Quy trình là cái chi chi?

VU GIA 27/08/2016 10:29

Nghe tôi về, anh em, bè bạn từ thời tiểu học còn sống ở quê nhà tập trung tới, cười nói rộn ràng. Và ai ai cũng mừng cho nhau đã qua một vòng hoa giáp, đã có con cháu đề huề, không ai phải sống cảnh đói cơm lạt mắm…

Hội An mùa lũ. Nguồn: tourconduongdisan.com
Hội An mùa lũ. Nguồn: tourconduongdisan.com

Tính theo quy luật của tạo hóa thì đất trời đã vào thu, thế nhưng quê tôi nắng như đổ lửa. Chỉa thẳng quạt máy thổi gió tốc vào người, ấy mà vẫn tứa mồ hôi mẹ mồ hôi con, dẫu bên cạnh nhà còn có dòng sông chảy qua. Nói là sông cho oai vì nó vốn là sông, chứ cả chục năm nay các thủy điện ở thượng nguồn đã giữ hết nước rồi còn chi đâu mà mơ với tưởng. Bọn trẻ quê tôi bây giờ chẳng biết tắm sông là gì, chẳng biết hụp lặn ra sao, chẳng biết tiếng mái chèo gõ vào be ghe đuổi cá nó buồn nó vui thế nào, chẳng thể hình dung được ánh lửa trên thuyền chài hiu hắt, hắt hiu là cái gì… Không biết rồi mai lớn lên, các cháu khi học bài Phong Kiều dạ bạc, chắc chỉ biết loáng thoáng qua lời giảng của thầy cô, và… thuộc nằm lòng vì vừa ngắn gọn vừa có âm vận nghe hay hay: Trăng tà chiếc quạ kêu sương/ Lửa chài cây bến còn vương giấc hồ/ Con thuyền đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San, chứ không chắc dễ hình dung ra cảnh và tình như thời của chúng tôi.

Bác tôi ngồi ở giường bên cạnh, than thở hồi xưa ông bà mình tìm chỗ ở thì chọn gần sông hoặc gần chợ. Nhứt cận thị, nhị cận giang. Những ngày này, ai sống gần sông như bà con quê tôi đều lo lắng khi mùa mưa lũ về. Hỏi ra mới biết lúc mùa mưa lũ tới thì cũng là thời điểm các đập thủy điện xả nước, nên nước từ thượng nguồn ào xuống dữ dằn hơn, đã có không ít người chết. Ai ai cũng trách “ông thủy điện”.

Một bữa trò chuyện đầy ắp thân tình, tôi nói các cơ quan chức năng đã khẳng định nhà máy thủy điện xả nước đúng quy trình, nên đừng trách họ. Không ngờ câu nói vô tình của tôi lại tạo nên “làn sóng” bực mình. Người anh, con bác tôi nói: “Chuyện cày sâu cuốc bẫm, chú phải hỏi tôi, còn chuyện chữ nghĩa, tôi phải hỏi chú. Chú nói cho tôi biết quy trình là cái chi? Mùa nắng, nhà máy thủy điện giữ nước để hạ lưu không còn con tôm con cá là đúng quy trình? Mùa lũ, nhà máy thủy điện xả nước làm cho lũ chồng lên lũ khiến bao người chết là đúng quy trình? Như rứa, tôm hết, cá hết, người chết là tại dại quá nên chọn cái chết không đúng quy trình?”. Người bạn thời tiểu học của tôi cũng lên tiếng: “Các quan tham được bổ nhiệm cấp cao hơn, khi tóe hoe ra cũng khẳng định là bổ nhiệm đúng quy trình. Rứa thì quy trình nớ là cái chi?”. Một người bạn khác điềm tĩnh hơn, nói: “Bọn mình già rồi, ai cũng đã từng uống thuốc. Theo mình, quy trình uống thuốc có mấy bước: 1/ Lấy thuốc ra tay; 2/ Lấy nước ra ly; 3/ Bỏ thuốc vô miệng; 4/ Đưa nước vô miệng; 5/ Nuốt thuốc xuống bụng. Đó là quy trình uống thuốc, nhưng cái quan trọng không ai chịu nói thuốc đó là thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, hay thuốc độc. Làm đúng quy trình mà gặp phải thuốc độc là phải theo ông bà thôi”.

