(QNO) - Ngày 13.2, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành chỉ thị triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm và các loại mầm bệnh nguy hiểm khác ở gia súc.
Chỉ thị nêu rõ, thông tin từ Bộ NN&PTNT, từ đầu tháng 1.2020 đến nay bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ; tại Việt Nam, hiện còn ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 ở tỉnh Quảng Ninh. Trên địa bàn Quảng Nam, tính đến nay đã qua hơn 11 tháng không phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm mới; bệnh dịch tả lợn châu Phi tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn còn dây dưa ở nhiều địa phương (còn 60 xã có dịch chưa qua 30 ngày, trong đó có 16 xã tái phát dịch); bệnh lở mồm long móng (LMLM) xảy ra rải rác nhưng được chính quyền địa phương và ngành chuyên môn phát hiện xử lý kịp thời, không lây lan gây thành dịch.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan và có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhất là bệnh cúm gia cầm là rất cao. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết đàn gia cầm không được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm; kết quả giám sát sau tiêm phòng vắc xin LMLM ở nhiều địa phương đạt tỷ lệ bảo hộ quá thấp (dưới 35%); thời hạn miễn dịch các bệnh tiêm phòng bắt buộc trên đàn gia súc đến nay đã hết...
Để chủ động phòng chống dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, nguy cơ xâm nhiễm vi rút corona và các tác nhân gây bệnh mới ở động vật, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh động vật, gồm cả các loại dịch bệnh mới nổi. Đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và bệnh truyền lây từ động vật sang người gây tử vong trên địa bàn cấp huyện.
Khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1.2020 đảm bảo đạt tỷ lệ hơn 80% so với tổng đàn; trong đó chú ý tiêm phòng đối với các bệnh LMLM, cúm gia cầm, dịch tả lợn cổ điển, dại. Tổ chức thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không đúng quy định. Kiểm tra hoạt động giết mổ tại các cơ sở/điểm giết mổ trên địa bàn; kiểm tra hoạt động của các nhân viên thú y làm công tác kiểm soát giết mổ. Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm tại các cửa khẩu, không để vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm qua các cửa khẩu và nhập lậu qua đường biên giới .
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có heo tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, chi trả tiền công cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi trong năm 2019.
Sở NN&PTNT tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; tổng hợp diễn biến tình hình dịch bệnh, chủ động giám sát cảnh báo dịch, lấy mẫu chẩn đoán xét nghiệm bệnh để có giải pháp thực hiện kịp thời theo từng loại dịch. Chủ động tham mưu UBND tỉnh kế hoạch ứng phó dịch bệnh đối với tác nhân gây bệnh mới xuất hiện.