Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) Tây Điện Bàn (trụ sở chính xã Điện Thọ, Điện Bàn) luôn giải quyết cho thành viên vay vốn để có điều kiện sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu.
Trên vùng bãi biền ven sông Thu Bồn, đoạn chảy qua xã Điện Thọ, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Hoàng (trú thôn Kỳ Long) ngoài lo sản xuất nông nghiệp còn tất bật chăm sóc cho đàn bò được “tái định cư” trong trại cất ngay trên cánh đồng.
Ông Hoàng nuôi 14 con bò đực cùng 10 con bò cái tại 2 trại nằm cách nhau chừng 200m. Nhờ nguồn thức ăn dồi dào, ông bà chủ lại “mát tay” nên con nào cũng béo tốt. Vợ chồng ông còn trồng dưa, đậu, bắp, lúa... trên diện tích 1,75ha để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, riêng phụ phẩm sau thu hoạch được dùng để cho bò ăn.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng cho biết, để gầy dựng mô hình sản xuất này, vào năm 2003 đã vay 30 triệu đồng từ Quỹ TDND Tây Điện Bàn (thành lập tháng 10.1996) để mua một cặp bò về nuôi. Bò lớn lên, gia đình bán ra và dành số tiền này mua lại 4 con bò khác. Cứ thế, đàn bò nhân lên dần, có thời điểm lên đến 40 con.
Đến năm 2019, gia đình tiếp tục vay 100 triệu đồng mua 7 con bò đực. Ông chia sẻ, bình quân mỗi năm 1 con bò bán ra cho lãi khoảng 12 triệu đồng, tính riêng nuôi bò mang về thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.
Theo ông Phan Phụng Đường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ TDND Tây Điện Bàn, nhiều hộ ở thôn Kỳ Long cũng vay vốn của quỹ để mua bò về nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Ông Đường cho biết thêm, ngoài trụ sở chính, quỹ mở ra 4 phòng giao dịch ở các xã Điện Hòa, Điện Hồng, Điện Phước và Điện Tiến, thu hút 6.667 thành viên tham gia và theo quy định chính họ sẽ được vay vốn. Nhờ vốn vay này, thành viên đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập và vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh ra đời như mây tre đan, gia công cá xuất khẩu, cơ khí, vận tải, nuôi dê, nuôi hươu, nuôi bò lai, nuôi heo siêu nạc, nuôi cá nước ngọt, sản xuất lúa lai, bắp lai...
Tính đến cuối tháng 6.2021, Quỹ TDND Tây Điện Bàn huy động được nguồn vốn hơn 248 tỷ đồng. Do dịch bệnh Covid-19 và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định người chưa phải thành viên thì không được vay vốn từ quỹ, do đó tổng dư nợ cho vay mới đạt hơn 143 tỷ đồng (giảm 5,65% so với đầu năm nay).
Ngoài ra, nhiều quy định không sát thực tế khác khiến hoạt động của quỹ gặp trở ngại, đơn cử như quỹ phải tổ chức đại hội thành viên mới được kết nạp thành viên mới, hợp tác xã chỉ có thể vay vốn khi có tiền gửi 500 triệu đồng trở lên tại quỹ...