Quyền được bảo đảm an sinh xã hội

KIẾN TÂN (Tổng hợp) 08/08/2014 08:23

Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận quyền về an sinh xã hội của công dân tại Điều 34. Theo đó, công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Đây là điểm mới về quyền của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Và để mọi công dân được bảo đảm quyền này, khoản 2 Điều 59 Hiến pháp quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”. Kết nối hai quy định này trong Hiến pháp 2013, có thể khẳng định rằng, đây là các quy định thể hiện bước phát triển mới về quyền của công dân về an sinh xã hội nói chung và về BHXH nói riêng, nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội tham gia cũng như sự thụ hưởng của mọi thành viên trong xã hội.

Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm toàn dân của Quảng Nam hiện nay đạt gần 80%, cao hơn tỷ lệ chung của toàn quốc (65%).  TRONG ẢNH: BHXH Quảng Nam ký kết quy chế phối hợp với Công an tỉnh. Ảnh: TH.D
Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm toàn dân của Quảng Nam hiện nay đạt gần 80%, cao hơn tỷ lệ chung của toàn quốc (65%). TRONG ẢNH: BHXH Quảng Nam ký kết quy chế phối hợp với Công an tỉnh. Ảnh: TH.D

Nhìn chung, hệ thống các chính sách an sinh xã hội thường được phân thành 3 nhóm: nhóm mang tính chất chủ động phòng ngừa rủi ro (tập trung vào các chính sách việc làm bền vững và phát triển thị trường lao động); nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro (tập trung vào các chính sách về BHXH và BHYT); nhóm chính sách nhằm khắc phục các rủi ro (toàn bộ các chính sách về trợ cấp xã hội). Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22.11.2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020” đã khẳng định: “BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội”. Như vậy, trong nội hàm về quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân tại Điều 34 Hiến pháp 2013 đã có nội dung quyền được bảo đảm BHXH của mọi công dân. Hiến định này cũng phù hợp chiến lược toàn cầu hóa BHXH của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đề ra. Theo đó, cùng với việc phát triển việc làm, BHXH cần phải từng bước mở rộng đến tất cả mọi người.

Theo TS. Phạm Đỗ Nhật Tân - nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), để cụ thể hóa các điểm mới của Hiến pháp 2013 trong lĩnh vực BHXH, trước hết cần tiến hành tuyên truyền sâu rộng tới mọi cấp, mọi ngành, mọi thành viên trong xã hội, để các công dân chủ động và có trách nhiệm hơn trong việc tham gia các loại hình BHXH theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH. Trong đó, luật sửa đổi phải mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia BHXH cả hai loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện trên cơ sở mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh theo một lộ trình phù hợp. Đồng thời gia tăng độ tuân thủ của các đối tượng tham gia, kể cả người lao động và chủ sử dụng lao động tiến tới độ bao phủ tham gia BHXH đến toàn bộ người lao động. Bên cạnh đó, cần giải quyết căn bản vướng mắc nảy sinh khi thực thi các chế độ, chính sách BHXH theo quy định hiện hành; từng bước giảm dần sự chênh lệch về mức hưởng giữa đối tượng tham gia thuộc các loại hình kinh tế khác nhau, tạo sự công bằng hơn trong việc tham gia cũng như thụ hưởng BHXH của mọi đối tượng trong xã hội.

Luật BHXH nếu sửa đổi cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước, phân định rõ ràng, cụ thể về quyền và trách nhiệm cũng như sự phối hợp có hiệu quả trong việc quản lý đối tượng, thực hiện chế độ chính sách BHXH giữa các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương. Mặt khác, cần đổi mới căn bản phương thức hoạt động của hệ thống BHXH theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ trong các hoạt động đăng ký tham gia, thực hiện các hoạt động chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người lao động, khắc phục cao nhất cơ chế “xin - cho”, tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc công khai, minh bạch và chuyên nghiệp trong các hoạt động này. Một vấn đề quan trọng khác, cần có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật một cách trọng điểm, thiết thực theo hướng hiện đại hóa công tác quản lý và hoạt động sự nghiệp lĩnh vực BHXH; xây dựng một lộ trình cụ thể để hình thành cơ sở dữ liệu về BHXH trong phạm vi quốc gia cũng như từng địa phương...

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

- Hỏi:Quyền con người, quyền công dân được quy định như thế nào?
- Trả lời: (tiếp theo)

2. Các quyền về kinh tế bao gồm:

Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.

Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.

Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

3. Các quyền về xã hội bao gồm:

Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.

Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành.

Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.

Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.

Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.

Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế.

4. Các quyền về văn hóa bao gồm:

Công dân có quyền học tập.

Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó.

Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.

Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.       (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG)

KIẾN TÂN (Tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quyền được bảo đảm an sinh xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO