Quyết tâm tạo bước đột phá

NGUYỄN SỰ (thực hiện) 17/01/2017 09:45

Trao đổi với PV. Báo Quảng Nam trước thềm xuân mới Đinh Dậu - 2017, ông Nguyễn Bốn – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, dù phải đối mặt với hàng loạt khó khăn nhưng năm 2016 địa phương vẫn đạt được những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Bốn cho hay:

Nhờ tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và đặc biệt là ưu tiên nguồn lực tài chính để thực hiện khâu bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, xây dựng bài bản kết cấu hạ tầng thiết yếu, giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính, năm 2016, Duy Xuyên thu hút thêm 5 dự án vào đầu tư với số vốn đăng ký 330 tỷ đồng. Như vậy, tính đến thời điểm này tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã có 31 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đầu tư 2.070 tỷ đồng. Hiện nay, các cơ quan có trách nhiệm của huyện tích cực hỗ trợ nhiều khâu để 3 dự án mới sớm bắt tay vào việc xây dựng cơ sở sản xuất. Thời gian qua huyện cũng rất nỗ lực trong việc khôi phục, phát triển mạnh các làng nghề tiểu thủ công nghiệp và thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo thống kê, năm 2016 giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Duy Xuyên đạt 2.714 tỷ đồng, tăng gần 16% so với năm 2015.

Năm 2016 giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Duy Xuyên đạt 2.714 tỷ đồng, tăng gần 16% so với năm 2015.
Năm 2016 giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Duy Xuyên đạt 2.714 tỷ đồng, tăng gần 16% so với năm 2015.

Trong vụ đông xuân và hè thu, nông dân trên địa bàn huyện sản xuất 7.546ha lúa. Nhờ ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, lựa chọn những loại giống có chất lượng tốt đưa vào gieo sạ đại trà và chuyển giao rộng rãi tiến bộ của khoa học kỹ thuật cho nhà nông nên mặc dù gặp rất nhiều yếu tố bất lợi nhưng năng suất lúa bình quân toàn huyện vẫn đạt 59,77 tạ/ha, tăng 0,65 tạ/ha so với năm 2015. Điều đáng mừng là, nhờ nỗ lực triển khai công tác dồn điền đổi thửa nên thời gian qua nông dân Duy Xuyên đã hình thành được hàng loạt cánh đồng mẫu lớn chuyên liên kết với các doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa, lúa thương phẩm chất lượng cao. Thực tế cho thấy, hướng canh tác này giúp nhà nông tăng thêm 20 - 25% giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Thời gian qua, Duy Xuyên đã hình thành được rất nhiều vùng sản xuất cây trồng cạn theo hướng hàng hóa, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ
Thời gian qua, Duy Xuyên đã hình thành được rất nhiều vùng sản xuất cây trồng cạn theo hướng hàng hóa, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ

Toàn huyện có gần 2.000ha đất màu, nhờ ưu tiên nguồn lực thi công hệ thống thủy lợi và tích cực hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên Duy Xuyên đã xây dựng được rất nhiều vùng chuyên canh, xen canh, gối vụ các loại cây trồng cạn và rau đậu theo phương thức hàng hóa với tổng diện tích xấp xỉ 1.200ha. Năm 2016, bình quân 1ha đất màu sản xuất theo hướng này cho mức thu nhập khoảng 110 - 160 triệu đồng, cá biệt có một số vùng đạt 170 - 230 triệu đồng/ha. Không chỉ trồng trọt, năm qua ngành chăn nuôi cũng chuyển biến rõ nét. Hiện toàn huyện có 3.349 con trâu, 16.889 con bò, 46.370 con heo, 570.000 con gia cầm các loại. Thời gian qua, nhờ được tiếp cận nhiều kênh vốn ưu đãi nên người dân có điều kiện hình thành những mô hình trang trại và gia trại chăn nuôi hàng hóa. Đến nay, Duy Xuyên đã có 200 trang trại, gia trại nuôi bò thâm canh, heo hướng nạc, gà chuyên thịt, vịt siêu trứng… với quy mô vừa và lớn. Bình quân hàng năm mỗi mô hình cho lãi ròng 100 - 600 triệu đồng, thậm chí không ít mô hình lời cả tiền tỷ… Nhờ vậy, năm 2016 tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - ngư nghiệp của huyện đạt 1.363 tỷ đồng, tăng 3,61% so với năm 2015.

Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, năm 2016 lượng hàng hóa cung ứng trên thị trường rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là các trung tâm thương mại như khu phố chợ Nam Phước, Trà Kiệu, Kiểm Lâm, Phú Đa, Nồi Rang… hoạt động khá sôi động, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Theo thống kê, năm qua tổng giá trị ngành thương mại - dịch vụ đạt 3.078 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015 và tăng 17% so với nghị quyết đề ra. Trong khi đó, nhờ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh khâu quảng bá nên năm 2016 Duy Xuyên đã đón 325.855 lượt khách du lịch, tăng 24,81% so với năm 2015 và tổng doanh thu đạt 48 tỷ đồng, tăng 78% so với năm 2015…

PV.:Thế còn lĩnh vực văn hóa - xã hội thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Bốn: Năm qua, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, giảm nghèo, đào tạo nghề… và đã đạt được những thành quả quan trọng. Theo đó, ngoài việc tạo thêm việc làm mới cho 2.560 lao động thì huyện còn giải ngân hơn 21,6 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho các hộ nghèo, cận nghèo vay phát triển sản xuất. Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2016 toàn huyện chỉ còn 6,91% hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, giảm 1,3% so với năm 2015. Trên lĩnh vực GD-ĐT, cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia được huyện đặc biệt chú trọng, đến nay đã có 47/51 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 92,2%. Cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được quan tâm đúng mức. UBND huyện đã chỉ đạo ngành y tế cùng những đơn vị liên quan phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kiểm tra, hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời chủ động triển khai kế hoạch phòng chống các loại dịch bệnh ở người, nhất là bệnh tay chân miệng, dịch sốt xuất huyết, vi rút Zika. Cùng với đó, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ và thực sự đi vào chiều sâu…

PV.: Xin ông cho biết, năm 2017, huyện đề ra những giải pháp trọng tâm nào để tạo đột phá cho lĩnh vực kinh tế?

Ông Nguyễn Bốn: Năm nay, Duy Xuyên đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,5%, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 14,9%, giá trị ngành thương mại - dịch vụ tăng 17,6%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,7%, tạo việc làm mới cho 2.500 lao động, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,8 triệu đồng. Để mục tiêu trên trở thành hiện thực, huyện phải quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đối với công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tập trung phát triển theo hướng mở rộng quy mô và khuyến khích đổi mới công nghệ, ưu tiên thu hút những dự án không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Bên cạnh việc tranh thủ các nguồn vốn đầu tư thi công hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại 4 cụm công nghiệp đã hình thành gồm Tây An, Gò Dỗi, Đông Yên, Gò Mỹ thì sẽ xúc tiến xây dựng cụm công nghiệp tại vùng đông. Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng và đào tạo nghề. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, chú trọng phát triển làng nghề và nghề truyền thống gắn với phát triển dịch vụ - du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hội chợ, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Tăng cường quản lý và phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường…

Trên lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, thi công hệ thống giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương. Đồng thời tích cực hỗ trợ phát triển các khu chăn nuôi tập trung, mở rộng hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường. Cạnh đó, linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho những vùng nuôi trồng thủy sản theo phương thức thâm canh. Thực hiện tốt việc hỗ trợ ngư dân đóng mới và cải hoán tàu thuyền có công suất lớn theo Nghị định số 67 của Chính phủ nhằm vươn khơi đánh bắt xa bờ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đối với ngành thương mại - dịch vụ - du lịch, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện. Hoàn thành việc đầu tư mở rộng khu đô thị phố chợ Nam Phước để làm điểm nhấn xây dựng thị trấn trở thành động lực trong lưu thông hàng hóa. Đồng thời tranh thủ các nguồn vốn, các hình thức đầu tư để nâng cấp một số chợ nông thôn. Tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du lịch tại khu di tích Mỹ Sơn. Tạo điều kiện để các địa phương và cộng đồng tổ chức những lễ hội truyền thống gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa riêng, nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan. Đặc biệt, mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư phát triển các loại hình du lịch - dịch vụ…

PV.: Xin cảm ơn ông!

 NGUYỄN SỰ (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quyết tâm tạo bước đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO