Ra đề kiểm tra học kỳ: Sở muốn phân cấp, cơ sở nói vướng

XUÂN PHÚ 08/08/2023 07:17

Tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 do Sở GD-ĐT tổ chức cuối tuần qua, ngoài những thách thức trong thời gian tới, câu chuyện phân cấp ra đề kiểm tra học kỳ được lãnh đạo các phòng GD-ĐT và trường THPT đề cập với nhiều băn khoăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khen thưởng học sinh Đỗ Phú Quốc với thành tích xuất sắc đoạt Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế. Ảnh: X.P
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khen thưởng học sinh Đỗ Phú Quốc với thành tích xuất sắc đoạt Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế. Ảnh: X.P

Băn khoăn phân cấp

Ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD-ĐT Bắc Trà My cho biết khi Sở GD-ĐT phân cấp phòng GD-ĐT ra đề kiểm tra học kỳ đối với các khối lớp 6, 7, 8 thì phòng phân cấp về cho trường.

Có ưu điểm là phù hợp với điều kiện dạy và học của trường, tuy nhiên, hạn chế rất rõ là điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, đội ngũ giáo viên (GV) của một số trường ít nên “vừa ra đề, vừa phản biện đề”, chưa kể khâu bảo mật cũng gặp khó. “Đề nghị sở tiếp tục ra đề tất cả các khối lớp như các năm trước để đánh giá đúng thực chất chất lượng toàn tỉnh” - ông Tú nói.

Cùng quan điểm “Sở GD-ĐT ra đề chung cho cả tỉnh”, bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD-ĐT Đại Lộc giải thích thêm việc phân cấp cho phòng GD-ĐT ra đề gây khó khăn cho địa phương về kinh phí ra đề và chi cũng không được vì không có quy định, kiểm toán không chấp nhận. Do đó, phòng GD-ĐT chuyển nhiệm vụ ra đề về cho các trường.

“Tất nhiên có khó khăn vì trường ít GV, lo ngại liên quan đến dạy thêm học thêm, chất lượng đề kiểm tra. Hơn nữa, mỗi trường cũng có đánh giá khác nhau ảnh hưởng đến công tác xét tuyển sinh vào lớp 10 vì thiếu khách quan” - bà Vân chia sẻ.

Nhấn mạnh đổi mới phân cấp ra đề về cho cấp phòng, trường, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường cho rằng dạy học mà ra đề kiểm tra học kỳ kêu khó thì vô lý. Hơn nữa, đó cũng là trách nhiệm trong công tác quản lý chuyên môn của các phòng GD-ĐT, trường học.

Dù vậy, lãnh đạo các phòng, trường học vẫn đề xuất sở ra đề kiểm tra học kỳ ở tất cả các khối lớp, nhất là hiện nay đang dạy học theo chương trình GDPT mới. Ủng hộ đề xuất này, thầy Nguyễn Văn Tấn - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) nói: “GV ra đề được hết nhưng sở ra đề kiểm tra sẽ giúp đánh giá được mặt bằng về chuyên môn chung cả tỉnh”.

Chưa bứt phá vững chắc

Theo ông Thái Viết Tường, so với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giáo dục Quảng Nam năm học vừa qua chất lượng đại trà ngang ngửa, chất lượng mũi nhọn dẫn đầu và có một số kết quả vượt lên giúp nâng cao uy tín của ngành.

Cụ thể, tỉnh có 42 giải học sinh giỏi quốc gia (6 giải Nhì, 16 giải Ba và 20 giải Khuyến khích) xếp thứ 22/68 đơn vị dự thi toàn quốc, dẫn đầu các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Cụm thi đua đua số 3).

Đặc biệt, em Đỗ Phú Quốc (học sinh Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông) đoạt Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế. Bên cạnh đó đoạt 1 giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 97,98%, tăng hơn năm 2022 và cao nhất trong 4 năm gần đây.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, nhìn vào thực tại toàn ngành cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là đội ngũ GV thiếu nhưng giải pháp khắc phục chưa bền vững. Những năm qua tổ chức tuyển dụng song không đủ chỉ tiêu. Một số địa phương xin tổ chức thi tuyển riêng thì nay gặp khó khăn lại đề nghị tỉnh tổ chức thi chung. Chất lượng đại trà cũng là thách thức.

Điểm bình quân thi tốt nghiệp THPT của Quảng Nam từ vị thứ 52 cả nước tăng lên thứ 37 năm 2022 và đến năm 2023 xuống tụt xuống vị thứ 45, chưa có sự bứt phá vững chắc. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng, nhiều trường học xuống cấp, một số chính sách đối với ngành chưa vào cuộc sống.

“Chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, đề nghị toàn ngành rà soát đội ngũ để có kế hoạch đảm bảo dạy và học. Các trường cũng phải quan tâm đến cơ sở vật chất, triển khai chương trình GDPT mới. Làm giáo dục phải bằng danh dự, lòng tự trọng, nỗ lực hết mình để đạt kết quả cao nhất” - ông Tường nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị toàn ngành tập trung quyết liệt và có những giải pháp khắc phục hạn chế, vướng mắc để đưa sự nghiệp GD-ĐT Quảng Nam phát triển. Theo đó, trên cơ sở yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện trong điều kiện của tỉnh, ngành phải xây dựng kế hoạch phù hợp về đội ngũ, cơ sở hạ tầng và các điều kiện khác.

Các đơn vị, cơ sở giáo dục xây dựng, triển khai chương trình công tác bám sát nhiệm vụ đột phá của địa phương mình, trường mình để triển khai thực hiện. Ngành kịp thời tham mưu tỉnh xây dựng kế hoạch nguồn nhân lực giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ra đề kiểm tra học kỳ: Sở muốn phân cấp, cơ sở nói vướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO