Dự báo, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024 hoạt động thương mại sẽ diễn biến phức tạp, các loại hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… sẽ xuất hiện nhiều ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Phức tạp hàng cấm, hàng kém chất lượng
Lúc 4 giờ sáng 4/1, tại tuyến đường thuộc khu dân cư khối phố Viêm Trung, phường Điện Ngọc (Điện Bàn), Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy Công an thị xã phối hợp cùng Công an phường Điện Ngọc tuần tra, phát hiện H.K.H. (tạm trú tại khối phố Cẩm Sa, phường Điện Nam Bắc) đang chở 2 bao tải màu vàng trên yên sau xe máy.
Qua kiểm tra, phát hiện 2 bao tải chứa 735 viên pháo hoa nổ được đựng trong 15 hộp (loại 49 viên/hộp), tổng khối lượng 22,8kg. Tổ công tác tiến hành lập biên bản về hành vi tàng trữ trái phép hàng cấm và H. bị tạm giữ hình sự để phục vụ điều tra.
Vài ngày qua, Công an thị xã Điện Bàn đã liên tiếp phát hiện, thu giữ lượng lớn pháo trái phép trên địa bàn. Trước đó, lúc 15 giờ 20 ngày 28/12/2023, các lực lượng chức năng cũng phát hiện một mô tô vận chuyển 700 viên pháo, gồm 600 viên pháo xoáy, 100 viên pháo bướm.
Lúc 18 giờ 50 phút ngày 2/1, Tổ công tác của Công an phường Điện Thắng Trung phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy Công an thị xã tuần tra tại khu vực phường Điện Thắng Trung phát hiện một đối tượng tàng trữ 49 viên nghi là pháo hoa nổ và một số loại khác tổng số 245 viên pháo, trọng lượng 7,9kg.
Mặc dù tình hình gian lận thương mại luôn phức tạp nhưng thường có xu hướng nổi cộm thời điểm cận tết khi hoạt động kinh doanh mua bán diễn ra nhộn nhịp.
Trong số 48 nhóm mặt hàng bị các lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong năm 2023 (tương ứng xử lý 1.652 vụ), các mặt hàng tiêu dùng ngày tết như rượu ngoại, thuốc lá, đường, bánh kẹo, giày dép, áo quần, túi xách, pháo nổ… chiếm số lượng lớn. Cụ thể, rượu ngoại (500 thùng), thuốc lá điếu (gần 1.500 bao), đường cát kính (3 tấn), bánh kẹo (51 thùng)…
Ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam nhận định, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán thường là cơ hội để các đối tượng lợi dụng đẩy mạnh hoạt động gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng…
Do đó, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn lậu, nhất là hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển cần được triển khai quyết liệt nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Cuối tháng 12/2023, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Nam (Ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam) đã ban hành Kế hoạch số 119 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024.
Theo đó, các thành viên ban chỉ đạo cần xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.
Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm nhằm tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh.
Ông Lương Viết Tịnh cho biết, thời gian gần đây, đơn vị bắt đầu tăng cường kiểm tra kiểm soát hàng hóa, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp Tết Nguyên đán tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất,… kịp thời phát hiện xử lý các hành vi gian lận thương mại cũng như các trường hợp nâng giá bất hợp lý...
Đồng thời phối hợp các lực lượng chức năng tuyến biên giới, cửa khẩu phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, thời điểm trước, trong và sau tết tình hình gian lân thương mại sẽ diễn biến phức tạp, do đó các đơn vị liên quan cần chủ động triển khai các phương án tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, các đường mòn, lối mở… nhằm ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào thị trường nội địa của tỉnh và các vùng lân cận để tiêu thụ.
Kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok…) mua bán trực tuyến, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Đặc biệt, tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những vi phạm hành chính đối với các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Giám sát các hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu tết cho nhân dân…