Những người không thích bon chen nơi đô hội, khi tuổi đã xế chiều thường có tâm nguyện khăn gói trở về quê cũ, mong được sống quãng đời còn lại nơi thôn dã với không khí trong lành, với đồng ruộng bờ tre bốn mùa yên ả như… cụ Trạng Trình: Xuân ăn măng trúc đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao… Nhưng e rằng ngày nay cái niềm mơ ước khiêm tốn đó chưa chắc đã được thỏa nguyện.
Ở nơi cấm đổ rác. Ảnh: Phan Văn Minh |
Rác quê
Rất nhiều lũy tre mơ màng ngày xưa đã bị phát quang, cày ủi lấy đất làm resort, sân golf…, chí ít cũng khoanh lô bán làm cửa hàng quán nhậu; hồ ao nếu còn thì cũng chỉ là những vũng nước sền sệt chất thải, sen súng chẳng thấy đâu mà chỉ toàn là rác rến, ni lông, bốn mùa… nở rộ.
Rác. Bây giờ đó là nỗi ám ảnh không chỉ ở đô thị mà cả mọi làng quê. Hơn nữa, nếu rác ở phố hàng ngày đều có công ty môi trường dọn dẹp thì ở nông thôn, người dân phải chứng kiến cảnh rác “phô diễn” từng ngày, bởi cho dù hiện nay một số nơi đã có các tổ dịch vụ đi thu gom nhưng nhiều lắm cũng chỉ mỗi tuần một bận. Đó là đối với rác sinh hoạt từ các hộ dân, tức… “rác tư nhân”, còn… “rác công cộng” ở các ngã ba làng, các bãi hoang gò mả… thì chẳng ai “dám” làm gì chúng, đơn giản chỉ vì không ai “đầu tư” vào cái “thị trường” này, và cũng không xã thôn nào chịu bỏ chi phí nuôi một đội công nhân dọn… rác làng.
Xưa ở quê, rác là một hình ảnh vừa gần gũi vừa có vẻ… đáng yêu. Những trưa gió nồm nam, lá khô bay lả tả rơi đầy trên những con đường nhỏ. Đêm đến, tiếng lá khô lạo xạo dưới chân người. Đó cũng là rác nhưng vô hại, ngược lại chúng còn là một nguồn chất đốt của nhiều gia đình. Thời ấy ở làng, đi quơ củi, quét rác, lượm mo nang cho mẹ nấu cơm chiều là những hình ảnh dễ thương của trẻ con nhà nghèo. Đầu đứa mô có rơm có rác/Kêu tau bằng bác tau phủi giùm cho (đồng dao)… Có lẽ “rác nguyên thủy” chỉ là những thứ hiền lành như thế. Còn bây giờ, “rác quê” cũng đã “lên đời” như “rác phố”, bao gồm những thứ bao bì, phế phẩm hằm bà lằn đi ra từ các nhà máy mà mấy chị ve chai không thèm để mắt đến. Bên cạnh đó, “rác quê” còn được… “trang điểm” thêm bằng một thứ đáng sợ hơn nữa là xác chết động vật. Trước đây chưa có dịch vụ gom rác, xác gia súc gia cầm thường được chôn lấp dưới các gốc cây trong vườn, cũng là một cách “trả về cho đất”. Nay sẵn có các “tụ điểm” tập kết rác, người ta cứ cho vào bao rồi vất bừa vào đó. Đêm đến, mấy chú chó háu ăn lại tranh nhau cắn xé, vung vãi khắp xung quanh. Lại thêm khổ nỗi, các “tụ điểm” lại thường nằm bên các trục lộ chính trong làng để thuận tiện cho tổ dịch vụ xe kéo rác đến. Cho nên, hãy tưởng tượng, suốt gần 7 ngày trong tuần, khi chưa tới phiên xe rác chuyên dụng về làng, mùi tử khí lúc nào tởm lợm bốc lên từ các “tụ điểm” ấy thay cho hương đồng gió nội. Thật kinh hoàng!
Rác tặc
Đó là một từ chính xác khi nói về tình trạng “vất rác trộm” ở làng. Như làng tôi, hiện nay xã quy định phí dịch vụ gom rác 180 nghìn đồng/năm trên mỗi hộ, từ các hàng quán đông người cho đến những hộ nghèo mà mỗi tuần chỉ thải ra dăm bảy cái bao ny lông đều đóng phí “bình đẳng” như nhau. Những nhà này cãi không lại bèn không thèm đăng ký dịch vụ. Lâu lâu rác dồn lại kha khá, “khuyến mãi” thêm con gà, con heo chết, họ sai con nít lén vất vào đống “tài sản” chung của làng. Chỉ thế thôi cũng đành, đằng này vì là “vất trộm” nên mắt la mày lém, các cậu nhóc thường quăng đại các túi rác dọc đường làng. Các chị trong tổ dịch vụ thì dứt khoát không “tiêu thụ hàng… trộm cắp”. Còn người làng, dù có tức điên lên cũng không ai rỗi công đi rình kẻ vất trộm rác. Cho nên những của nợ này cứ tiếp tục lưu cữu ngày càng nhiều ở những nơi đông người, cộng thêm những đám rác rơi vãi do xe rác để lại, đường vào làng nay lại càng luộm thuộm, nhếch nhác hơn xưa.
Còn một loại… “rác tặc cộm cán” hơn mới thấy xuất hiện gần đây. Đó là cánh tài xế xe tải đổ trộm xà bần, tiếng Quảng gọi là “giá hạ”. Đời sống ngày càng khá giả, dân đập nhà xây mới; dự án chạy được, cơ quan trường học tân trang tường rào cổng ngõ. Những thứ gạch vữa, bê tông vụn thải ra đem đổ vào đâu cũng bị kiện, bị phạt tiền. Chỉ còn một cách là tiến hành các…“phi vụ rác tặc”. Cứ sau vài đêm, bên vệ đường làng lại lù lù xuất hiện một đống xà bần to tướng. Những thứ khô khốc lổn ngổn này gần như…“bất tử”, người qua đường nhìn chúng chỉ biết… lắc đầu.
Rác…phi vật thể
Chưa hết, “rác quê” còn một thứ “phi vật thể” khác mà ở phố phường ít thấy. Đó là “rác mùi”. Những nhà máy chế biến thực phẩm, thức ăn gia súc bị đẩy ra khỏi rìa đô thị, các làng quê mặc nhiên lãnh đủ. Làng tôi ở gần một xưởng sản xuất tinh bột sắn, trước đây cứ sáng ra gió tây thổi về là cả làng “lơ cơm” vì ngửi phải thứ mùi thum thủm của sắn thối. Nay tình trạng này đã giảm bớt thì thay vào đó là mùi phân tươi của gia súc, gia cầm. Nhà nông bây giờ đã biết làm kinh tế hàng hóa với quy mô ngày càng lớn. Một trại vịt gia đình có thể lên đến vài ngàn con. Một hộ chăn nuôi có thể có vài ba chục chú “ủn ỉn” trong chuồng, năm bảy con bò nhởn nhơ ngoài vườn. Ngoài điểm mạnh về số lượng, còn một điểm mới khác là thời nay thức ăn toàn là bột công nghiệp, kể cả bò nuôi thịt, nên thời gian thu hồi vốn nhanh hơn bội phần. Nhưng cũng từ đó, “đầu ra” của loại bột này lại kéo theo một thứ mùi cực kỳ khó chịu. Bà xã tôi bị đau đầu kinh niên cũng vì suốt ngày phải “hưởng thụ” loại mùi này từ các hộ xung quanh. Nhưng biết làm sao? Bà con xóm giềng đang ăn nên làm ra thì phải…bịt mũi làm mừng, lẽ nào đi kiện?
Trong tiêu chí thứ 17 của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới có đến 3 mục liên quan đến rác thải. Với những điều bất cập kể trên, đây thực sự là một bài toán khó đối với các địa phương. Nhưng nghe nói cả nước đã có gần 2.000 xã đã đạt tiêu chuẩn. Có lẽ các xã còn lại nên tìm đến nhờ họ bày giùm cách giải riêng cho bài toán nhức đầu này: RÁC!
PHAN VĂN MINH