(Xuân Giáp Ngọ) - Thèm món ngon, đó là bản năng của con người. Đi xa quê, giữa các món ăn đều ngon, phải là món mang đậm phong vị cố hương thì mới là ngon nhất…
1. Một sáng trời đẹp, tôi nhận được tin nhắn, hỏi: “Mỳ Quảng chỗ nào ngon, hè?”. Người nhắn là anh Nguyễn Hai, dân Nông Sơn (Quảng Nam) chánh tông, Trưởng đại diện Prudential ở miền Trung, vào Sài Gòn làm việc đã ngót 2 năm. Nhắn tin trả lời, tôi gợi ý: “Đo Đo của Nguyễn Nhật Ánh cũng được. Mỹ Sơn hợp khẩu vị hơn. Nhưng anh nên lên Bảy Hiền ăn mới nhất”. Anh hỏi: “Chỗ nào gần gần, xử liền, chứ thèm quá rồi!”. Tôi nói: “Mỳ Quảng Mỹ Sơn, số 7, Kỳ Đồng, quận 3”.
Anh phóng tới, làm liền 2 tô, còn chụp cả hình đưa lên Facebook kèm theo lời khen. Thiên hạ vào comment (bình luận) rần rần, có người bảo “thèm nhỏ dãi”, có người nói “nhớ quê quá”. Có người buột miệng: “Nhìn màu nước nhưn, đĩa rau sống, trái ớt xanh, miếng bánh tráng, sao thấy trong người... bần thần quá! Nhất định phải đến ăn”.
Trong số bạn bè comment trên Facebook của anh Nguyễn Hai chỉ có tôi là không chịu khen, dù ông chủ chuỗi nhà hàng Mỳ Quảng Mỹ Sơn nghe đâu là dân Duy Xuyên đồng hương. Gặp lại anh Nguyễn Hai ít hôm sau ở quán cà phê, lại nhắc mỳ Quảng Mỹ Sơn, tôi nói: “Chưa ngon nhất đâu!”. Anh xuề xòa: “Mặt bằng ở trung tâm mà. Miễn là đỡ ghiền”. Tôi bảo anh có thèm thì vọt xuống Bảy Hiền, vô quán mỳ Sâm, số 8, Ca Văn Thỉnh, phường 11. Ở đó, mỳ sườn ngon nhứt.
Chẳng phải đợi lâu, anh xuống ngay mỳ Sâm vài ngày sau đó, làm 2 tô mỳ sườn một thể. Quê hương đây rồi! Lại gặp toàn thực khách là dân Quảng, nói chuyện rổn rảng nghe thiệt vui tai. Ở đó, hoặc là những người thèm mỳ Quảng, lâu ngày mới được gặp tô mỳ đúng điệu nên cứ “hùng hục” ăn như anh; hoặc là những người đồng hương xa xứ lâu ngày, đã quen và đã ăn nhiều lần ở đây nên cứ í ới chào hỏi nhau, thậm chí... cãi nhau ỏm tỏi.
Tôi cũng là một “tín đồ” của mỳ Sâm. Trước đây cứ một tuần phải ăn một lần. Nay, “thần tượng” của tôi đã thay đổi, là mỳ Vân - quán rất nhỏ, cách đó không xa, có món mỳ cá tràu rất “đỉnh”.
Cái sự thay đổi ấy cũng bắt nguồn từ chuyện Quảng Nam hay cãi. Ấy là khi một người bạn của tôi ở quê vô Sài Gòn, vài ngày đã thèm mỳ Quảng. Tôi giới thiệu mỳ Sâm và đưa anh đi ăn, nghĩ trong đầu rằng bạn mình sẽ ưng cái bụng. Đằng này, vừa ăn xong, anh ta phán: “Dở òm. Ớt đỏ là sai bài. Rau sống ăn với mì mà thiếu cải con, thiếu bắp chuối xắt thì trật đường rầy rồi. Còn nhưn thì phải được um bằng dầu phụng”. Tôi cãi: “Dầu phụng chứ còn chi nữa?”. “Không, dầu phụng ngoài quê kìa. Mùi của nó thơm lắm, ngửi biết liền”. “Phải ngoài quê kìa” - vậy thì chịu thua. Đi xa 18 năm rồi, vị giác và khứu giác của mình đâu còn rặt quê như anh bạn đồng hương từ ngoài ấy mới vào thăm.
Bất ngờ hơn, anh bạn giục: “Mi đi với tau!”. Anh dẫn tôi tới một quán nhỏ, là mỳ Vân, trên đường Đồng Đen. Trong quán, chỉ kê vài bàn nhỏ nhưng khách ngồi kín, ăn xì xụp. Tấm biển kẻ chữ “Mỳ Vân” khiêm tốn treo trên vách cửa. Những khi vào Sài Gòn trước đây, đôi lần anh bạn tôi đã đến nơi này.
“Bà chủ quán là đồng hương Duy Xuyên của mi đó. Ăn đi, sẽ thấy mỳ ra mỳ” - anh bạn tôi nói, rồi kêu 2 tô mỳ cá tràu, có bộ lòng.
Ôi chao, đây mới là quê nhà đích thực! Cá tràu thứ thiệt, loại bằng cán rựa đem ướp hành, tiêu, ớt, tỏi… đậm đà để làm nhưn. Có màu vàng ươm của nghệ. Có màu đỏ của cà chua. Hương thơm lừng của nén. Hạt đậu phụng rang giòn tan. Mùi dầu phụng ngái ngàn. Và ớt xiêm, ớt xanh thơm nồng mời gọi. Còn nữa, mớ cải con xanh rì, lọn bắp chuối bùi bùi kèm theo ít cọng giá dài..., đúng chất.
