Quy hoạch vùng chuyên canh hoa màu Gò Nổi

CÔNG TÚ - PHẠM LỘC 03/05/2017 09:02

Vùng đất phù sa Gò Nổi (Điện Bàn) đang được quy hoạch xây dựng 24 cánh đồng chuyên canh cây hoa màu nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Năng suất cao nhưng thiếu ổn định

Vùng bãi bồi Gò Nổi được bao bọc bởi 2 nhánh sông Thu Bồn và Bà Rén là 3 xã là Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong. Ngoài diện tích canh tác cây lúa, khu vực này còn có hơn 1.250ha đất màu với đa dạng cây trồng như ớt, đậu phụng, đậu xanh, dưa hấu, bắp cùng nhiều loại rau màu khác. Đây cũng là vùng đất hằng năm được phù sa bồi đắp, đất đai màu mỡ nên rất thuận lợi cho quá trình canh tác. Ở Gò Nổi, nhiều mô hình luân canh, xen canh gối vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, bà con nông dân còn gieo trồng nhiều loại giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào ruộng đồng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập. Trưởng ban nhân dân thôn Bến Đền Tây (xã Điện Quang) - ông Trần Kim Sơn chia sẻ: “Nhờ nguồn thu sản xuất hoa màu, nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhiều người có điều kiện đầu tư xây nhà cửa kiên cố, chung tay cùng Nhà nước thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và kênh mương, phát triển thủy lợi hóa đất màu để chủ động nước tưới cho cây trồng cạn”.

Nhờ thủy lợi hóa đất màu, dân thôn Phú Tây (Điện Quang) chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng cạn. ảnh: PHẠM LỘC
Nhờ thủy lợi hóa đất màu, dân thôn Phú Tây (Điện Quang) chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng cạn. ảnh: PHẠM LỘC

Thành quả từ luân canh, xen canh gối vụ hoa màu đã góp phần đưa cả 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014, về đích trước một năm so với kế hoạch. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, mặc dù nhiều mô hình trồng trọt ở Gò Nổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đáng kể đời sống nông dân, song thực tế trong quá trình sản xuất còn nhiều bất cập. Đó là tình trạng sản xuất còn manh mún, tự phát, mạnh ai nấy làm. Có nhiều loại cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích, thời gian sản xuất kéo dài, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa đồng bộ. “Các mô hình xen canh, gối vụ chưa được bố trí hợp lý nên có sự cạnh tranh dinh dưỡng lẫn nhau, sâu bệnh có cơ hội phát sinh dẫn đến năng suất cây trồng giảm. Sản xuất không theo quy hoạch để tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, vì vậy rất khó kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư và bao tiêu sản phẩm” - ông Nguyễn Đức Chơi nhận diện. Lãnh đạo 3 xã vùng Gò Nổi cũng thừa nhận, việc ứng dụng cơ giới hóa của bà con nông dân còn hạn chế, đa số khâu trong quá trình sản xuất dùng sức người nên chi phí lao động cao. Việc liên doanh liên kết giữa người dân và doanh nghiệp còn nhiều vấn đề nên thiếu tính bền vững, là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng “được mùa, mất giá” như thời gian qua.

Xây dựng 24 cánh đồng chuyên canh

Thấy rõ hạn chế đó, thị xã Điện Bàn có kế hoạch xây dựng 24 cánh đồng chuyên canh quy mô lớn với diện tích gần 700ha tại 3 xã Điện Quang, Điện Trung và xã Điện Phong bằng cách “dồn điền đổi thửa”, cải tạo đồng ruộng, phân lô. Trên mỗi cánh đồng sẽ được quy hoạch với diện tích từ 20 - 30ha, phân ra thành nhiều lô. Tùy theo quy mô, một cánh đồng như vậy phải có ít nhất 4 lô có diện tích 2,5 - 5ha/lô. Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm thị xã Điện Bàn, ông Phạm Thành Chung cho rằng, cơ cấu cây trồng cho mỗi cánh đồng được bố trí 4 loại chủ lực gồm: bắp, đậu phụng, ớt và đậu xanh. Ngoài ra, ngành chuyên môn còn khuyến khích phát triển một số mô hình như bắp đông xuân - đậu xanh (hoặc mè) xuân hè - bắp hè thu; bắp nếp đông xuân - đậu xanh (hoặc mè) xuân hè - bắp nếp hè thu; đậu phụng đông xuân - đậu xanh (hoặc mè) xuân hè - bắp hè thu và mô hình ớt đông xuân - bắp hè thu. Mỗi lô sẽ được bố trí một loại cây trồng gắn với một nhóm hộ nông dân. Đây là phương án sản xuất tập trung theo hướng chuyên canh để thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, quản lý dịch bệnh và áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm đem lại hiệu quả sản xuất cao nhất.   

Theo ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, để hoàn thành phương án này, địa phương cần gần 48 tỷ đồng. Nguồn lực đó được tập trung cho việc cải tạo trên 90ha đất màu; đầu tư mới và nâng cấp 9 trạm biến áp, kéo gần 20km đường dây điện hạ thế phục vụ cho chương trình thủy lợi hóa đất màu và xây dựng 37km đường giao thông nội đồng tại 24 cánh đồng chuyên canh. Theo lộ trình đề ra, trong năm 2017, thị xã Điện Bàn sẽ hoàn tất quy hoạch 24 cánh đồng chuyên canh và trước mắt mỗi địa phương phải xây dựng thí điểm một cánh đồng trước khi triển khai đồng bộ. Cạnh đó, các xã cũng phải đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào các khâu làm đất, gieo hạt và thu hoạch; đồng thời vận động, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nông để giải quyết đầu ra sản phẩm, tránh chuyện bị tư thương ép giá.

Chính quyền thị xã Điện Bàn kỳ vọng sản lượng cây trồng chính trên những cánh đồng chuyên canh hoa màu sẽ tăng 10 - 15% nhờ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tiên tiến. Cùng với chi phí sản xuất giảm 15 - 20% khi áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, giao thông nội đồng thuận lợi, hạn chế dịch bệnh, giá dịch vụ giảm và cắt giảm các khâu trung gian khác, thu nhập của nông dân sẽ tăng 20 - 25%. Đặc biệt, tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, “mất mùa, được giá” hay “được mùa, mất giá” sẽ được hạn chế.

CÔNG TÚ - PHẠM LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy hoạch vùng chuyên canh hoa màu Gò Nổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO