Công đoạn rà soát hộ nghèo từ cơ sở sắp kết thúc, đã xuất hiện những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong khi trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể đối với những nội dung chưa phù hợp, tỉnh phải linh động hướng dẫn các địa phương rà soát hộ nghèo sao cho thấu tình đạt lý.
Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh khảo sát lại một hộ nghèo vừa thoát nghèo. Ảnh: D.L |
Năm 2016 là năm thứ hai thực hiện rà soát hộ nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều. Đến thời điểm này, kết quả sơ bộ cho thấy ở tất cả địa phương đều có tỷ lệ hộ nghèo giảm 2 - 3%, đồng nghĩa với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm hơn 2% (năm 2015 theo chuẩn đa chiều tỷ lệ hộ nghèo còn 12,9%). Kể từ khi thực hiện rà soát theo hướng tiếp cận đa chiều, không còn chuyện xin vô hộ nghèo. “Bởi căn cứ trên những tiêu chí cụ thể dựa trên tài sản có thật trong nhà dân mà chấm điểm, thì người dân không thể nói quanh được. Mọi năm căn cứ trên thu nhập, người dân có thể khai thế này hoặc thế kia mà người điều tra không thể xác nhận chính xác thu nhập của họ là bao nhiêu” - ông Phạm Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Tân (Bắc Trà My) cho biết. Tuy nhiên, theo ông Cường, hiện nay việc đánh giá hộ nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều ở khu vực miền núi còn những bất cập cần phải có hướng giải quyết. Trên địa bàn miền núi, có những hộ dân rơi vào hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như sử dụng dịch vụ viễn thông hay tài sản phục vụ tiếp cận thông tin… Nhưng trên thực tế, nguồn thu nhập của những hộ dân này lại có mức trung bình trở lên, nhưng không mua sắm tài sản nên không có điểm, vì thế rơi vào hộ nghèo. Ở miền núi, thường thì người có điều kiện mới sắm được những vật dụng như bàn ghế salon gỗ, phản gỗ, chum ché…, nhưng những tài sản này lại không có trong danh mục tài sản đánh giá hộ nghèo. Khi các gia đình đó không sắm những vật dụng có trong danh mục đánh giá hộ nghèo, vô hình trung họ lại rơi vào hộ nghèo vì thiếu điểm. Nên các địa phương ở miền núi đã kiến nghị nên bổ sung danh mục đánh giá hộ nghèo cho phù hợp với thực tế ở từng vùng.
Theo kết quả rà soát sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 của Tiên Phước giảm được 2,05%, từ 14,33% (năm 2015) xuống còn 12,28% (năm 2016). Trong việc rà soát hộ nghèo, ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, huyện thực hiện rất kỹ khâu này. Khi có kết quả từ các xã, thị trấn báo về, huyện kiểm tra lại và tiến hành phúc tra kết quả. Việc phúc tra được thực hiện trực tiếp ở từng hộ dân, nếu có hộ nghèo, cận nghèo phát sinh hoặc lâu năm thì sẽ tìm hiểu cụ thể nguyên nhân, xét thấy chưa đúng thực tế sẽ yêu cầu điều tra viên chấm điểm lại, rồi họp dân để cho người dân bàn bạc và quyết định. Ông Huy nói: “Rà soát hộ nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn, tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho địa phương mỗi khi bình xét hộ nghèo, nhất là những điều tra viên, trưởng thôn đỡ rắc rối với người dân. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn bất cập ở thang điểm đánh giá. Ví dụ như một hộ dân không có đất đai, vườn rừng thì chỉ đi làm thuê cho những hộ có đất đai, vườn rừng. Hộ đi làm thuê là hộ không có đất, vẫn sống bằng nghề nông nghiệp nhưng lại chấm là hộ phi nông nghiệp nên điểm cao hơn. Hộ có đất có vườn nghĩa là hộ có điều kiện thì được chấm là hộ nông nghiệp, điểm thấp hơn. Điều này không khéo lại khiến hộ có đất vườn thành hộ nghèo, hộ không có đất vườn thành không nghèo”. Xác định được bất cập này, huyện Tiên Phước đã yêu cầu các điều tra viên dù chấm điểm theo phiếu điều tra, nhưng vẫn phải xem xét hoàn cảnh thực tế, nếu vướng mắc thì đưa ra dân họp bàn công khai để tránh yếu tố chủ quan hoặc điểm số không phản ánh đúng tình hình.
Với thị xã Điện Bàn, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến của năm 2016 còn 2,76% (giảm 0,3% so với năm 2015), trong đó hơn 50% số hộ nghèo là hộ thuộc diện bảo trợ xã hội, khó có cơ hội tác động thoát nghèo. Trong rà soát hộ nghèo, phiếu điều tra khu vực đô thị và khu vực nông thôn khác nhau, điểm số quy định khác nhau. Ở Điện Bàn, nhiều khối phố thực tế vẫn thuần nông - có nghĩa hộ dân sống trong khối phố làm nông nghiệp với những công việc gắn với đời sống nông thôn, nhưng vẫn phải chấm theo phiếu đô thị. Ông Đoàn Ngọc Hưng - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn cho hay: “Theo quy định không thể làm khác được, nhưng Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng đã hướng dẫn, đối với những khối phố còn thuần nông, điều tra viên cần nhìn nhận thực tế hoàn cảnh gia đình của từng hộ để xét, có gì đưa ra dân họp bàn xem xét để quyết định”. Ông Hưng cho biết thêm, không ít trường hợp người có thu nhập nhưng không có tài sản, hoặc có tài sản nhưng thu nhập thấp, điều đó cũng gây khó khăn cho điều tra viên. Chẳng hạn, có những gia đình khi vợ chồng khỏe mạnh, thu nhập ổn định thì sắm sửa đầy đủ vật dụng trong gia đình. Nhưng đột nhiên xảy ra biến cố, người chồng là lao động chính trong gia đình mất đi, nghĩa là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình cũng mất. Nhưng khi rà soát thì vật dụng trong gia đình đã sắm trước đó đầy đủ nên điểm cao, đến lúc điền phiếu điều tra thu nhập thì không đủ theo chuẩn quy định. Hoặc gia đình người có công neo đơn, vì già cả nên không mua sắm vật dụng trong nhà, nên phiếu điều tra tiếp cận đa chiều sẽ thấp điểm. Nhưng thực tế thu nhập cao hơn chuẩn vì có trợ cấp hàng tháng. Để tạo sự công bằng, Điện Bàn quán triệt, đối với những trường hợp như đã liệt kê ở trên, cán bộ điều tra tham mưu đưa ra nhân dân để họp bàn thống nhất, cũng để sau này không ai kiện tụng gì được.
LÊ DIỄM