Chỉ chừng mươi phút với mỳ cá tràu thôi mà như thấy cố xứ bồng bềnh trôi về trước mắt. Thấy vườn cà ớt sau nhà lúc lỉu quả suốt bốn mùa. Thấy mấy luống rau cải ven bờ sông Thu xanh mướt như bóng dáng chị đương thì con gái, mỗi chiều tháng chạp đều đặn ra quảy nước tưới rau để kịp trẩy xuân về. Thấy những buổi trưa tuổi thơ tóc khét nắng lội ruộng sền sệt, vạch tìm ổ cá tràu dưới những gốc lúa trĩu bông. Thấy những sớm mai mẹ kĩu kịt quang gánh ra chợ với tàu lá chuối xanh gập gọn và những bắp chuối nõn nà...
2. Hôm tọa đàm về thi sĩ Bùi Giáng (14.9) tổ chức ở trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM, ngoài những người trong gia tộc họ Bùi ở Vĩnh Trinh (Duy Xuyên), đến dự còn có rất nhiều người “ngoại tộc” là dân Quế Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn... Giờ giải lao, ngoài sảnh, tôi đang trò chuyện cùng dịch giả - nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn (đại diện Hội đồng gia tộc họ Bùi Vĩnh Trinh) gần đó thì chứng kiến nhiều người dự khán... cãi nhau. Một ông thọc hai tay vào túi quần, nói: “Bùi Giáng là dân Duy Xuyên đó nghe, không dính dáng chi mấy ông hết”. Một người, có lẽ là dân Quế Sơn, cự lại: “Bậy! Nói rứa là bậy. Ổng có mấy năm chăn dê ở Quế Sơn, răng tôi không dính dáng?”. Người khác can: “Bùi Giáng giang hồ dọc ngang cả nước. Mấy ông cứ đem quê kiểng ra mà cãi thì cãi cả ngày. Ông Quảng Nam, tôi Quảng Nam, Bùi Giáng cũng Quảng Nam, miễn là người quê mình thôi chớ, cãi chi?”.
“Miễn là người quê mình”, nghe thiệt dễ thương!
Ở phố, mà cứ thèm món “quê mình”, thiệt là lạ. Đi đâu, dù lâu cách mấy, cũng đòi được ăn những món cũ, của tuổi thơ, của quê nhà. Được mời tiệc tùng, sơn hào hải vị đủ cả mà cứ ăn uống nhát gừng, để khi về nhà lại lôi hũ mắm cá cơm ngoài quê mới gửi vô, múc ra một ít, nêm thêm chút bột ngọt, thêm ớt, gừng vào rồi xuýt xoa với cơm trắng... Vợ tôi - dân miền Nam - trách: “Cá thu sốt cà ngon dzậy mà không ăn, lại đi ăn mắm cái!”. Kệ.
“Ổng bị quê ám” - vợ tôi đùa với bạn bè, về tôi. Tưởng đùa mà đúng. Hỏi ra, nhiều người đồng hương cũng vậy cả. Vào Sài Gòn, ở tứ tán, nhưng tập trung đông nhất vẫn là khu Bảy Hiền. Hễ cuối tuần, bạn bè không thằng này thì cũng đứa kia lên Bảy Hiền, đi chợ Bà Hoa khuân về những bánh bèo, bánh đúc, lòng xào nghệ, mít trộn, mắm cái, mắm dưa, bánh thuẩn, bánh tráng mè đường, thậm chí cả đường bát. Mấy món ăn ngay thì xử liền cho đã thèm, những thứ cất dài ngày được thì chất kín tủ bếp, tủ lạnh. Mà có khi để cả tháng không dùng. Hóa ra, dùng hay không dùng cũng chỉ để thỏa nỗi nhớ quê. Đưa quê hương về nhà mình, chỉ cần một cái với tay lên tủ bếp, là gặp, còn gì thú vị bằng!
Những ngày cận tết, có lẽ chợ là chốn đông vui hơn cả. Ở chợ Bà Hoa, nhộn nhịp nhất vào các buổi chiều - tối những ngày cuối năm. Khi ấy, chợ Bà Hoa mới đích thực trở thành ngôi chợ của người xa quê. Công nhân rộn ràng mua sắm trước khi những chuyến xe hồi hương lăn bánh. Cộng đồng người Quảng tha hương lâu ngày, nay đã định cư ở Sài Gòn cũng đổ về như muốn tìm chút không khí xuân qua giọng nói, tiếng cười từ những người đồng hương. Cả một đoạn đường Trần Mai Ninh ồn ào, rổn rảng tiếng Quảng. Chuyện cãi vã kiểu hàng tôm hàng cá hầu như vắng bóng ở nơi này.
Tôi cũng xách xe băng từ quận 1 lên Bảy Hiền, chầm chậm nhích vào bên hông chợ Bà Hoa ken dày người. Đến sạp bà Khương để mua đường bát về nấu chè, mong tìm gặp chút dư vị quê. Biết là đường đưa từ quê vô mà vẫn hỏi: “Đường Quảng thiệt chứ cô?”. “Thiệt chớ. Đường quê mình đó. Ngọt lựng hà!”.
... Như nghe dung dăng trong lòng khúc tự tình quê nhà trăm mến ngàn thương. Nơi ấy luôn tràn trề quyến rũ để gọi ta về. Nơi ấy luôn đầy sức mạnh và quyền năng kéo ta lại để dù đi đâu xa vẫn cảm thấy thật gần.
Hỏi rằng: Người ở quê đâu?
Thưa rằng: Tôi ở rất lâu quê nhà.
(Bùi Giáng, Chào Nguyên Xuân).
TRÀ KIỆU