Những ngày qua, nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực ra quân chỉnh trang đồng ruộng, thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để kịp đưa vào sản xuất lúa đông xuân 2013- 2014 theo đúng khung thời vụ...
Hối hả
Mặc dù trời mưa dầm, rét lạnh nhưng mấy hôm nay trên các cánh đồng Hò Dài, Mã Xá, Nhà Đội rộng gần 20ha, hơn 100 nông dân thôn An Lạc (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên) vẫn hăng hái ra quân chỉnh trang đồng ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa. Trong 3 ngày cuối tuần qua, nhân dân nơi đây đã đào đắp được 4 tuyến đường giao thông nội đồng với tổng chiều dài 1.700m, rộng 4m cùng hệ thống kênh mương phục vụ việc tưới tiêu. Ông Võ Tuyên – một người dân địa phương cho biết, gia đình có 5 sào đất canh tác lúa trên cánh đồng Hò Dài với hơn 10 thửa ruộng nằm rải rác ở nhiều nơi. Theo dự kiến, sau khi thực hiện hoàn tất khâu dồn điền sẽ giảm xuống còn 3 thửa, bình quân mỗi thửa có diện tích 800 – 900m2. Ông Tuyên chia sẻ: “Trước đây, chỉ tính riêng thời gian mang bình bơm phun thuốc trừ sâu từ đám ruộng này sang đám ruộng nọ đã hết cả buổi, mệt lắm. Vài hôm nữa dồn ruộng lại thành một lô lớn chắc làm chuyện gì cũng dễ dàng, năng suất lúa sẽ tăng cao và chi phí đầu tư, công chăm sóc giảm nhiều”. Còn ông Dương Văn Quang - Trưởng ban Dân chính thôn An Lạc cho hay, tại các cánh đồng nêu trên hiện có gần 400 thửa ruộng phân bố nhỏ lẻ, bình quân mỗi thửa có diện tích 300 – 600m2. Sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa sẽ giảm xuống còn 90 thửa, diện tích mỗi thửa được nâng lên 800 - 1.000m2. Ông Quang nói: “Trong mấy ngày qua, người dân rất tích cực tham gia dồn điền đổi thửa bởi họ hiểu được lợi ích thiết thực của việc này mang lại. Điều mà chính quyền và nhân dân thôn An Lạc mong muốn nhất hiện nay là được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí theo cơ chế 19 của UBND tỉnh để triển khai bê tông hóa toàn bộ các tuyến đường giao thông nội đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển phân bón, nông sản sau thu hoạch cũng như đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng”.
Nông dân thôn An Lạc (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên) ra quân dồn điền đổi thửa. Ảnh: V.S |
Theo ông Trần Thanh Thư – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành, toàn xã hiện có tổng cộng 470ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 352ha đất canh tác lúa. Từ năm 2011 đến nay, địa phương đã triển khai dồn điền đổi thửa được 100ha đất lúa trên địa bàn các thôn Thi Thại, Vân Quật, An Lạc để hình thành những cánh đồng mẫu lớn. Ông Thư nói: “Trên các chân ruộng đã dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, năng suất lúa tăng từ 60 tạ/ha lên gần 70 tạ/ha. Không chỉ vậy, thực hiện mô hình này người nông dân còn giảm được một nửa số công chăm sóc lúa so với trước đây và vấn đề cung ứng nguồn nước tưới cũng đảm bảo hơn”.
Ngược lên Đồng Cả của xã Duy Sơn, chúng tôi thấy Ban Dân chính thôn Trà Kiệu Tây cũng đang khẩn trương phân chia diện tích đất sản xuất lúa ra từng lô, chuẩn bị cho nông dân bốc thăm nhận ruộng. Ông Lưu Văn Ân - Trưởng thôn Trà Kiệu Tây cho biết, đợt này Ban Dân chính thôn tiến hành dồn điền đổi thửa 20ha đất lúa. Nhờ sự đồng thuận cao của người dân nên đến nay mọi công việc đã cơ bản hoàn thành. “Sau khi dồn điền đổi thửa, số thửa đã giảm từ 215 xuống còn 52, diện tích bình quân mỗi thửa lên đến 4.000m2, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương hình thành cánh đồng mẫu lớn, tiến đến xây dựng vùng sản xuất lúa giống hàng hóa tập trung, vốn là thế mạnh ở Duy Sơn” – ông Ân nói.
Sản xuất hàng hóa
Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, đến nay toàn huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 1.340ha đất lúa và tiến hành xây dựng được 9 cánh đồng mẫu lớn, tập trung chủ yếu ở các xã Duy Phước, Duy Thành, Duy Vinh, Duy Sơn, Duy Hòa, Duy Trinh, thị trấn Nam Phước. Thời gian qua, tại những vùng này năng suất lúa tăng bình quân 20 - 25% so với các nơi khác. Những vụ gần đây nông dân các địa phương vừa nêu đã liên kết với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất gần 150ha lúa giống các loại theo hướng hàng hóa tập trung. Không chỉ lượng hạt giống làm ra được doanh nghiệp thu mua theo phương thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm mà giá trị kinh tế nông dân thu về từ việc sản xuất lúa giống cũng tăng 35 - 50% so với canh tác lúa thương phẩm. Ông Năm nói: “Ngày 25.12 dương lịch này là toàn tỉnh sẽ bắt đầu triển khai gieo sạ trà 1 vụ lúa đông xuân 2013-2014. Vì vậy, hiện nay ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên đang tích cực chỉ đạo, đôn đốc các địa phương vận động nhân dân tham gia dồn điền đổi thửa đối với 330ha đất lúa để kịp đưa vào sản xuất theo đúng khung thời vụ”.
Tại nhiều địa phương của huyện Điện Bàn, hiện nay công tác dồn điền đổi thửa cũng đang được gấp rút thực hiện. Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, theo phương án đã được phê duyệt thì năm 2013 này sẽ tiến hành dồn điền đổi thửa trên địa bàn 8 thôn của 5 xã, gồm: Điện Quang, Điện Phước, Điện Minh, Điện Hồng, Điện Hòa với tổng diện tích hơn 293ha đất sản xuất nông nghiệp. Ông Chơi nói: “Thời gian qua, các đơn vị liên quan đã tổ chức dồn điền đổi thửa được 68,2ha ở thôn Phú Tây và Thạnh Mỹ của xã Điện Quang. Số diện tích còn lại hiện các xã khác đang quyết liệt triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành và giao lại ruộng cho nông dân vào giữa tháng 12.2013 để khẩn trương cày phơi ải đất gieo sạ lúa đông xuân 2013-2014 theo đúng lịch thời vụ”.
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo kế hoạch năm 2013 này Quảng Nam tiếp tục triển khai dồn điền đổi thửa tại 66 thôn của 35 xã trên địa bàn 8 huyện, thành phố (chủ yếu ở khu vực đồng bằng) với tổng diện tích hơn 2.575ha đất canh tác lúa. Sau khi hoàn tất công tác rà soát, kiểm tra hồ sơ địa chính, từ đầu tháng 9.2013 đến nay tranh thủ thời gian nghỉ giữa 2 vụ sản xuất, các đơn vị liên quan đã huy động nhân dân ra quân đắp bờ vùng bờ thửa, xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng và phân chia lại ruộng đất để kịp thời đưa vào gieo sạ lúa đông xuân 2013 - 2014. Được biết, thực hiện Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND ngày 5.8.2011, năm nay UBND tỉnh chi thêm gần 4,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ cho các ngành, địa phương dồn điền đổi thửa số diện tích vừa nêu...
VĂN SỰ - PHI THÀNH