Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (Tiếp theo và hết)

Truyện ký của PHẠM THÔNG 12/08/2016 08:37

  • Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
  • Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (Tiếp theo kỳ trước)

Mọi  thủ đoạn, mưu kế thâm độc của địch cũng không thể ngăn cản ý chí, tình cảm của những chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi. Cuối cùng Huệ cũng tìm được cách liên hệ với đồng chí, với tổ chức tại phòng giam và cả khu C. Bằng nhiều cách liên hệ đặc biệt, Huệ từng bước tham gia, hòa vào những cuộc đấu tranh của toàn khu. Sau một thời gian không lâu, đồng đội, đồng chí tín nhiệm bầu Huệ làm Phó Bí thư chi đoàn phòng giam. Từ đó Huệ cùng đồng chí Thiều người Quảng Ngãi - Bí thư Chi đoàn bí mật lãnh đạo anh em trong phòng phối hợp toàn khu C đấu tranh đòi quyền lợi, chống đàn áp buộc bọn cai ngục phải nhượng bộ, nới lỏng chế độ cai trị hà khắc.

Sau các cuộc đấu tranh bùng phát, bọn địch nghi có tổ chức ngầm trong tù liền trở bộ áp đặt chế tài khắc nghiệt hơn trước. Nhân lúc bọn trật tự phản bội xăm hai chữ “sát cộng” trên tay, có thằng xăm luôn lên trán để chứng tỏ lòng trung thành của chúng với “chính thể quốc gia”, bọn chỉ huy trại nảy ra ý định quyết đánh sụp ý chí của những người cộng sản trẻ tuổi này. Chúng bắt tù nhân xăm vào tay hai chữ “sát cộng” và viết đơn chiêu hồi. Trong hai đợt đàn áp đầu tiên, chúng đánh chết đồng chí Trung và đồng chí Út, người Quảng Nam. Toàn khu C có 1.800 tù nhân, sau 3 tháng khủng bố tàn khốc, bọn cai ngục xác định 50 người là đối tượng nguy hiểm nhất, trong đó có Phạm Huệ, đưa sang khu A giam chung với tù binh lớn tuổi. Một lần nữa, tại nhà lao Biên Hòa, Huệ khắc sâu lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Tại khu A, Huệ có dịp tiếp xúc, sát cánh trong các cuộc đấu tranh sinh tử cùng những chiến sĩ cách mạng dày dạn, đầy kiến thức và kinh nghiệm sống. Trong môi trường này Huệ càng trở nên cứng cỏi. May mắn hơn là Huệ được bọn trật tự vô tình sắp xếp nằm bên đồng chí Bí thư Chi bộ phòng giam và đồng chí Bí thư Đảng ủy nhà tù Hố Nai, Biên Hòa mà chúng không hề hay biết. Với sức trẻ, lại được các đồng chí lãnh đạo trực tiếp giáo dục, động viên, Huệ luôn xông pha đi đầu trong những cuộc đấu tranh có tổ chức.

Một hôm được tin phái đoàn Chữ thập đỏ quốc tế sắp đến giám sát việc thực thi chính sách tù binh tại trại tù binh Hố Nai, Biên Hòa, Đảng ủy trại giam bí mật phân công đồng chí Trương Tấn Sang thay mặt toàn thể tù nhân trực tiếp giao dịch, kiến nghị đối với Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế. Đồng thời bố trí những chiến sĩ trẻ tuổi, xung kích thực hiện phương án 2, sẵn sàng đối đầu với bọn cai ngục khi cần thiết, tạo điều kiện cho đồng chí Tư Sang hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng, tất cả đều phải giữ nguyên vị trí như mọi ngày để cuộc tiếp xúc của anh Sang diễn ra tự nhiên, không để lộ dấu hiệu bố trí trước. Tên cáo già Trung tá Chỉ huy nhà giam Mã Sanh Quy cũng đã tính toán, khi phái đoàn đến các phòng giam hắn kiếm cớ cầm chân ngay cửa, hạn chế một cách hợp pháp việc tiếp xúc giữa đoàn giám sát với tù nhân. Phòng giam dài năm sáu chục mét, đồng chí Tư Sang lại ở cuối phòng, không thể tiếp xúc được. Có một người tách đoàn, đi sâu vào phòng giam tri trô một loạt tiếng Anh. Tư Sang chưa kịp đối đáp, ông ta đã vội vàng quay trở ra. Thấy tình thế diễn biến bất lợi, Phạm Huệ nói lớn: “Ông nói gì chúng tôi không nghe được. Chúng tôi cần nói chuyện với các ông”. Người phiên dịch truyền đạt lại lời của Huệ, ông ta kéo tay phiên dịch quay lại bước sâu vào phòng. Đồng chí Trương Tấn Sang liền đứng dậy tố cáo chế độ cai trị hà khắc, dã man của bọn cai ngục tại nhà tù này. Đồng thời kiến nghị các tổ chức nhân đạo quốc tế can thiệp, góp phần chặn bàn tay tội ác của chúng. Có những chỗ người phiên dịch né tránh không dịch đúng, anh Sang đính chính ngay lại bằng tiếng Anh. Người phiên dịch bất ngờ cảm phục và không dám dịch sai ý nữa. Cuộc tiếp xúc thành công, tiếng nói chính nghĩa của những người cộng sản tại trại tù binh Hố Nai, Biên Hòa được đoàn giám sát quốc tế ghi nhận.

Thế nhưng bản chất tàn bạo của bọn cai ngục không thể thay đổi. Đoàn đi rồi, tù nhân lại ngập chìm trong sự đàn áp triền miên của chúng. Riêng đối với Huệ, người dám lên tiếng để ông Tây kia quay lại được bọn giám thị “chăm sóc” kỹ hơn bằng những ngón nghề tra tấn chuyên nghiệp. Dù với cách thức hành hạ hiểm độc nào cũng không thể khuất phục được Huệ, người con trai của đất Điện Bàn anh hùng. Anh quyết thi gan cùng bọn địch, cho dù phải tàn hơi. Và cũng chính tại nhà tù này, ngày 24 tháng 7 năm 1972 chi bộ mang mật danh “Cô Tám” kết nạp Phạm Huệ vào Đảng.         

Ngày 26 tháng 12 năm 1972, giữa thời điểm ta mở nhiều cuộc tấn công trên khắp chiến trường miền Nam, bọn địch không yên tâm giam giữ tù binh ở đất liền,  Huệ cùng nhiều đồng chí khác bị đưa ra trại tù binh Phú Quốc. Tại đây, anh tiếp tục cùng đồng đội đấu tranh giữ vững khí tiết người đảng viên.

Sau mấy tháng Hiệp định Paris ký kết, Huệ được trao trả tự do. Tại sân bay Thiện Ngôn, Tây Ninh anh được Mặt trận, đồng đội, đồng chí đón tiếp nồng hậu. Trên tư thế chiến thắng, anh lại trở về Quảng Nam, trở về Điện Hồng để “Thưa mẹ! Con trai của mẹ đã giữ tròn khí tiết trong những tháng ngày lao lý”. Nhưng, trên đường về Quảng Nam, được tin mẹ của anh đã hy sinh trong một trận càn ác liệt của giặc tại quê nhà. Chiến thắng rất vinh quang, nỗi đau cũng vô cùng to lớn, Huệ ngã quỵ giữa đỉnh núi cao Trường Sơn. Nhưng rồi anh gượng dậy, hướng về đất Điện Bàn anh hùng bái vọng linh hồn mẹ. Và, anh tiếp tục lao vào cuộc chiến đấu mới, đầy gian khổ hy sinh...

Ngày 29 tháng 3 năm 1975, Phạm Huệ - người biệt động thành Lê Độ từng nằm trong thế tử, rơi vào tay giặc tại góc đường Quang Trung - Đống Đa năm xưa lại đứng trong hàng ngũ tiên phong của bộ đội Quảng Đà, tiến vào giải phóng Đà Nẵng.

Tâm sự với tôi, anh xúc động: “Tôi luôn nhớ rất rõ cái ngày 23 tháng 8 năm 1968, đó là ngày đầy máu lửa, ngày mà anh chị em chúng tôi “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Năm nào cũng vậy, đến ngày 22 tháng 8 anh chị em biệt động thành chúng tôi kéo về Đà Nẵng đám giỗ đồng đội đã hy sinh trong trận quyết tử ấy. Sáng ngày 23 tháng 8, tất cả lại tụ họp bên tượng đài tưởng niệm, trên góc đường Quang Trung - Đống Đa, thắp nén hương cầu mong cho hương hồn các anh, các chị siêu thoát và nhắc nhở mỗi chúng tôi là những chiến sĩ biệt động thành còn lại sau chiến tranh phải tiếp tục sống tốt, sống đẹp cho đời. Xứng đáng với truyền thống của đơn vị Lê Độ, quận Nhì, Đà Nẵng anh hùng. Xứng đáng với chính mình trong quá khứ...”.

Truyện ký của PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (Tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO