Các cấp ngành, địa phương liên quan của TP.Hội An đang khẩn trương xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra những âu thuyền trên địa bàn, sẵn sàng đảm bảo nơi trú ẩn an toàn cho tàu thuyền ngư dân.
Âu thuyền Cù Lao Chàm. Ảnh: K.LINH |
Đáp ứng yêu cầu
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, đầu tháng 6.2018 thành phố sẽ tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2017 và đề ra phương án năm 2018. Trong đó, mối quan tâm không chỉ là các tuyến kè biển, sông hay những di tích nhà cổ trong phố cổ mà việc kiểm tra các âu thuyền cũng đã được các cấp ngành, địa phương điều chỉnh, bổ sung phương án phù hợp. Hiện trên địa bàn thành phố có hai âu thuyền được đầu tư kiên cố ở Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp) và ở phường Cẩm Nam. Trong đó, âu thuyền Cù Lao Chàm, diện tích 2ha mới được gia cố sửa chữa năm 2015 từ nguồn vốn tài trợ (59 tỷ đồng) của Chương trình Biển Đông - hải đảo. Đây được xem là âu thuyền kiên cố nhất ở Hội An với sức chứa hàng trăm tàu công suất dưới 200CV. “Với các hạng mục hạ tầng được đầu tư, nâng cấp mở rộng từ mấy năm nay, âu thuyền Cù Lao Chàm không chỉ đáp ứng nhu cầu neo đậu cho tàu cá của ngư dân trên đảo mà còn là chỗ trú ẩn an toàn cho các phương tiện khai thác ở khu vực biển Cù Lao Chàm” - ông Hùng cho biết.
Tại Hội An, ngoài 2 âu thuyền Cù Lao Chàm và Cẩm Nam còn một vài âu thuyền và vịnh nhỏ khác tại thôn Vạn Lăng, Cẩm Thanh; khu kè Cẩm Châu và khu Cẩm Kim… đều đáp ứng yêu cầu tránh trú cho tàu thuyền. Riêng âu thuyền thôn Vạn Lăng, nơi có vị trí tự nhiên khá thuận lợi với hệ thống kênh lạch khuất gió và diện tích rừng dừa nước lớn che chắn, nhiều năm qua nơi đây trở thành điểm tránh trú bão an toàn cho hầu hết tàu thuyền Cẩm Thanh và khu vực xung quanh.
Theo bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng phòng Kinh tế Hội An, những âu thuyền hiện do xã quản lý trực tiếp, phòng chỉ theo dõi về mặt chuyên môn. Hàng năm, các âu thuyền đều được kiểm tra, kiểm soát cũng như có kế hoạch sửa chữa, nạo vét nếu cần thiết; khi có bão lũ thì các bên liên quan của thành phố và xã sẽ cùng điều tiết tàu thuyền tránh trú bão. Với âu thuyền Vạn Lăng dù diện tích lớn nhưng do hiện nay đường dẫn cầu Cửa Đại cắt ngang qua cũng ảnh hưởng rất nhiều đến công suất hoạt động. “Qua theo dõi các năm, hầu hết âu thuyền cơ bản đáp ứng được yêu cầu trú ẩn cho tàu thuyền. Chỉ có âu thuyền Vạn Lăng, Cẩm Thanh bây giờ đã thay đổi về diện mạo do tuyến đường dẫn cầu Cửa Đại chạy qua làm ảnh hưởng đến sức chứa. Còn ảnh hưởng như thế nào bây giờ phải chờ đường dẫn hoàn thiện xong mới có thể đánh giá đầy đủ những tác động như đất đổ xuống đó có ảnh hưởng chi không, hay diện tích còn lại của âu thuyền có sức chứa bao nhiêu… Qua kiểm tra nếu có yêu cầu nạo vét thì sẽ sử dụng nguồn phòng chống thiên tai hàng năm của thành phố để làm” - bà Vân cho biết.
Chưa hết nỗi lo
Theo thống kê, trên địa bàn Hội An có khoảng hơn 400 ghe, tàu lớn nhỏ hành nghề đánh bắt thủy sản cùng hơn 100 ca nô du lịch đưa khách tham quan đảo. Mỗi khi đến mùa mưa bão, khu rừng dừa nước Cẩm Thanh với những con lạch chằng chịt chạy dưới tán dừa nước trở thành điểm trú ngụ an toàn cho phần lớn ghe tàu này. Ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, mùa mưa bão mọi năm rừng dừa đều có hàng nghìn ghe tàu các loại trú tránh, kể cả ghe tàu từ các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình qua. Do đó, ngoài xây dựng phương án bổ sung phòng chống lụt bão hàng năm, xã đều lên phương án di dời tàu thuyền tới khu vực rừng dừa ẩn náu. “Mỗi khi có bão lũ hầu như tất cả ca nô du lịch ở Cửa Đại đều vào trú tránh ở khu này vì có dừa che chắn. Tuy nhiên, bây giờ diện tích và vị trí cũng đã bị ảnh hưởng ít nhiều do đường tránh Cửa Đại cắt qua. Xã thì không thể nghiên cứu, đánh giá gì được nhưng chắc chắn hiệu quả an toàn và sức chứa cũng bị ảnh hưởng” - ông Thanh chia sẻ. Tương tự, tại Cù Lao Chàm tuy số lượng ghe thuyền hành nghề đánh bắt hải sản nhiều (260 chiếc) nhưng phần lớn công suất nhỏ, chủ yếu 10CV trở xuống. Cùng với đó âu thuyền cũng vừa được đầu tư nâng cấp kiên cố; nhiều hạng mục cần thiết như chỗ neo đậu, hoàn thiện taluy, mở rộng cửa âu thuyền... nên áp lực về việc neo đậu, tránh trú trong âu thuyền Cù Lao Chàm chưa đến mức chật chội.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, mức độ an toàn của âu thuyền cũng cần được xem xét tính toán, nhất là phía cửa vào, nơi sóng rất nguy hiểm. “Từ khi nâng cấp lại âu thuyền đến giờ chưa có cơn bão nào lớn nên không kiểm chứng thực tế được. Nhưng đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc mở rộng cửa ra vào âu thuyền. Với chủ tàu nhỏ thì họ nói việc mở cửa âu thuyền lớn quá sóng sẽ dễ dàng vào gây nguy hiểm; còn chủ thuyền lớn thì đồng tình ủng hộ vì tàu họ vào ra dễ dàng. Nên để nói âu thuyền hiện nay đảm bảo hay không thì không đánh giá được, cái này phải để các nhà chuyên môn nghiên cứu. Còn mùa mưa bão mấy năm gần đây nhìn chung là ổn, không có gì quá căng hết. Bây giờ xã chỉ xây dựng phương án theo dõi thường xuyên để khi có thiên tai mưa bão xảy ra thì không bị động” - ông An nói.
KHÁNH LINH