Từ mùng 6 tết, thanh niên ở các làng quê lại rục rịch cho những chuyến xa nhà mưu sinh...
Đón xe vào Nam. |
Những ngày này, trên quốc lộ 1 lại tất bật, chen chúc người chờ xe “hành phương Nam”. Sau khoảng hơn một tuần về quê ăn tết, hàng nghìn lao động xứ Quảng lại “Nam tiến” mưu sinh. Đa số vẫn là thanh niên ở độ tuổi từ 18 - 30. Những gương mặt đượm ưu tư, lưu luyến không khí quê nhà. Chị Phan Thị Thùy Dung, quê Quế Trung, Nông Sơn, có 7 năm làm công nhân ở TP.Hồ Chí Minh, dù đã quen với những chuyến đi lại sau tết, vẫn không ngăn được nước mắt khi bước chân lên xe. “Thiệt tình cũng hết đường mới phải xa nhà làm ăn, thấy ba má đi tiễn mà không cầm được nước mắt. Có ai muốn ly hương đâu, cũng chỉ vì hoàn cảnh” - chị Dung chia sẻ. Năm nay, vì doanh nghiệp làm ăn khó nên lương thưởng của công nhân như chị Dung vì thế cũng bị cắt đi rất nhiều. Đến 26 tết chị mới về quê, với giá xe đi từ TP.Hồ Chí Minh về đến Trung Phước là 1,2 triệu đồng. Sáng mùng 6 chị mua vé xe vào lại, với giá cũng như lúc về. Tuy tốn kém tiền đi lại như vậy, nhưng khi cha mẹ gợi ý về quê làm ăn thì chị không đồng ý. “Dẫu làm công nhân trong đó rất cực, nhưng ít ra cuối năm về quê còn dư được ít đồng. Mình sợ ở quê khó xin được việc, lương lại thấp” - chị Dung nói.
Từ ngày mùng 6 tết, những chuyến xe vào Nam đã chật ních người. Dẫu cuộc mưu sinh nơi đất khách lắm nhọc nhằn, vất vả, nhưng lượng người ly hương sau tết mỗi năm vẫn không giảm. Chưa có cuộc điều tra xã hội học nào về lượng người ly hương sau tết tại các làng quê, chỉ biết trên thực tế, rất nhiều người ở các vùng quê của huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc… vẫn chọn cách mưu sinh ở xứ người. Dù các Khu công nghiệp như Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), Khu Kinh tế mở Chu Lai (Núi Thành)… vẫn tiếp nhận hàng nghìn thanh niên lao động, nhưng vẫn không ngăn được dòng người ly hương sau mỗi dịp tết. Những ngôi làng cũng bắt đầu vắng dần thanh niên. Ông Nguyễn Phi Dư (thôn Thi Phương, Điện Phong, Điện Bàn) có hai đứa con làm ăn tại TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Nhà có ba sào đất trồng hoa màu nhưng chỉ vợ chồng ở nhà làm, con cái không đứa nào muốn làm nghề nông. Thanh niên bây giờ muốn đi làm ăn xa, rất ít chịu ở quê lập nghiệp”. Ngoài lượng người vào Nam làm công nhân, mưu sinh bằng những nghề buôn bán nhỏ, một phần không nhỏ vào Nam để tiếp tục học hành. Với sinh viên, thường các em chấp nhận mất một vài buổi học để vào Nam khoảng sau rằm tháng giêng, lúc đó giá các loại tàu xe mềm hơn rất nhiều.
Tiễn con lên đường. Ảnh: L.QUÂN |
Vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người, chắt chiu dành dụm để cuối năm có tiền về quê ăn tết, sắm sửa thứ này thứ khác, lo cho cha mẹ có một cái tết sung túc hơn… là cách nghĩ của nhiều lao động trẻ ly hương. Người Quảng vào Nam kiếm sống thường chỉ là đi làm công nhân, buôn bán dạo hoặc làm thuê cho những cơ sở tư nhân. Cũng có lớp trẻ đi học rồi ở hẳn trong Nam làm việc, cuối năm mới có cơ hội về quê. Khá nhiều gia đình nhờ vào thu nhập của những đứa con làm ăn xa mà cải thiện phần nào đời sống gia đình. Tuy nhiên, từ những “làn sóng” ly hương như thế này, vô tình tạo ra vùng “lõm” dân số trong độ tuổi lao động.
Tận hưởng một cái tết đoàn tụ cùng người thân, rồi lại bịn rịn chia tay, hẹn gặp nhau vào mùa xuân năm sau…, những đứa con xa xứ lại tiếp tục ra đi. Trong những chiếc ba lô trên vai, ngoài bánh mứt mùa tết của cả nhà còn là niềm hy vọng và đợi chờ của mẹ cha…
LÊ QUÂN