Nhằm tiếp tục hỗ trợ ngư dân phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND (QĐ 13) sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản về hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu cá đánh bắt xa bờ. Quyết định này có những điều kiện hỗ trợ phù hợp thực tế, sẽ giúp ngư dân có thêm động lực phát triển đội tàu công suất lớn.
Ngư dân Núi Thành sẽ có điều kiện phát triển phương tiện đánh bắt xa bờ nhờ quyết định hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền. |
Nhu cầu lớn
Hiện nay nhu cầu đóng tàu thuyền để vươn khơi, tăng thời gian bám biển của ngư dân rất lớn, tuy nhiên nguồn lực của người dân còn hạn chế. Ông Nguyễn Văn Hai (ngư dân ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết: “Chúng tôi đã dành dụm được số vốn tương đối nhưng để có thể đóng thêm một chiếc tàu nữa là điều rất khó khăn. Trong khi đó ngân hàng cho rằng tàu cá là phương tiện sản xuất có độ rủi ro cao nên chúng tôi chỉ có thể tiếp cận được số vốn vay rất thấp. Bởi vậy, kỳ vọng thành lập đôi tàu khai thác nghề lưới vây của gia đình rất khó thành hiện thực”.
Ông Nguyễn Đình Toàn, Trưởng phòng Quản lý nguồn lợi & khai thác thủy sản (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam) cho biết, với tiềm năng và lợi thế hiện có, nhiều năm qua, ngành khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh đã phát triển với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được phát huy ở mức tối đa. Vấn đề nằm ở chỗ, nhu cầu vốn để đóng mới tàu cá khai thác xa bờ của ngư dân rất lớn nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng hạn chế. “Số tiền mà các ngân hàng cho ngư dân trên địa bàn tỉnh vay thường chỉ chiếm 25 - 35% tổng giá trị tài sản thuế chấp. Để đóng mới phương tiện, nhiều ngư dân phải vay nóng với lãi suất quá cao” - ông Toàn nói.
Các mức hỗ trợ sau khi vay vốn theo QĐ 13 Về tàu đóng mới • Trường hợp sử dụng máy thủy mới 100% Công suất máy từ 250CV trở lên: Hạn mức hỗ trợ tối đa là 700 triệu đồng. Công suất máy từ 90CV - 250CV: Hạn mức hỗ trợ tối đa là 500 triệu đồng. • Trường hợp sử dụng máy đã qua sử dụng Công suất máy từ 250CV trở lên: Hạn mức hỗ trợ tối đa là 500 triệu đồng. Công suất máy từ 90CV - 250CV: Hạn mức hỗ trợ tối đa là 300 triệu đồng. Về cải hoán thay máy • Trường hợp sử dụng máy thủy mới 100% Công suất máy từ 250CV trở lên: Hạn mức hỗ trợ tối đa là 300 triệu đồng. Công suất máy từ 90CV - 250CV: Hạn mức hỗ trợ tối đa là 200 triệu đồng. • Trường hợp sử dụng máy đã qua sử dụng Công suất máy từ 250CV trở lên: Hạn mức hỗ trợ tối đa là 200 triệu đồng. Công suất máy từ 90CV - 250CV: Hạn mức hỗ trợ tối đa là 100 triệu đồng. Thời gian kết thúc hỗ trợ là ngày 31. 12. 2015. |
Nhằm tiếp tục hỗ trợ ngư dân phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, ngày 25.6.2012, UBND tỉnh ban hành QĐ 13 sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản về hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu cá đánh bắt xa bờ tỉnh Quảng Nam. Đây là quyết định mới, thể hiện sự linh hoạt về điều kiện hỗ trợ so với Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND với nội dung tương tự được UBND tỉnh ban hành năm 2010. Tuy nhiên, cũng có nhiều ngư dân thắc mắc về mức hỗ trợ của quyết định mới này. Ông Trần Công Tư (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) nói: “Chúng tôi được biết, vừa qua UBND tỉnh đã sửa đổi, bổ sung một số điều khoản hỗ trợ với điều kiện được nhận hỗ trợ áp dụng cho cả máy thủy mới 100% và máy đã qua sử dụng. Tham khảo cán bộ phụ trách thủy sản của Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình về mức hỗ trợ thì được giải thích là ngư dân sẽ được hỗ trợ 10%/năm trong số tổng số tiền lãi mà ngư dân phải trả cho ngân hàng khi vay vốn để đóng mới hoặc cải hoán tàu cá đánh bắt xa bờ có công suất lớn hơn 90CV, mức hỗ trợ này là quá ít. Nhưng có thông tin khác lại cho rằng ngư dân sẽ được hỗ trợ 10%/năm lãi suất vốn vay tính theo số tiền vay thực tế của ngư dân?”.
Hỗ trợ lãi suất 10%/năm
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Toàn cho biết, trước đây UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đề án hỗ trợ đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá đánh bắt xa bờ với điều kiện hỗ trợ là ngư dân phải sử dụng máy thủy mới 100%. Để phù hợp với tình hình sản xuất của ngư dân trên địa bàn tỉnh, QĐ 13 ra đời sẽ hỗ trợ thiết thực ngư dân trong việc phát triển phương tiện khai thác xa bờ. Với quyết định mới này, điều kiện hỗ trợ bao gồm cả máy thủy mới 100% và máy đã qua sử dụng với mức hỗ trợ lãi suất vốn vay sau đầu tư là 10%/năm tính trên số tiền vay thực tế của chủ tàu cá. Ví dụ, chủ tàu cá vay 500 triệu đồng với lãi suất là 15%/năm để đóng mới hoặc cải hoán tàu cá có công suất 90CV trở lên sẽ được Nhà nước hỗ trợ 10% lãi suất vốn vay là 50 triệu đồng, còn 5% lãi suất vốn vay còn lại là 25 triệu đồng thì ngư dân phải chi trả.
Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, với QĐ 13, mức hỗ trợ và các điều kiện hỗ trợ đã được UBND tỉnh ban hành rất rõ ràng. Cụ thể, để nhận được hỗ trợ, ngư dân phải đáp ứng đủ điều kiện như chủ tàu phải có vay vốn tại ngân hàng để thực hiện đóng mới hay thay máy cải hoán nâng cấp tàu cá; tàu cá đã được hoàn thành các thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác hải sản, tham gia mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên; chủ tàu phải được UBND cấp xã xác nhận về địa chỉ cư trú, có thực hiện vay vốn tại các ngân hàng để đóng mới, thay máy cải hoán tàu cá và có tiến hành hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ…
Trước đây, với Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Đó là các hình thức hỗ trợ nhiên liệu, hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, hỗ trợ trang bị máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS)… Tuy nhiên, do thiếu thông tin về điều kiện thủ tục, nhiều ngư dân đã không hoàn thiện được hồ sơ để được nhận hỗ trợ. Vì vậy với quyết định hỗ trợ lần này, việc thiết lập một kênh thông tin xuyên suốt để kết nối từ tỉnh đến cơ sở là điều rất cấp thiết.
NGUYỄN QUANG VIỆT