Rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2021: Phát sinh nhiều vướng mắc

LÊ DIỄM 03/11/2021 05:44

Công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện theo 2 chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025 triển khai trong toàn tỉnh đang phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn từ cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu rà soát đúng tiến độ, thậm chí sớm hơn chứ không được trễ. Ảnh: D.L
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu rà soát đúng tiến độ, thậm chí sớm hơn chứ không được trễ. Ảnh: D.L

Tại cuộc họp về tiến độ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo với các địa phương vào sáng qua 2.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu phải bám kế hoạch của UBND tỉnh, thực hiện đúng, thậm chí sớm hơn chứ không kéo dài thời gian, vừa làm vừa khắc phục vướng mắc, địa phương nào ì ạch phải kiểm tra tiến độ thực hiện.

Khó khăn từ cơ sở

Năm 2021, công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo 2 chuẩn nghèo đa chiều với hệ thống văn bản, biểu mẫu rà soát nhiều, phức tạp… nên khối lượng công việc lớn, trong khi thời gian triển khai ngắn lại rơi vào thời điểm mưa lũ, một số địa phương xuất hiện các ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng (huyện Phước Sơn, Nam Giang, Nam Trà My), do đó việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Ông Hồ Xuân Khanh - đại diện Văn phòng Giảm nghèo tỉnh cho biết: “Rà soát viên ở cấp xã chọn là trưởng thôn, khối phố và trưởng ban công tác mặt trận, công việc tại địa phương rất nhiều, tuổi lớn nên việc tiếp cận, sử dụng phần mềm rà soát và thực hiện các thao tác trên điện thoại còn khá chậm, sai sót.

Kết quả sơ bộ, tính đến ngày 2.11.2021, theo chuẩn nghèo cũ thì số hộ nghèo là 19.622 hộ (tỷ lệ 4,47%), giảm 2.746 hộ so với năm 2020 (dự kiến trong đó có 1.428 hộ nghèo được công nhận thoát nghèo bền vững). Đối với kết quả rà soát theo chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo là 24.786 hộ (tỷ lệ 5,65%), hộ cận nghèo là 7.676 hộ. Như vậy, so sánh giữa 2 chuẩn nghèo thì số hộ nghèo theo chuẩn mới tăng 5.164 hộ so với chuẩn cũ.

Rà soát viên sử dụng điện thoại không có đăng ký 3G, 4G không đăng nhập được phần mềm Connection để rà soát. Các xã thuộc vùng núi cao, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, các hộ dân sống phân tán, dẫn đến số phiếu rà soát thực hiện được rất thấp, còn rà soát bằng giấy, sau đó về nhập lại thông tin vào phần mềm mất rất nhiều thời gian”.

Cũng theo ông Khanh, trong thực tế rà soát hộ nghèo, có những hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo những năm trước, đã đăng ký và được công nhận thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết số 13 ngày 19.4.2021 của HĐND tỉnh.

Nay những hộ này rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 thì rơi vào diện hộ nghèo, cận nghèo, trong khi vẫn đang hưởng chế độ thoát nghèo theo Nghị quyết 13.

Từ đó, các địa phương rất lúng túng trong việc có tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách đối với hộ trước đó được công nhận thoát nghèo bền vững hay không.

Hoặc những trường hợp đăng ký thoát nghèo bền vững trong năm 2021 qua rà soát theo chuẩn cũ thì đủ điều kiện thoát nghèo (trên chuẩn mức sống trung bình), tuy nhiên qua rà soát theo chuẩn mới thì vẫn còn thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo, khiến rà soát viên lẫn địa phương không biết xử lý thế nào.

Phải đảm bảo tiến độ

Đối với phần mềm rà soát và bộ công cụ theo quy định tại Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH ngày 18.7.2021, theo nhận định của nhiều trưởng thôn và rà soát viên, nhiều hộ gia đình có thu nhập nhưng không có nhu cầu mua sắm tài sản, nên khi chấm điểm theo bộ công cụ thì lại thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Việc rà soát hộ nghèo phát sinh nhiều khó khăn, nhất là khu vực miền núi, ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: D.L
Việc rà soát hộ nghèo phát sinh nhiều khó khăn, nhất là khu vực miền núi, ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: D.L

Ngược lại những hộ già cả, neo đơn không có thu nhập, tài sản chủ yếu được cho, biếu tặng nhưng rà soát theo bộ công cụ thì lại thoát nghèo, thoát cận nghèo. Các chỉ số thiếu hụt đa chiều còn bất cập, như người cao tuổi không có khả năng lao động nhưng không hưởng bảo trợ xã hội (người từ đủ 60 tuổi trở lên) thì phần mềm không thể hiện thiếu hụt cả 2 chỉ số về việc làm và người phụ thuộc nên một số hộ nghèo già cả, neo đơn không có lao động phần lớn rơi vào hộ cận nghèo; trẻ em 3 tuổi ở nơi chưa có lớp bé nên chưa được đi học thì thiếu hụt về giáo dục (đi học không đúng bậc học).

Phần mềm Connection vẫn chưa hoàn thiện, còn nhiều lỗi, thường xuyên phải cập nhật phiên bản mới, ảnh hưởng lớn đến tiến độ rà soát.

Với những khó khăn trên, các địa phương kiến nghị cho phép những nơi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 được kéo dài thời gian rà soát, báo cáo kết quả về UBND tỉnh vào ngày 20.12, so với yêu cầu ban đầu là ngày 15.11.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu phải bám kế hoạch của UBND tỉnh, thực hiện đúng, thậm chí sớm hơn chứ không kéo dài thời gian, vừa làm vừa khắc phục vướng mắc, địa phương nào ì ạch phải kiểm tra tiến độ thực hiện.

Về những bất cập liên quan đến phần mềm, biểu mẫu, quy định còn chưa sát thực tế, ông Trần Anh Tuấn yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH để khắc phục. Văn phòng Giảm nghèo tỉnh là cơ quan thường trực, phải bám tiến độ của các địa phương, kịp thời hỗ trợ để rà soát đúng kế hoạch.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2021: Phát sinh nhiều vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO