Ở quê tôi, đến tết hầu như nhà nào cũng nấu rất nhiều đòn bánh tét. Một phần vì bánh tét là loại bánh truyền thống không thể thiếu trên bàn thờ cúng ông bà, tổ tiên; phần khác còn vì làm bánh để đãi khách đường xa lót dạ khi đến thăm nhà.
Điều đặc biệt so với một số loại bánh khác là bánh tét có thể để đến hết tháng Giêng vẫn không bị hư. Ra giêng, nhằm đổi khẩu vị, lúc này các bà nội trợ thường đãi cả nhà món bánh tét chiên nóng giòn, vàng ươm. Thế nên ở quê tôi mới có câu: “Ra giêng nhà nhà chiên bánh tét”. Hấp dẫn nhất là những buổi sáng sớm, khi tiếng gà cất lên đã lâu; còn cuộn mình trong chăn ấm, mùi thơm của món bánh tét má đang chiên bốc lên từ bếp khiến tôi không cưỡng nổi, phải bật dậy bước ra khỏi giường. Má tôi cắt bánh rất khéo, tỉ mỉ mở hết các lớp lá gói xung quanh, má dùng tay phải cầm một dây cước khoanh tròn đòn bánh đã lột cắt từng lát bánh đều đặn. Lần lượt cho bánh vào chảo dầu sôi đã khử tỏi chiên vàng. Chỉ vài phút sau, một mùi hương quyến rũ đã lan tỏa chái bếp. Trong tiết trời ấm áp ngày giêng hai, còn gì tuyệt hơn khi được quây quần bên mâm cơm gia đình với món bánh tét chiên quê nhà. Một lát bánh tét kẹp với miếng bánh tráng nướng, nhâm nhi thêm vài củ kiệu chua. Đấy cũng là lúc cái dẻo thơm của nếp mới, cái giòn xốp bùi béo của bánh tráng, của mè rang cộng với vị hăng nhẹ của kiệu muối hòa quyện vào nhau, kích thích mọi vị giác thăng hoa.
Với người quê tôi, ra giêng ăn bánh tét chiên không chỉ đem lại cảm giác lạ miệng sau khi đã ngán các món thịt đủ loại ngày tết mà đây còn là một loại lương khô rất tiện cho người lỡ bữa mỗi khi ra đồng. Bánh tét chiên còn là một góc ký ức khó quên của người con xa quê, bôn ba nơi đất khách quê người, mỗi khi đến tháng Giêng lại nhớ món bánh tét chiên giòn do chính bàn tay của bà, của má trăn qua trở lại vàng ươm, cho con thưởng thức những ngày còn thơ bé bên chái bếp.
THANH LY