Hàng ngàn mét vuông đất bị bỏ hoang, trong khi địa phương rất cần đất cho nhà đầu tư, chính quyền cũng không thu được tiền cho thuê đất trong hơn 5 năm qua, đơn vị trúng đấu giá tài sản sắp phải bị cưỡng chế thu hồi đất… Đó là những rắc rối phức tạp sau khi Nhà máy Đường Quảng Nam (cũ) phá sản đã nhiều năm.
|
Nhà máy Đường Quảng Nam bị bỏ hoang nhiều năm qua, song huyện Quế Sơn vẫn không thể tiếp nhận quản lý và sử dụng. Ảnh: D.H |
Theo UBND huyện Quế Sơn, năm 2006, Công ty Mía đường Quảng Nam (cũ) phá sản nhà máy đường. Một năm sau đó, UBND tỉnh ra văn bản thu hồi 3 lô đất (hơn 78.000m2) giao cho xã Quế Cường (nay là xã Hương An) quản lý. Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, địa phương không thể thu hồi do Công ty CP Xây dựng thương mại Cửa Việt (đơn vị trúng đấu giá toàn bộ tài sản, thiết bị trong phiên đấu giá vào tháng 3.2008 - gọi tắt là Công ty Cửa Việt)… không chịu bàn giao. Theo Cục Thuế huyện Quế Sơn, số tiền thuế thất thoát lên đến hơn 4,1 tỷ đồng. Một lãnh đạo Quế Sơn cho biết, nhiều nhà đầu tư đến hỏi thuê đất để đầu tư sản xuất nhưng huyện không thể giải quyết. Cụ thể, năm 2010, doanh nghiệp may Hòa Thọ đề nghị thuê đất để mở một cơ sở may mặc, giải quyết khoảng 2.000 lao động địa phương nhưng không được.
Nhà máy Đường Quảng Nam (trên quốc lộ 1, thuộc thôn 5 xã Quế Cường - nay là xã Hương An, huyện Quế Sơn) được đầu tư xây dựng năm 1999 với tổng vốn 200 tỷ đồng. Sau 5 năm hoạt động, đến năm 2004, nhà máy phải đóng cửa vì thua lỗ 123 tỷ đồng, nợ ngân hàng và không có vốn kinh doanh. Dư luận thời điểm nhà máy đường ngừng hoạt động bức xúc trước thông tin chủ đầu tư và Ban quản lý Nhà máy đã được các đối tác giao máy móc thiết bị đã cũ, không đúng chủng loại, không đúng danh mục hợp đồng và công suất thiết kế nhưng vẫn tự ý nhận và lắp đặt. Trong khi nhà máy chưa đạt các thông số kỹ thuật, chưa có hồ sơ nghiệm thu kỹ thuật… nhưng chủ đầu tư đã ký biên bản nghiệm thu tạm thời để thanh toán 5% tiền bảo hành cho đối tác. Hành vi này đã gây thiệt hại cho Nhà nước 143.830 USD và hơn 1,5 tỷ đồng. Các ngành chức năng trung ương đã từng đưa ra phương án chuyển Nhà máy Đường Quảng Nam vào một số địa phương ở phía Nam như Phú Yên, Tây Ninh… Tuy nhiên những nơi này không chịu nhận vì thiết bị của nhà máy không đồng bộ nhưng giá thành đầu tư lại quá cao. Nhà máy Đường Quảng Nam phải nằm phơi nắng mưa, vật tư, thiết bị dần bị đánh cắp. Vấn đề dư luận quan tâm là việc điều tra những thất thoát lớn trong quá trình xây dựng, vận hành... nhà máy trong những năm từ 1999 - 2004 vẫn không được làm rõ… |
Trở lại thời điểm nhà máy đường tuyên bố phá sản, để thanh lý tài sản trên đất, tòa án đã có công văn đề nghị UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất của Công ty Mía đường Quảng Nam. Sau đó, UBND tỉnh đã ban hành 3 văn bản thu hồi diện tích đất nói trên. Theo các quyết định này, về phần đất đai, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Quế Sơn chỉ đạo xã Quế Cường quản lý, xây dựng phương án sử dụng đất; về tài sản giao cho TAND tỉnh tổ chức thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị phá sản theo quy định của pháp luật... Tuy nhiên, vụ việc kéo dài năm này qua năm khác do nhiều rắc rối phát sinh.
Ngày 25.3.2008, tại phiên bán đấu giá tài sản nhà máy đường diễn ra tại Tam Kỳ, Công ty Cửa Việt đã trúng đấu giá với số tiền hơn 47 tỷ đồng. Khối tài sản của Nhà máy Đường Quảng Nam được đưa ra bán đấu giá gồm nhà cửa, vật kiến trúc; máy móc, thiết bị; công cụ, dụng cụ phân xưởng cơ khí, hóa nghiệm; hóa chất, vật tư, phụ tùng thay thế và thiết bị, dụng cụ văn phòng… Tháng 4.2008, các bên liên quan tiến hành giao nhận tài sản, Công ty Mía đường Quảng Nam trong quá trình bàn giao tài sản cho Công ty Cửa Việt cũng bàn giao luôn hồ sơ đất đai, mặc dù trước đó UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường, sau khi trúng đấu giá, Công ty Cửa Việt không thực hiện thủ tục xin thuê đất để sản xuất kinh doanh mà tiếp tục khiếu nại đòi đủ 19 loại tài sản trong danh mục tài sản đấu giá, trong đó có nhiều tài sản gắn liền trên đất như nhà xưởng, đường nội bộ, vật kiến trúc khác… Theo ông Dương Chí Công, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cơ quan cùng với Thanh tra tỉnh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ trả lời khiếu nại của Công ty Cửa Việt cho rằng trong quá trình thông báo đấu giá tài sản đã không thông tin đầy đủ các nội dung cho các bên tham gia đấu giá rõ, việc định giá một số tài sản không rõ ràng dẫn đến đơn vị trúng đấu giá khiếu nại kéo dài. Sau đó, Sở Tài nguyên - môi trường đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên - môi trường đề nghị hướng dẫn giải quyết, bộ này có công văn trả lời việc ra các quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh là đúng pháp luật. Riêng việc xử lý tài sản trên đất, Bộ Tư pháp cho rằng: theo các quy định hiện hành, không có quy định nào nói rõ việc thanh lý tài sản trúng đấu giá là như thế nào nên UBND tỉnh không có cơ sở giải quyết. Trong khi đó, quan điểm của UBND tỉnh là kiên quyết thu hồi diện tích đất của nhà máy đường để quản lý, sử dụng.
Điều khó hiểu ở đây là vụ việc kéo dài nhiều năm, các cơ quan có trách nhiệm tham mưu với UBND tỉnh để xử lý vụ việc lại không làm hết trách nhiệm của mình. Một số lãnh đạo huyện Quế Sơn cho biết UBND xã Quế Cường đã đến làm việc với những người bảo vệ của Công ty Cửa Việt, họ không mở cửa, ngăn cản đoàn công tác vào làm việc, “chẳng lẽ chúng tôi đi gây lộn với họ”. Trong một văn bản mới ban hành vào cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện Quế Sơn lập phương án, thực hiện cưỡng chế thu hồi khu đất Công ty Mía đường Quảng Nam. Liệu huyện Quế Sơn sắp tới đây có làm tròn vai trò là người “dứt điểm” vụ rắc rối này?
Công ty Cửa Việt khiếu nại quyết định cưỡng chế của UBND tỉnh: Cuối tuần qua, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, đại diện ủy quyền pháp luật của công ty đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, UBND tỉnh, Báo Quảng Nam khiếu nại quyết định cưỡng chế của UBND tỉnh (ban hành ngày 20.3.2013). Khiếu nại của Công ty Cửa Việt cho rằng: “Khi mua tài sản đấu giá, không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thông báo diện tích đất trên đó có tài sản của chúng tôi đã bị UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi… Theo quy định của pháp luật, công ty chúng tôi không phải kế thừa nghĩa vụ và trách nhiệm của Công ty Mía đường Quảng Nam thực hiện các quyết định thu hồi đất nêu trên. Công ty chúng tôi là chủ sở hữu hợp pháp tài sản trên diện tích đất bị thu hồi theo các quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Quảng Nam, do đó quyết định cưỡng chế trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công ty chúng tôi”. |
DOÃN HOÀNG