Quy hoạch vùng sản xuất công nghệ cao trong phát triển sản xuất ngành nông nghiệp Phú Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được HĐND huyện khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Xã Tam An đang quy hoạch vùng sản xuất rau chuyên canh tại cánh đồng Gò Sen (thôn An Hòa) với diện tích khoảng 2ha. Ảnh: VINH ANH |
Quy hoạch 16 khu sản xuất tập trung
Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo của huyện Phú Ninh, giải quyết 48,7% lực lượng lao động, tuy nhiên giá trị ngành nông nghiệp mang lại vẫn chưa tương xứng. Theo số liệu năm 2015, ngành sản xuất nông nghiệp toàn huyện mang lại 957,8 tỷ đồng, chỉ chiếm 27,5% tổng giá trị sản xuất.
Ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là việc thành công với cây dưa hấu và hình thành các cánh đồng có thu nhập cao. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, điều dễ nhận thấy là thiếu tính bền vững, khả năng cạnh tranh, trình độ sản xuất người dân còn thấp. Đó là chưa kể việc quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX) chưa cao, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KH-KT) vào nông nghiệp còn hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng... Những hạn chế này đã và đang kìm hãm sự phát triển của sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Chính vì thế, việc quy hoạch sản xuất ngành nông nghiệp được HĐND huyện thông qua là một bước ngoặt nhằm tập trung toàn lực để đưa ngành nông nghiệp đi lên.
Theo nghị quyết đã được thông qua, mục tiêu sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2025 và định hướng 2030 là hướng đến quy hoạch sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới. Huyện định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh của từng vùng. Đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, chăn nuôi tập trung, với việc tăng cường ứng dụng các thành tựu KH-KT để từng bước sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra sản phẩm an toàn, hữu cơ, đảm bảo môi trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn. Cụ thể, huyện Phú Ninh phấn đấu đến năm 2025, bình quân hằng năm giá trị sản xuất nông nghiệp tăng hơn 3,5%; cơ cấu giá trị trồng trọt chiếm 40%, chăn nuôi chiếm 60% (phát triển đàn bò lai chiếm hơn 80% tổng đàn); giá trị bình quân trên đơn vị diện tích canh tác đạt hơn 80 triệu đồng/ha.
Huyện đặt mục tiêu hình thành 16 khu vực sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao ở 8 xã với tổng diện tích 645,3ha và 16 khu chăn nuôi tập trung với diện tích 456,2ha. Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu kể trên, huyện Phú Ninh còn quy hoạch diện tích trồng rừng gỗ lớn sử dụng giống nuôi cấy mô và cây ngoại nhập, 7 vườn ươm cây giống. Đồng thời quy hoạch chuyển đổi hơn 1.277ha đất lúa có hiệu quả thấp, không chủ động nước sang trồng các loại cây trồng cạn; phát triển diện tích trồng rau thực phẩm tập trung đến năm 2025 khoảng hơn 200ha, diện tích gieo trồng dưa hấu hàng năm 800ha. Huyện cũng đưa vào quy hoạch diện tích trồng hoa, cơ sở giết mổ gia súc, nuôi trồng thủy sản.
Cơ chế nào để thu hút đầu tư
Để thực hiện các mục tiêu nói trên, huyện Phú Ninh xác định nguồn vốn thực hiện là huy động nguồn lực xã hội hóa và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao, khu chăn nuôi tập trung… Theo Phòng NN&PTNT huyện, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 là hơn 600 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm hơn 400 tỷ đồng, còn lại vốn doanh nghiệp, HTX và nhân dân đóng góp. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT, đánh giá cao nghị quyết của HĐND huyện về hình thành các vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, ông Đức lưu ý, huyện cũng cần phải xác định được những trở lực khi xây dựng vùng sản xuất tập trung, đó là vấn đề tích tụ đất đai và nguồn lực đầu tư. Trong đó, việc tích tụ đất đai là khó khăn nhất, còn nguồn lực đầu tư nếu dựa vào ngân sách nhà nước thì không ổn. Do đó, trong mục tiêu quy hoạch vùng sản xuất tập trung cần chỉ rõ giải pháp để tích tụ được ruộng đất và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Những cơ chế cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện vùng sản xuất tập trung. Để thu hút đầu tư, cần phải có một doanh nghiệp làm vai trò đầu tàu, đi trước làm điểm. Đồng thời việc quy hoạch vùng sản xuất không chỉ dừng ở quy hoạch từng xã mà nên quy hoạch 2 - 3 xã/vùng sản xuất.
Muốn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thì phải xác định cơ quan nào trực tiếp xúc tiến. Nếu như lĩnh vực công nghiệp có Trung tâm phát triển cụm công nghiệp, thương mại - dịch vụ thì việc xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, tổ chức nào sẽ thực hiện. Và so với phát triển cụm công nghiệp, thương mại - dịch vụ thì vùng sản xuất nông nghiệp khác ở chỗ nào, cần xử sự ra sao… Đó là những vấn đề mà ông Đức lưu ý huyện Phú Ninh cần nghiên cứu làm rõ để có sớm giải pháp thực hiện hiệu quả. Liên quan đến việc tích tụ đất đai, ông Đức cũng chia sẻ kinh nghiệm khi đi thực tế ở một số địa phương trên cả nước rằng, muốn tích tụ đất đai hiệu quả thì chính quyền địa phương nên đứng ra thuê đất của người dân sau đó giao cho doanh nghiệp. Điều này vừa thu hút được doanh nghiệp, vừa tạo niềm tin từ phía người dân. Đồng thời chính quyền cũng cần làm việc với doanh nghiệp để có cơ chế đảm bảo cho người dân rằng, khi người dân giao đất thì sẽ được tạo việc làm với thu nhập ổn định trên chính mảnh đất của họ.
VINH ANH