Quyết tâm vươn tầm thị xã

NGUYỄN DƯƠNG - HỮU PHÚC 11/05/2018 10:06

Từng là một trong những huyện miền núi nghèo, Phước Sơn đã dần vượt qua khó khăn, thay da đổi thịt từng ngày.

Toàn cảnh thị trấn Khâm Đức nhìn từ trên cao. Ảnh: S.T
Toàn cảnh thị trấn Khâm Đức nhìn từ trên cao. Ảnh: S.T

Đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế

Từ một địa phương chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, sau giải phóng Phước Sơn có hơn 76% số hộ nghèo nhưng đến nay con số đó đã được giảm đi hơn nửa, còn 38%. Như lời của ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch HĐND huyện Phước Sơn nói, kết quả đó là nhờ sự đồng thuận của nhân dân cùng với Đảng, chính quyền để chung tay xây dựng cuộc sống mới. Ông Hải còn cho hay, tuy được giải phóng từ năm 1968, nhưng do là địa bàn chiến lược nên Phước Sơn luôn chịu sự đánh phá của địch đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Sau khi đất nước thống nhất, xác định nhiệm vụ giúp dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống là quan trọng nhất, Đảng bộ, chính quyền huyện Phước Sơn đã tích cực vào cuộc, từng bước cùng nhân dân vượt qua khó khăn để cải thiện đời sống. “Với người dân Phước Sơn, muốn thoát nghèo không có con đường nào khác là dựa vào rừng và nông nghiệp. Nhưng làm thế nào để ổn định mùa màng, để hàng nông sản có đầu ra mới là chuyện quan trọng. Vì vậy, chúng tôi tập trung đầu tư vào những gì cần thiết nhất, quan trọng nhất để xây dựng trước như: y tế, giáo dục, đặc biệt là hệ thống giao thông huyết mạch của huyện”- ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết. Cùng với việc tập trung mở rộng phát triển sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực, hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện cũng được quan tâm đầu tư, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân.

Năm 2017 tổng sản lượng lương thực có hạt của Phước Sơn đạt 5.347 tấn, gấp 3,24 lần so với năm 1997. Cuối năm 2000, toàn huyện chỉ có 5/9 xã có điện lưới, với tỷ lệ hộ dùng điện đạt 50% thì đến nay 100% số xã, thị trấn đã có lưới điện quốc gia với hơn 97% số hộ dân sử dụng điện. Nhiều công trình hạ tầng khác cũng đã được quan tâm đầu tư phát triển như: thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt văn hóa… đã góp phần thay đổi diện mạo địa phương miền núi này. Hạ tầng được đầu tư đã thúc đẩy kinh tế phát triển. Từ một địa phương với nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp, tự cung tự cấp, đến nay nhiều ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã hình thành và phát triển. Giá trị sản xuất của các ngành kinh tế đều gia tăng hàng năm, trong đó tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ dần chiếm ưu thế, khẳng định xu thế chung trong phát triển. Nếu năm 2000 tỷ trọng giá trị công nghiệp và xây dựng chỉ ở mức 34,1% thì đến năm 2016 con số này là 65,9%.

Viết tiếp giấc mơ thị xã

Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch HĐND huyện Phước Sơn cho biết, mục tiêu của huyện là mỗi năm giảm 6 - 7% tỷ lệ hộ nghèo. Để làm được điều này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quan trọng nhất là sự đồng lòng từ phía người dân. Muốn giảm nghèo bền vững phải đi từ căn cơ, thực tiễn; nghĩa là biết thế mạnh của mình là gì, cần phải làm gì để việc đó gắn với đời sống của người dân. Về hệ thống giao thông, đến nay 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phước Sơn đều đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Đáng chú ý, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường đi các xã vùng cao của huyện tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, giúp giảm khoảng cách phát triển giữa vùng cao và các vùng khác trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, phần lớn các tuyến đường nông thôn đều được bê tông hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân. Việc hoàn thành đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14E… đã tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, đi lại và giao lưu giữa huyện với các trung tâm chính trị kinh tế - xã hội khác.

Từ năm 1999, thị trấn Khâm Đức được đưa vào diện quy hoạch phát triển thành một thị xã vùng tây của tỉnh. Tuy nhiên, giấc mơ đó đến nay vẫn chưa thể thành hiện thực bởi còn quá nhiều khó khăn. Nhưng với những tiền đề đã đạt được, Phước Sơn vẫn muốn trở mình vào một tương lai không xa. Để thực hiện được điều này, UBND tỉnh cũng đã chủ trương thu hẹp mục tiêu, nghĩa là không phải một bước lên đến thị xã mà làm từng bước. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 chủ trương phát triển Khâm Đức đạt mục tiêu đô thị loại 4 - mốc gần nhất để tiến lên trở thành thị xã ở miền tây xứ Quảng. “Cái khó nhất của Khâm Đức hiện nay là các tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người và dân số. Hiện nay Khâm Đức chỉ có chừng 6.000 người, chưa được một nửa so với tiêu chí của một thị xã miền núi. Vì vậy, huyện cũng đã có đề án phát triển cụ thể từng giai đoạn, phấn đấu đến năm 2020 tiếp cận được với đô thị loại 4” - ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết. Cũng theo ông Hà, một khi Khâm Đức trở thành thị xã sẽ thu hút được các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khi đó mới mở ra nhiều hướng đi mới cho người dân. Hướng đi của Phước Sơn là phát triển cây nguyên liệu, cây dược liệu và rừng. Đây là thế mạnh mà người dân có thể tận dụng để phát triển kinh tế. Như hiện nay, Phước Sơn đang nghiên cứu để giao 200ha tại các xã Phước Trà, Phước Đức để doanh nghiệp trồng thử nghiệm cánh rừng gỗ lớn, qua đó tạo cho người dân có công việc ổn định và tăng thu nhập.

NGUYỄN DƯƠNG - HỮU PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quyết tâm vươn tầm thị xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO