(QNO) - Trước tình hình vi rút cúm A/H5N1 tiếp tục lây lan nhanh, chính quyền và ngành chức năng ở huyện Duy Xuyên đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp mạnh nhằm sớm dập tắt mầm bệnh để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại cho người chăn nuôi...
Rắc vôi bột trên hố tiêu hủy những đàn vịt bị nhiễm dịch ở xã Duy Châu vào trưa 27.1. |
Mầm bệnh phát tán nhanh
Ngày 19.1, ổ dịch đầu tiên bùng phát trên đàn vịt 31 ngày tuổi của hộ ông Ngô Qua ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) khiến 1.950 con vịt bị mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy khẩn cấp. Theo ông Nguyễn Văn Ánh - cán bộ thú y xã Duy Trinh, kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm cho thấy đàn vịt của ông Qua dương tính với vi rút cúm A/H5N1. Ông Ánh nói: “Bầy vịt đó được chăn thả trên nhánh sông Thu Bồn, đoạn chảy qua địa phận thôn Chiêm Sơn, nơi đã từng xảy ra dịch vào thời điểm cuối năm 2012. Đáng nói hơn, đàn vịt này chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh”.
Ngay sau khi bùng phát ở thôn Chiêm Sơn thuộc xã Duy Trinh, đến ngày 21.1 vi rút gây bệnh tiếp tục lây lan ra diện rộng khiến đàn vịt của các ông Ngô Diện, Mai Gạch cùng trú thôn Thọ Xuyên (xã Duy Châu) xuất hiện những triệu chứng của cúm A/H5N1 buộc phải tiêu hủy 710 con. Ông Ngô Diện nói: “Đây là lần đầu tôi chăn nuôi vịt đàn nhưng lại rất chủ quan trong khâu tiêm phòng. Khi nghe thông tin ở xã Duy Trinh xuất hiện dịch, tôi mới báo cho thú y cơ sở đến tiêm vắc xin được 3.000 con trong tổng số 4.500 con. Nhưng, đã quá muộn”. Không dừng lại ở đó, vào ngày 26.1, vi rút gây bệnh tiếp tục phát tán làm 2.600 con vịt của ông Nguyễn Viết Tấn (thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh) chết hàng loạt, buộc phải tiêu hủy càng nhanh càng tốt.
Nhiều bầy vịt đang thả nuôi tập trung trên nhánh sông Thu Bồn nên nguy cơ mầm bệnh lây lan là rất cao. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng trạm Thú y huyện Duy Xuyên cho biết, nguyên nhân xuất hiện vi rút cúm A/H5N1 là do thời tiết diễn biến bất thường, rét lạnh kèm theo mưa phùn kéo dài nhiều đợt. Trong khi đó, thời gian qua hầu hết chính quyền các địa phương và người chăn nuôi chưa thực sự quan tâm đến công tác tiêm vắc xin phòng dịch. Ông Hòa nói: “Hiện nay, đàn vịt gần 7.000 con của các hộ Bùi Liếc, Nguyễn Quang ở thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh cũng đã có dấu hiệu nhiễm vi rút cúm, đang được lực lượng thú y giám sát chặt chẽ. Nhiều khả năng, chúng tôi sẽ tiến hành tiêu hủy toàn bộ để kìm hãm dịch bệnh phát tán”. Như vậy, tính đến chiều 28.1, lực lượng thú y huyện Duy Xuyên đã tiến hành tiêu hủy hơn 7.000 con vịt của 4 hộ dân ở 2 xã Duy Trinh và Duy Châu. Theo quan sát của chúng tôi, hiện rất nhiều hộ dân khác ở huyện Duy Xuyên đang thả vịt tập trung ở gần nhánh sông Thu Bồn với số lượng lớn nên nguy cơ loài thủy cầm này tiếp tục bị nhiễm vi rút gây bệnh là rất cao...
Vào cuộc quyết liệt
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, nhằm nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm, lãnh đạo đơn vị đã huy động lực lượng xuống các vùng đang xảy ra dịch để theo dõi sát diễn biến tình hình, hướng dẫn người dân các biện pháp cấp bách trong công tác phòng chống. Đồng thời, cấp bổ sung cho xã Duy Trinh và Duy Châu hơn 55.000 liều vắc xin cúm A/H5N1 để khẩn trương tổ chức tiêm phòng cho các đàn gia cầm chưa bị mắc bệnh. Cạnh đó, sử dụng 4 máy bơm động cơ triển khai phun hơn 100 lít hóa chất để vệ sinh tiêu độc, khử trùng những khu chăn nuôi và các điểm buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gà, vịt sống.
Thời điểm cận tết, ngành chuyên môn cần siết chặt công tác kiểm dịch tại các chợ buôn bán gà vịt sống. |
Suốt cả ngày hôm nay 28.1, có mặt tại các địa phương xảy ra dịch vừa nêu, chúng tôi nhận thấy công tác phòng chống vi rút cúm A/H5N1 hết sức quyết liệt.
Chi viện khẩn cấp cho Duy Xuyên 60 nghìn liều vắc xin Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng Trạm Thú y Duy Xuyên, tính đến giữa tháng 1.2014 tổng đàn gia cầm trên địa bàn toàn huyện là gần 388.000 con. Thế nhưng, thời gian qua chỉ có hơn 100.000 con được tiêm vắc xin phòng dịch cúm A/H5N1, chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Nhằm sớm kìm hãm sự lây lan của vi rút gây bệnh, Chi cục Thú y tỉnh vừa chi viện khẩn cấp cho huyện Duy Xuyên 60.000 liều vắc xin cúm A/H5N1 và 1.000 lít hóa chất để tổ chức tiêm phòng bao vây dịch và phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, 14 điểm chợ, các khu giết mổ gia súc, gia cầm, vùng có nguy cơ cao bùng phát dịch trên địa bàn... |
Theo đó, đội ngũ thú y huyện và cơ sở chia nhau thành nhiều tổ, mỗi tổ gồm 3 người khẩn trương tiêm vắc xin phòng bệnh cho các đàn gia cầm. Trong khi đó, người dân tích cực dùng vôi bột rắc khắp nơi và sử dụng bình bơm loại nhỏ phun hóa chất, tiêu độc chuồng trại. Được biết, UBND huyện Duy Xuyên đã ban bố lệnh cấm buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm trên địa bàn toàn xã Duy Trinh và Duy Châu. Đồng thời, đưa ra yêu cầu: gia cầm nhập về địa phương phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan thú y.
Các địa phương xảy ra dịch đã lập nhiều điểm chốt chặn ở những khu vực trọng yếu, bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh. Cạnh đó, những đơn vị liên quan cũng đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phòng chống dịch, nhất là không vứt bừa bãi xác gia cầm nhiễm bệnh chết ra môi trường, tự giác khai báo ngay với cơ quan thú y và chính quyền địa phương khi đàn gia cầm có dấu hiệu nhiễm vi rút cúm A/H5N1...
VĂN SỰ - PHI THÀNH