(QNO) - Sáng 11/10, tại TP.Đà Nẵng diễn ra hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ lần thứ 2, bàn về quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Nguyễn Văn Quảng. Đoàn tỉnh Quảng Nam có Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tham dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói, với đặc thù trải dài của vùng, trong quy hoạch vùng cần tính toán phân thành các tiểu vùng với các địa phương có cùng điều kiện tự nhiên, thế mạnh có thể hỗ trợ tương tác nhau cùng phát triển.
Trong quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung lần này các tỉnh, thành cần có điểm nhìn chung với những vấn đề, công trình động lực mang tính liên vùng để giải quyết bài toán đầu tư dàn trải, không phát huy hết tiềm năng của vùng.
Trình bày tóm tắt dự thảo quy hoạch vùng tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là cầu nối gắn kết hai miền Bắc - Nam; là cửa ngõ của Lào và vùng Tây Nguyên.
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có diện tích tự nhiên hơn 95.848km², là khu vực có quy mô đất đai lớn nhất trong 6 vùng trên cả nước. Dân số năm 2022 của vùng đạt hơn 20,6 triệu người (chiếm 20,8% dân số cả nước). Khu vực này có đường bờ biển dài 1.900km, chiếm hơn 50% chiều dài bờ biển của cả nước.
Các vấn đề trọng tâm và "điểm nghẽn" chính được đơn vị tư vấn đưa ra bao gồm: kinh tế biển chưa khai thác đúng với tiềm năng, quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp, quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, tốc độ đô thị hóa và chất lượng đô thị còn thấp, thị trường lao động chậm phát triển.
Đơn vị tư vấn cũng đề xuất chia vùng thành 3 tiểu vùng gồm: Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ. Các hành lang kinh tế được đề xuất gồm: hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc Nam phía Tây; hành lang kinh tế Đông Tây.
Dù tăng trưởng kinh tế 10 năm qua đạt trên mức bình quân của cả nước nhưng quy mô kinh tế của vùng hiện còn nhỏ, chỉ chiếm 14% GDP cả nước. GDP bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 70% so với bình quân cả nước. Tỷ trọng đóng góp ngân sách nhà nước của vùng đạt 13,5%, tổng số doanh nghiệp của vùng cũng chỉ chiếm khoảng 13%.
Nhiều nội dung quan trọng cũng được đơn vị tư vấn đưa ra xin ý kiến tại hội nghị như: đề xuất tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2 (Đà Nẵng - Quảng Nam - cửa khẩu Đắc Ốc); đề xuất phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm Tài chính quốc tế; chính sách phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thủy điện, điện gió, điện mặt trời; đề xuất về khu thương mại tự do, các khu phi thuế quan và dịch vụ đi kèm...
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực chia sẻ nhiều ý kiến liên quan đến dự thảo quy hoạch vùng, trong đó nhấn mạnh đến việc đơn vị tư vấn cần kết nối chặt chẽ với các địa phương để đưa ra bản dự thảo quy hoạch chuẩn xác nhất, đảm bảo tính khả thi trong thực hiện cũng như tính kết nối và sự phát triển bền vững liên vùng.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến tại hội nghị và tiếp tục làm việc với các địa phương; đồng thời đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành và nhất là 14 địa phương trong khu vực khẩn trương nghiên cứu và gửi các ý kiến liên quan về quy hoạch vùng để đơn vị đầu mối tổng hợp, hoàn chỉnh quy hoạch đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, cần xác định quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung không chỉ là phép cộng từ các đồ án quy hoạch cấp tỉnh. Các tỉnh, thành cần có điểm nhìn từ góc độ lợi ích chung của cả vùng. Đơn vị tư vấn cần tiếp tục làm việc với các bên liên quan để làm rõ các trọng tâm đột phá chiến lược, tạo ra động lực, không gian mở cho sự phát triển của vùng.