Bác tôi cũng cười vui góp chuyện, cho rằng lớp chúng tôi có chữ nghĩa, đọc báo thường xuyên nên nói cái chi cũng thấy có lý. Thời của bác tôi về trước nào mấy ai biết chữ và chẳng biết báo chí mặt ngắn mặt dài ra răng. Những gì liên quan tới cuộc sống thì dựa theo kinh nghiệm của người trước truyền cho người sau. Liên quan tới mua heo, chọn vợ thì “Mua heo lựa nái, mua gái lựa dòng”. Mua trâu thì phải nhớ mấy điều căn bản: “Trán nồi đồng, sừng cánh ná, dạ bình vôi, mặt ốc nhồi, miệng gàu giai, tai lá mít, đít lồng bàn, chân đi lắt lẻo ngàn vàng cũng mua”. Nuôi trâu thì phải nhớ: “Trâu sợ gió, ưa mưa” và nhớ đừng mua trâu trắng, bởi “Trâu trắng tới đâu, mất mùa tới đó”. Theo lời bác tôi, thì trước kia, người dân quê tôi tìm gà, tìm heo, tìm chó, tìm chim, tìm trâu, kể cả… tìm người để chung sống với mình, với bà con dòng tộc, xóm làng đều xem nòi, xem tướng và cái quy trình ấy không sai hơn so với các quy trình bây giờ.

Trong quá trình sinh sống và chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, người dân quê tôi đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm qua việc quan sát những hiện tượng tự nhiên. Chẳng hạn, rạng sáng mồng một tháng tám âm lịch, ra ngõ nhìn về phía Cửa Đại (Hội An), thấy mây mụt măng (mây dồn lại, cái cao cái thấp dòm giống như mụt măng), nếu mụt măng cao thì năm đó có lụt lớn, còn mụt măng thấp thì chỉ có lụt nhỏ. Hoặc những ngày gần lụt mà thấy mống đóng từ núi Bàn Cờ (hướng Tập Phước, Đại Tân ngày nay) đóng vắt qua Bàu Ông (hướng Đại Nghĩa), thì lo dọn dẹp gấp để tránh lụt. Hoặc tháng 6, tháng 7 âm lịch, người ta coi lá cỏ ống. Lá cỏ ống thắt mấy vòng nấc thì năm đó có mấy trận lụt. Hoặc trời đang mưa dầm, âm âm u u mà thấy “Bà Chằn phơi bông”, nghĩa là khói đá bốc lên đọng trên núi Bà Chằn (hướng Mỹ Lược, Duy Hòa ngày nay) trắng như bông, thì biết trời sắp nắng, v.v. Nhờ những kinh nghiệm ấy mà bao đời qua, người dân quê tôi chẳng mấy ai phập phồng lo lắng tới cái chết không đúng quy trình như hiện nay khi mùa mưa lũ đến.

Thấy tôi ú ớ không mấy vui, người bạn thời tiểu học của tôi cười hớ hớ, nói: “Qua mấy chuyện vừa rồi, tau tức cảnh sinh tình, mi nghe được thì đăng báo giúp để thiên hạ biết quê mình có thằng làm thơ như tau. Thơ rằng: Quy trình là cái chi chi/ Thằng khôn, thằng dại cùng đi một đò/ Thằng nhỏ cho tới thằng to/ Hễ mà ngu quá, tau cho làm bò”.

Ngẫm lại không khỏi giật mình. Và cũng mừng người dân quê tôi thời nào cũng thế, trong tột cùng nỗi khổ nỗi lo, vẫn tìm được tiếng cười cho cuộc sống thêm vui.

VU GIA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy trình là cái chi chi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO