Các chủ đầu tư cam kết, quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công. Một trong những kế sách được tính đến là điều chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác... để có thể hoàn thành kế hoạch 2023.
Giải ngân vẫn thấp
Khu vực dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An ngổn ngang. Hai đầu đường dẫn lên cầu qua vịnh Chầu của hồ chứa nước Lai Nghi chưa đắp đất.
Sáng 28/5, vài công nhân đan rọ sắt, chuẩn bị đá hộc, tách coppha khỏi các hố ga xây cống. Công nhân ở lán trại công trình bên chân cầu cho biết, nghe các chủ thầu nói dự án đang chờ thống nhất về thủ tục xin gia hạn thỏa thuận vay lại của dự án...
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT, không để lặp lại tình trạng mất vốn, dù đã điều chuyển vốn nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp (năm 2021 đạt 83,3% và năm 2022 đạt 73,5%). Tỉnh sẽ lập đoàn công tác, làm việc với sở, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp để xem xét, cân nhắc và kiên quyết điều chuyển vốn sớm hơn ngay trong tháng 6 này.
Nhiều dự án vốn lớn như dự án Liên kết vùng miền Trung vẫn đang giai đoạn đấu thầu, dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào các dân tộc thiểu số (CRIEM) đang triển khai các bước trao hợp đồng xây lắp hay dự án Nâng cao năng lực y tế thì hợp phần mua sắm trang thiết bị chưa đủ điều kiện tổ chức đấu thầu, thực hiện mua sắm vì không tìm được đơn vị tư vấn thẩm định giá đủ năng lực dẫn đến việc thẩm định giá thiết bị gặp khó nên chậm triển khai...
Không chỉ các dự án lớn gặp khó khăn giải ngân mà các dự án nhỏ cũng không có thêm nhiều khối lượng. Bồi thường, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư chậm chạp... đang là nút thắt, nhiều năm không giải quyết nổi đã khiến địa phương đang trả giá đắt cho sự ì ạch, nham nhở của các dự án đầu tư.
Lý do tỷ lệ giải ngân thấp vẫn không ngoài chuyện các địa phương, đơn vị thực hiện các thủ tục đề nghị kéo dài kế hoạch vốn năm 2022 sang 2023, hoàn chỉnh hồ sơ thanh toán khối lượng hay thủ tục đầu tư các dự án chậm, thiếu sự phối hợp giữa chủ đầu tư, địa phương trong việc áp giá bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác nhận nguồn gốc đất...
Ông Bùi Ngọc Ảnh – Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói, thành phố nằm trong số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%, nhưng thực tế đầu tư của địa phương đã đạt khối lượng 30%. Các dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, nghiệm thu từng phần để thanh toán khối lượng. Tỷ lệ giải ngân sẽ gia tăng trong một vài tháng tới.
Sở KH-ĐT thống kê đã phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cho các ngành, địa phương đạt trên 92%. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) chỉ đạt 11,3% (cao hơn cùng kỳ 2022 khoảng 0,1%). Hiện có đến 12 sở, ban, ngành và 12/18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay, các nguồn vốn đầu tư liên quan đến đầu tư công đều vướng mặt bằng, chưa nói đến room tín dụng không mở thì các dự án công trình đều đứng hết. Cần tháo gỡ, đưa ra những giải pháp thực sự hiệu quả thì mới có thể đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Nỗ lực...
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT, đầu tư năm 2023 đã loại bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, cắt giảm tối đa số lượng dự án khởi công mới và phân bổ chi tiết vốn đầu tư khá sớm...
Theo nhìn nhận của các chủ đầu tư, điều này là điểm khác biệt của đầu tư công năm 2023. Tuy nhiên, nguồn lực nhiều hay ít, cắt giảm tối đa dự án đầu tư... không quá quan trọng bằng việc sẽ tìm cách gì để tiêu thụ hết vốn? Có thể dễ dàng nhìn thấy áp lực giải ngân vốn đầu tư năm 2023 rất lớn.
Tổng cộng tất cả nguồn vốn (được giao, kéo dài...) năm 2023 hơn 11 nghìn tỷ đồng (chưa kể sẽ có thêm lượng vốn từ trung ương bổ sung vào các tháng cuối năm), thực sự là gánh nặng quá lớn cho địa phương khi đến 31/12/2023 phải kết thúc giải ngân cùng lúc các loại vốn.
Theo Sở KH-ĐT, để có thể giải ngân 100% tổng kế hoạch vốn (hết quý III/2023 đạt trên 60%, hết quý IV trên 90%, riêng vốn kéo dài 2022 sang phải đạt 100% và hết ngày 31/1/2024 sẽ giải ngân hết 100% kế hoạch vốn năm 2023), ngoài nỗ lực của các chủ đầu tư thì việc cắt, điều chuyển vốn chỉ là giải pháp kỹ thuật, tình thế, nhưng lại là “chiếc phao” cho việc đẩy tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn gia tăng từ năm 2021 đến nay.
Kế hoạch ấn định đến hết ngày 31/8/2023, với kế hoạch vốn ngân sách trung ương, dự án nào giải ngân dưới 60% sẽ bị cắt giảm, điều chuyển cho các dự án có đủ năng lực giải ngân ngay sau khi bổ sung vốn hoặc nộp trả về ngân sách trung ương.
Các dự án sử dụng ngân sách tỉnh, nếu không có văn bản giải trình, đề nghị xử lý vướng mắc giải ngân chậm (dưới 60% kế hoạch vốn đã bố trí đến hết ngày 30/8/2023) sẽ bị cắt giảm, điều chuyển vốn.
Các chủ đầu tư, địa phương không một ai muốn mất vốn. Tất cả đều cam kết “quyết tâm chính trị” sẽ giải ngân hết 100% vốn đầu tư. Ông Huỳnh Xuân Sơn – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng nói, sẽ cố gắng hết sức để triển khai 76 dự án/công trình với tổng khối lượng dự kiến thực hiện khoảng 843,1 tỷ đồng (kế hoạch vốn đã bố trí gần 300 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay, tiến độ giải ngân theo đúng kế hoạch (tổng vốn đầu tư năm 2023 hơn 1 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, do nguồn thu phát sinh ít hơn dự kiến, nên phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để đảm bảo triển khai khả thi.
Khá nhiều địa phương quyết định sẽ kịp thời điều chuyển vốn các dự án chậm giải ngân, không có khối lượng cho các dự án khác có nhu cầu, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.
Tỷ lệ giải ngân Tam Kỳ hiện dưới 20%, nhưng Chủ tịch UBND thành phố Bùi Ngọc Ảnh nói tỷ lệ giải ngân của địa phương chưa bao giờ dưới 93%. Sẽ linh hoạt điều hành, không giảm, cắt vốn, luân chuyển vốn từ dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân tốt, quyết tâm giải ngân hết kế hoạch vốn 2023 (khoảng 560 tỷ đồng) và sẽ không có dự án nào giải ngân 0%...
Chính quyền sẽ cung cấp vốn kịp thời cho các nhà thầu có khối lượng (ít nhất không để họ hụt vốn), kiên quyết xử lý, phạt những nhà thầu, chủ đầu tư không thực hiện các dự án hay giải ngân chậm và thưởng cho những nhà thầu đạt tiến độ thi công...