Quyền được an toàn

CHIÊU THỤC ANH 15/03/2014 15:16

Chủ đề của ngày Quốc tế tiêu dùng năm nay 15.3 được Quốc tế Tiêu dùng (CI) đưa ra là “Quyền được an toàn của người tiêu dùng” (NTD). Đây chính là dịp để cơ quan chức năng, hiệp hội tuyên truyền phổ biến về quyền lợi được bảo vệ của NTD trong đời sống hiện nay.

Bất an với thực phẩm

Bất an là cảm giác chung của NTD hiện nay khi mua sắm, sử dụng thực phẩm nói riêng và hàng hóa tiêu dùng nói chung. Bởi các cơ quan chức năng dù có nỗ lực rất nhiều vẫn không thể kiểm soát hết các khâu, quy trình trong sản xuất thực phẩm. Sở NN-PTNT kiểm soát quy trình sản xuất và vật liệu liên quan đến nông phẩm, Sở Công thương theo dõi khâu lưu thông và Sở Y tế chịu trách nhiệm ở khâu chế biến. Sự phân công trách nhiệm có vẻ rõ ràng để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tuy nhiên thực tế không hẳn là vậy! Chính các thành viên trong đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra ATVSTP tỉnh cũng thừa nhận sự chồng chéo, khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra thực phẩm. Trong trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra với số lượng lớn thì “quả bóng” trách nhiệm lại được “đá” từ cơ quan này sang cơ quan khác. Đến lúc đó, những bất cập khi có quá nhiều ban ngành tham gia quản lý và xử lý trong lĩnh vực ATVSTP, khi “chế tài” chưa đủ sức răn đe người vi phạm.

Tìm hiểu kỹ nhãn mác hàng hóa và giữ biên lai mua hàng là cách để NTD bảo vệ mình được an toàn.Ảnh: T.ANH
Tìm hiểu kỹ nhãn mác hàng hóa và giữ biên lai mua hàng là cách để NTD bảo vệ mình được an toàn.Ảnh: T.ANH

Thế nên, NTD hằng ngày vẫn phải đối mặt với câu chuyện lo ngại thịt heo, thịt bò có chứa hàm lượng chất tăng trưởng quá cao, thịt gia cầm không được kiểm dịch, có thể bị nhiễm cúm, với hải sản lại lo ngại bị ướp urê, chất bảo quản không được phép, rau củ thì lo hàng Trung Quốc hay hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép… “Nhiều khi nghe quá nhiều thông tin liên quan đến thực phẩm bẩn khiến bữa cơm gia đình không biết ăn gì, nấu ra sao nên đành liều. Tôi nghĩ, trong tình hình hiện nay thì số người dù biết thực phẩm không đảm bảo nhưng vẫn phải nhắm mắt cho qua”, bà Nguyễn Thị Thiệt (thôn Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên), nói. Cũng theo ý kiến của đa số NTD thì trước đây, nhiều nhà sản xuất và kinh doanh ham lợi trong khi, một bộ phận NTD ham rẻ, nên hàng kém chất lượng, kém an toàn tràn lan. Tuy nhiên, hiện nay, tiêu dùng an toàn là tiêu chí đặt lên hàng đầu, nghĩa là sản phẩm có giá thành cao nhưng an toàn sẽ được thị trường chấp nhận.

Tự bảo vệ mình

Địa bàn Quảng Nam đa số là nông thôn miền núi nên người dân ít có cơ hội tiếp cận với việc tìm hiểu quyền và trách nhiệm như quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, quyền được cung cấp thông tin trung thực, được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe và môi trường, có quyền đòi bồi thường thiệt hại, quyền khởi kiện… và trách nhiệm tố cáo các hành vi gian dối về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhãn hiệu hàng hóa, giá cả và các hành vi lừa dối khác. “NTD trong tỉnh vẫn còn lơ mơ không biết rõ 8 quyền và nghĩa vụ của mình, trong đó quyền được an toàn. Do vậy, khi mua phải hàng không đảm bảo thì NTD không biết đi kiện ở đâu và cơ quan nào sẽ là nơi hỗ trợ giải quyết khiếu nại. Thế nên, Bộ Công thương vừa thành lập đường dây nóng về ATVSTP của lực lượng quản lý thị trường qua số điện thoại 1900.58.58.26 nhằm tiếp nhận, xử lý và sử dụng các tin báo của tổ chức, cá nhân về đối tượng, hành vi và các thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật về ATVSTP”- ông Nguyễn Quang Lâm, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho hay.

Nhân ngày Quốc tế tiêu dùng năm nay, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD, Sở Công thương phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức hội thảo phổ biến quyền lợi của NTD tại huyện Điện Bàn (20.3), TP.Tam Kỳ (28.3)

Thực tế, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và Luật ATVSTP đã có hiệu lực hơn 2 năm nay nhưng các văn bản thi hành được ban hành quá chậm. Các cơ quan chức năng không chỉ lúng túng vì chưa có văn bản hướng dẫn mà còn thiếu cả kinh phí và nhân lực thực hiện. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo ATVSTP vẫn có đất sống. Trong những năm gần đây, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD của tỉnh có tổ chức các hội thảo để phổ biến kiến thức, luật bảo vệ NTD nhưng đến nay vẫn chưa nhận được một đơn thư khiếu kiện nhờ bảo vệ quyền lợi. Thực tế có không ít người mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng đa số đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”. “NTD ngại khiếu kiện với suy nghĩ “chờ được vạ thì má đã sưng”, mất thời gian và công sức khi theo kiện mà chưa chắc đã thắng. Hơn nữa, thói quen mua hàng không lấy biên lai đã rất phổ biến nên khi muốn khiếu kiện cũng sẽ rất khó khăn”, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Quảng Nam, nói.

Thế nên, để tự bảo vệ mình, NTD nên mua hàng, sử dụng dịch vụ tại những nơi có uy tín, có địa chỉ xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Khi giao dịch cần giữ lại các biên lai, hóa đơn chứng từ để làm cơ sở cho việc khiếu nại sau này nếu sau khi sử dụng mới phát hiện đó là hàng giả, hàng nhái… Ông Nguyễn Quang Lâm, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), nói: “NTD hãy trở thành một NTD thông minh để có thể tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. Hiểu rõ quyền lợi và sử dụng quyền lợi đó một cách hữu hiệu nhất chính là con đường ngắn nhất để NTD được an toàn”.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quyền được an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO