Ra khơi mùa biển động

NGUYỄN QUANG VIỆT 31/10/2013 10:39

Những chuyến biển ngắn ngày hiệu quả cùng hoạt động tích cực của tổ cộng đồng quản lý nghề cá đã giúp ngư dân và địa phương xã Bình Hải (Thăng Bình) bảo vệ được nguồn lợi hải sản gần bờ.

Thời vụ cùng biển

Đối với ngư dân xã Bình Hải, do thói quen sản xuất kiêm nghề theo thời vụ đã thành tập quán, các chuyến biển ngắn ngày của họ tuần tự diễn ra, đan xen giữa các nghề câu, lưới kéo, lưới rê, lưới quét. “Ngư dân chúng tôi không tách biệt vụ cá nam hay cá bắc, khác nhau chăng chỉ là ngày biển yên và khi biển động. Biển yên thì chúng tôi đi câu kiều, câu ngừ còn biển động thì chúng tôi theo nghề lưới kéo, lưới rê, lưới quét. Các nghề cứ luân phiên thay nhau vì phụ thuộc vào các thời điểm xuất hiện của từng loại cá nổi”, ngư dân Nguyễn Xuân Cảm ở thôn Đồng Trì cho biết. Mỗi ngày, gia đình ông Cảm đi biển từ tờ mờ sớm đến trưa bằng lưới kéo. Ngày “trúng mẻ”, gia đình thu được vài tạ cá lầm, hoặc cá trích, cá ngân hay cá sòng. “Cứ mỗi ký cá như vậy, trung bình gia đình chúng tôi bán 10.000 đồng. Mỗi chuyến bội thu bán được tiền triệu còn không thì cũng được vài trăm nghìn đồng. Cuộc sống của hai vợ chồng và 2 con nhỏ cũng ổn định, nhàn hạ chứ không bộn bề áp lực sinh kế” - ông Cảm nói.

Thành quả của ngư dân xã Bình Hải với chuyến biển ngắn ngày. Ảnh: N.Q.V
Thành quả của ngư dân xã Bình Hải với chuyến biển ngắn ngày. Ảnh: N.Q.V

Nghề cá của xã Bình Hải tập trung ở 3 thôn Đồng Trì, An Thuyên và Kỳ Trân. Tầm giờ trưa, bến cá ở mỗi thôn rộn rã tiếng nói cười của ngư dân lẫn trong tiếng gầm gào của biển. Trong khi phụ nữ chuyển vội các gánh cá đi bán thì đám đàn ông tề tựu huyên thiên về nỗi nhọc nhằn bám biển. Anh Hồ Văn Trân ở thôn An Thuyên thu lượm lưới, kê vội chiếc thuyền nan rồi kể chuyện: “Ở vùng biển này, hầu như gia đình nào cũng bám biển ở quê. Cuộc sống xuê xoa cũng khiến người ta dễ gần hơn. Cứ hễ ai tiếp thu được nghề mới nào hay nghĩ được cách đánh bắt hiệu quả là cả làng đều biết rồi truyền sang cho làng khác. Gia đình tôi vốn sinh kế bằng nghề câu cũng vất vả vì nghề này chỉ phù hợp khi trời yên biển lặng. Nhờ học hỏi được nghề lưới trích nên chừ cuộc sống dễ dàng hơn. Chuyến biển này thu được khoảng năm hay bảy trăm nghìn gì đó, cũng vui”. Còn ngư dân Hồ Thanh Tuấn ở thôn Kỳ Trân thì cho biết: “Trước đây, gia đình tôi theo nghề giã cào nhưng thấy quá nguy hại cho các loại cá non nên mò mẫm học nghề giã ruốc, bẫy mực, câu cá ngừ, cá hố… đủ cả. Thấy nghề nào thích hợp với mùa vụ nào thì chúng tôi khai thác bằng nghề đó. Thời gian này, cá lầm theo biển “nhóc” vào bờ nhiều lắm. Mấy chuyến biển gần đây thu được bộn cá, cũng vui với nghề dù biển cả lắm nguy nan nhất là hay “động” vào mùa này”.

Bảo vệ nguồn lợi chung

Bình Hải là xã ngang ven biển của huyện Thăng Bình có 1.708 hộ dân chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác hải sản. Xã có chiều dài bờ biển 9km, phía bắc giáp xã Bình Minh, phía nam giáp xã Bình Nam. Hiện toàn xã có 180 phương tiện khai thác hải sản bằng các ghe thuyền có công suất máy dưới 20 CV. Ngư dân trên địa bàn xã bám biển bằng các nghề lưới trích, lưới rê, câu, cào ruốc, cào ốc… Trên địa bàn xã chỉ có 4 tàu thuyền có công suất 45CV khai thác ở tuyến lộng bằng nghề lưới vây. Hiện tại, toàn xã có 120 ngư đang đi “bạn” chủ yếu cho các tàu cá ở TP. Đà Nẵng với thu nhập khoảng 5 - 10 triệu đồng/ tháng.

Để bảo vệ nguồn lợi hải sản gần bờ, thời gian gần đây, xã Bình Hải đã thành lập Tổ cộng đồng quản lý nghề cá. Ông Hồ Thanh Bình, cán bộ phụ trách thủy sản của xã kiêm thành viên Tổ cộng đồng quản lý nghề cá xã Bình Hải cho biết: “Trước đây, việc khai thác hải sản tại vùng biển của xã diễn ra lộn xộn. Ngoài một số ngư dân trên địa bàn xã khai thác hải sản bằng nghề pha xúc, nhiều tàu cá từ các tỉnh khác đến sử dụng giã cào hay thuốc nổ để đánh bắt đã làm cho nguồn lợi hải sản ven bờ bị suy giảm mạnh. Tình trạng khai thác san hô cũng đã diễn ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng của các hệ sinh thái biển vùng ven bờ”. Từ năm 2011, địa phương thành lập Tổ cộng đồng quản lý nghề cá với phần đông là các ngư dân. Chức năng của tổ là vừa khai thác nguồn lợi hải sản ven bờ vừa bảo vệ rạn san hô và đa dạng sinh học. Hàng tuần các thành viên trong tổ thay phiên tuần tra bảo vệ khu vực san hô Kỳ Trân. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tổ đã phát hiện, bắt giữ và giao cho ngành chức năng xử phạt 12 vụ khai thác san hô trái phép, gần 20 vụ khai thác trái phép bằng nghề giã cào của ngư dân Quảng Ngãi. Ngoài ra, các thành viên trong tổ tự nhận trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các quy định về đánh bắt và bảo vệ các rạn san hô cho các ngư dân khác trong vùng với ý nghĩ: “Bám biển gần bờ phụ thuộc vào nguồn lợi gần bờ bởi vậy phải biết tạo điều kiện để các loại cá non sinh trưởng, phát triển nhanh”. Ông Hoàng Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết: “Quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng là giải pháp thực tế để duy trì nguồn lợi thủy sinh và đáp ứng được sinh kế của ngư dân”. Ông Hùng cho hay, xã Bình Hải sở hữu rạn san hô Kỳ Trân là một trong những vốn quý của địa phương. Ngoài giá trị tự thân nó, san hô cũng giúp các loài thủy sinh có được môi trường sống ổn định để sinh sôi phát triển. Bảo vệ được vốn tài nguyên này là nhờ vào sự chung tay góp sức của cộng đồng. Đến nay rạn san hô và các loài sinh vật đặc hữu đã có được môi trường sống thuận lợi để phát triển.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ra khơi mùa biển động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO