Nói thì có vẻ to tát quá nhưng với xã đảo Tam Hải (Núi Thành) thì đúng như vậy. Một vùng biển đảo xinh đẹp với tiềm năng du lịch phong phú bị rác “tấn công” từ hàng chục năm qua trong khi các phương án thu gom, xử lý vẫn loay hoay, còn ý thức người dân thì “vẫn còn hạn chế”. Mới đây, tại buổi làm việc với địa phương, Bí Thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị để có giải pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường ở Tam Hải.
Xử lý triệt để có vẻ là yêu cầu quá khó bởi rác ở Tam Hải giờ đây đã ùn ứ với khối lượng lớn. Tôi đến Tam Hải cách đây gần 15 năm, ngày đó đã thấy ái ngại vì trên bãi biển, từng đống rác được vun lên, một số đang cháy nham nhở. Và không khác mấy với sự ước đoán của tôi, chỉ vài năm sau đó, rác thải nhựa đã xếp lớp lớp trên bãi biển. Hỏi nhiều người dân sao không chung tay gom rác rồi xử lý, câu trả lời là những cái lắc đầu bất lực. Rác nhiều quá dọn không xuể. Mật độ dân cư tăng nhanh, hoạt động kinh tế nhiều thêm, cộng với nguồn rác vãng lai tấp vào khiến nỗ lực bảo vệ môi trường của người dân địa phương hao mòn dần, và kết quả cuối cùng là nhiều người dân quay lưng với rác. Tình hình tệ đến nỗi, một dự án nhà máy đốt rác được triển khai trên đảo đã phải dừng lại vì không được người dân đồng thuận. Mà lý do cũng rất oái ăm: người dân yêu cầu phải đáp ứng khoảng cách tối thiểu từ khu dân cư đến công trình là 500m như quy định, trong khi đất đai trên đảo chật hẹp thì tìm đâu ra địa thế đặt nhà máy. Vậy là Tam Hải trong nhiều năm qua gần như để mặc cho rác “tấn công” tứ hướng...
Yêu cầu có giải pháp xử lý triệt để rác thải của lãnh đạo tỉnh dù là nhiệm vụ khó nhưng không thể để mặc thêm nữa. Theo kế hoạch của UBND huyện Núi Thành, địa phương sẽ huy động nhiều lực lượng triển khai chiến dịch dọn rác từ ngày 1 đến 31.8, được chia thành 4 đợt, mỗi tuần 1 đợt với sự tham gia của hơn 1.000 lượt người. Trao đổi về kế hoạch này, ông Trần Ngọc Hữu - Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, mục tiêu chủ yếu là tổng vệ sinh bãi biển thôn Thuận An nhằm kêu gọi các tổ chức, cộng đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đây là biện pháp trước mắt, còn về lâu dài cần có một dự án khả thi. Không đốt rác tại chỗ được thì có thể tính đến phương án thu gom, ép rác rồi chuyển đi xử lý, nhưng đó là chuyện của tương lai.
Bảo vệ môi trường ở địa phương cũng giống như vệ sinh nhà cửa vậy. “Ngôi nhà” Tam Hải trong một thời gian dài không được quét tước, dọn dẹp cũng bởi thiếu cái “thùng rác” tiện lợi. Lâu ngày rác ùn ứ khiến người dân không còn cảm thấy nỗ lực của mỗi cá nhân có ý nghĩa trong việc cải thiện tình hình. Thậm chí, nhiều người còn quen dần, chấp nhận diện mạo xấu xí của nơi mình đang ở, và không muốn thay đổi hành vi để thoát ra hoàn ảnh đó. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương ven biển trên cả nước đang phải sống chung với rác thải. Vì vậy, dọn rác, không phải nâng cao ý thức cộng đồng là xong, như Tam Hải đã triển khai nhiều đợt, và hy vọng đợt này sẽ khác!