Còn hơn một tháng nữa, người trồng kiệu trên địa bàn xã Bình Phục, huyện Thăng Bình sẽ bước vào vụ thu hoạch. Những ngày này thời tiết nắng ráo, nông dân tranh thủ đồng chăm sóc để kiệu đảm bảo chất lượng phục vụ thị trường tết 2024.
Gắn bó với cây kiệu đã lâu, nên các giai đoạn gieo trồng, chăm sóc kiệu, một loài cây trồng đặc trưng của quê hương Bình Phục với bà Nguyễn Thị Thanh, ở tổ 4, thôn Tất Viên, thuộc làu như lòng bàn tay. Đầu tháng Bảy âm lịch hàng năm, người trồng kiệu bắt đầu xuống giống; đến tháng Chạp kiệu bắt đầu cho thu hoạch.
Bà Thanh cho biết, trồng kiệu chi phí ít nhưng tốn công chăm sóc. Công không nặng nhưng ngày nào cũng phải có mặt xới đất, nhổ cỏ để kiệu xanh tốt, dễ đẻ nhánh và cho nhiều củ. Năm nay tuy trời không bão lũ nhưng mưa lớn kéo dài, phần lớn diện tích kiệu trồng bị ngập úng, thối rễ, cây còi cọc.
Mặc dù đã được cẩn thận lấy rơm che chắn cho từng rò đất, nhưng mưa vẫn làm xói luống, trôi phân, có gia đình phải bón đến hai, ba lần phân. Kiệu phải phát triển từ đầu vụ đến khi thu hoạch mới già cây, nhưng năm nay do mưa to xói gốc nên nhiều diện tích phải trồng lại, thiếu ngày nên người trồng đang lo không kịp vụ tết; nếu thu hoạch sớm, kiệu non sẽ dễ bị tư thương ép giá.
Cũng trên cánh đồng tổ 4, thôn Tất Viên, gia đình ông Lê Tấn Bảo trồng 7 sào kiệu. Ngoài trồng kiệu, gia đình ông còn làm thêm 4 sào lúa. Nên khi hỏi về lợi ích kinh tế giữa kiệu và lúa, rất nhanh ông Bảo đã đưa ra phép so sánh: “Trồng kiệu ít chi phí, trồng lúa phải tốn tiền cày bừa, chăm sóc, khi thu hoạch phải thuê máy gặt,… Một sào kiệu trồng trong điều kiện thời tiết thuận lợi, phát triển tốt, với giá bán ổn định như vài năm trở lại đây thì lợi nhuận bằng làm 6 sào lúa”. Vì vậy, năm nào gia đình ông cũng tận dụng hết diện tích để trồng kiệu.
Ông Phan Ngọc Bốn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phục cho biết, trong vụ rau màu phục vụ Tết Giáp Thìn 2024, nông dân trên địa bàn xã xuống giống khoảng 240ha trồng các loại cây kiệu, nén, môn hương và cây trồng ngắn ngày khác; trong đó, diện tích trồng kiệu đến 140ha.
Để khắc phục ảnh hưởng của 2 đợt mưa lớn vào tháng 10 và tháng 11 vừa qua, thời gian này Ban nông nghiệp xã Bình Phục cũng ra đồng, tập trung tuyên truyền, động viên nông dân ra đồng chăm bón để kiệu sinh trưởng phát triển tốt, kịp bán tết và không bị mất giá.
“Kiệu là loài cây trồng truyền thống, cũng là cây trồng chủ lực vụ tết của xã Bình Phục, nên hằng năm chúng tôi phấn đấu sản xuất hết diện diện tích, đồng thời động viên nông dân thường xuyên áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp. Qua đó nâng cao chất lượng, năng suất của loại cây trồng này, đem lại nguồn thu nhập cho người dân” - ông Bốn chia sẻ.