn lan như hiện nay chẳng khác nào đánh cược với thiên nhiên, làm gia tăng hạn hán vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa lũ. Được biết, cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý với Quảng Nam danh mục các dự án TĐ loại khỏi quy hoạch, các dự án tạm dừng chưa cho phép đầu tư trước năm 2015.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ: Cân nhắc chọn lọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO