Tuần qua, câu chuyện xe chở quá tải trọng cầu đường; ghe thuyền vận chuyển cát, sạn… được khai thác trái phép, không đăng ký đăng kiểm tiếp tục là chủ đề “nóng” trong các cuộc họp. Đơn cử như tại buổi giao ban tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhiều huyện lên tiếng bày tỏ sự lo ngại cho “sức khỏe” của những tuyến đường tiếp cận gói thầu của dự án. Địa phương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc bằng giải pháp đặt trạm cân tải trọng nhằm kiểm soát xe chuyên chở nguyên vật liệu phục vụ xây dựng công trình. “Chúng ta mà chần chừ thì mặt đường sẽ bị nát hết. Không chỉ gây thiệt hại vật chất, thực trạng ấy còn làm cho việc lưu thông của người dân luôn mất an toàn và rất dễ xảy ra những vụ tai nạn oan nghiệt” - một lãnh đạo địa phương đặt vấn đề.
Ghe chở cát quá tải lưu thông trên sông Thu Bồn, đoạn gần công trường cầu Giao Thủy. Ảnh: SC |
Vậy là sau Điện Bàn và Đại Lộc, nhiều địa phương khác có dự án cao tốc đi qua đã phát tín hiệu… cầu cứu. Thế mới thấy, chủ đầu tư và nhà thầu vẫn còn “nặng” tâm lý “nước tới chân mới nhảy” mức độ nào. Đặc biệt là nhà thầu, họ chưa tính hoặc không cần quan tâm mức độ ảnh hưởng của gói thầu mình đảm nhận sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến đời sống dân sinh. Để khi nhân dân ngăn cản phương tiện, đơn vị thi công mới hối hả ngược xuôi tìm “thuốc chữa”, rồi “phán” kiểu trẻ con rằng: “Bà con ăn vạ?”. Bài học về sự chậm trễ tháo gỡ “điểm nóng” ở gói thầu số 2 và 3A vẫn chưa mang lại kinh nghiệm thực tế cho nhà thầu sau này. Cũng tại buổi giao ban dự án cao tốc, có người thốt lời đề nghị xin rút trạm cân đặt tại tỉnh lộ (ĐT) 609 để cho xe chở nguyên vật liệu phục vụ thi công gói thầu số 2 hoạt động trở lại. Ý kiến này bị lãnh đạo tỉnh thẳng thừng từ chối. Bởi sau khi nhà thầu phối hợp thực hiện kiểm định cầu và sửa chữa đoạn tuyến hư hỏng nặng, ngành chức năng của tỉnh đã cắm biển báo tải trọng được phép đi qua các cầu trên ĐT609 và ĐT609B. Vì lẽ đó, xe tải chẳng có lý do gì mà lưu thông sai quy định. Và muốn biết tài xế có tuân thủ, trạm cân cần phải được duy trì để kiểm soát vấn đề kia.
Còn ở đường thủy nội địa, Tổ kiểm tra liên ngành do Ban An toàn giao thông tỉnh thành lập đã quyết liệt vào cuộc bằng hành động cụ thể hơn nửa tháng qua. Ngoài hướng dẫn về thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp hồ sơ học và thi lấy bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện theo quy định, tổ tiến hành kiểm tra hàng loạt bến bãi thu gom cát sạn trên hệ thống các sông Vu Gia và Thu Bồn. Hiệu quả kiểm soát qua thực địa cho thấy hoạt động “rút ruột” lòng sông của “sa tặc” lộng hành ra sao. Nhiều bến bãi tập kết và mua bán tài nguyên được thiết lập “chui”. Kiểm tra 102 ghe thuyền khai thác và vận chuyển cát, tổ phát hiện đến 92 trường hợp chẳng hề đăng ký, đăng kiểm. Hàng chục người lái chưa biết chứng chỉ, bằng cấp điều khiển là gì. Thế mà, đêm ngày họ cứ điều khiển phương tiện chất cát nặng trĩu qua lại trên sông nước, là nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông. Sáu tôi thiết nghĩ, ngành chức năng cần tịch thu cả phương tiện hành nghề nếu không việc đình chỉ, xử phạt đối tượng vi phạm chỉ “giơ cao đánh khẽ”.
SÁU CÒI