Thay vì phải tổ chức đấu thầu quyền sản xuất trên đất công ích hằng năm như quy định của pháp luật, UBND xã Đại Lãnh (Đại Lộc) đã “linh hoạt” kéo dài thời hạn giao thầu. Việc làm này đã phát sinh nhiều rắc rối.
Người dân đề nghị UBND xã tổ chức công khai, minh bạch việc đấu thầu sản xuất trên đất công ích hằng năm. Ảnh: HÀN GIANG |
Cách đây 10 năm, UBND xã Đại Lãnh triển khai thực hiện chủ trương đấu thầu sản xuất trên diện tích 16ha đất công ích (đất 5%) do địa phương quản lý. Lúc đó, do đò giang cách trở nên người dân Đại Lãnh không mặn mà tham gia đấu thầu sử dụng đất để sản xuất. Trước thực tế đó, UBND xã Đại Lãnh kêu gọi người dân thôn Dục Tịnh (Đại Hồng) tham gia đấu thầu hợp đồng canh tác theo thời hạn một năm. Tuy nhiên, nhiều hộ dân sau khi trúng thầu nhận đất sản xuất không chịu nộp tiền, gây thất thu cho ngân sách xã; có hộ lại bỏ đất hoang hóa. Vì vậy, UBND xã Đại Lãnh đã “linh động” thống nhất giao thầu cho những hộ dân thực hiện tốt việc nộp tiền sử dụng đất theo hợp đồng sau khi nhận thầu. Theo đó, 5 hộ dân xã Đại Hồng được UBND xã Đại Lãnh chỉ định giao thầu đất canh tác từ 10 năm nay. Ngoài việc canh tác, 5 hộ này còn cho người dân thôn Dục Tịnh thuê lại một phần diện tích canh tác với giá cao hơn để hưởng phần chênh lệch.
Đầu năm 2013, do bức xúc về nhu cầu đất sản xuất nên ông Hà Văn Sa ở thôn Dục Tịnh (Đại Hồng) làm đơn tố cáo gửi UBND huyện Đại Lộc, cho rằng UBND xã Đại Lãnh thiếu công bằng và làm trái quy định của pháp luật trong công tác quản lý đất đai. Ngày 23.1, UBND xã Đại Lãnh có Báo cáo số 03/BC-UBND giải trình nội dung liên quan đến đơn tố cáo gửi Thanh tra huyện và UBND huyện Đại Lộc. Báo cáo thừa nhận có giao đất thầu cho 5 hộ dân đúng như đơn tố cáo. Tuy nhiên, việc các hộ dân này cho người dân xã Đại Hồng thuê lại với giá cao là việc tự thỏa thuận của các hộ dân với nhau, UBND xã Đại Lãnh không quản lý và không liên quan đến việc này.
Ông Ngô Xuân Yến - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cũng thừa nhận cách làm “linh hoạt” trên của địa phương là không đúng với nguyên tắc quản lý đất công ích. “Theo quy định của Luật Đất đai, đất công ích được đưa ra đấu thầu rộng rãi và sau mỗi năm lại tổ chức đấu thầu với các mức giá theo thời điểm cũng như vị trí đất. Mười sáu héc ta đất công ích của xã là loại đất xâm canh nằm ở khu vực xã Đại Hồng, nhiều năm trước xã đưa ra đấu giá nhiều lần nhưng không thành công vì người dân ít tham gia. Do vậy, UBND xã đã thống nhất giao thầu cho các hộ có nhu cầu sản xuất để tiện quản lý và thu ngân sách” - ông Yến nói.
Liên quan đến nội dung đơn khiếu nại gửi đến Báo Quảng Nam, ông Hà Văn Sa cho biết thêm: Cuối năm 2011, gia đình ông xin UBND xã Đại Lãnh cho khai phá bãi cát bồi ven sông thuộc khu vực Tân Bồi (thôn Dục Tịnh) để sản xuất. Được UBND xã Đại Lãnh đồng ý, gia đình ông khai phá được 2ha, nộp thuế theo hợp đồng sử dụng đất công ích năm 2012 là 1 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình ông mới canh tác được một vụ dưa năm 2012 thì UBND xã Đại Lãnh đã lấy lại và giao cho người khác canh tác, không thông qua đấu thầu. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mùa lụt năm 2011 đã bồi một lớp phù sa mới, do vậy gia đình ông Sa tổ chức cải tạo và được UBND xã Đại Lãnh thống nhất giao đất. Ông Sa tiến hành trồng dưa chung với ông Lê Năm.
Hoàn tất vụ mùa năm 2012, UBND xã Đại Lãnh mời ông Sa và ông Năm đến làm việc nhằm tiếp tục nhận thầu diện tích đất trên để sản xuất trong năm 2013, với mức hợp đồng là 1 triệu đồng/500m2. Ông Lê Năm đề nghị được đồng ký tên vào hợp đồng và hai ông sẽ tự thỏa thuận phân chia đất để canh tác. Tuy nhiên, ông Sa không ký. Ngày 29.12.2012, Ban Địa chính xã tiến hành đo đạc, phân chia diện tích đất trên để có cơ sở ký hợp đồng giao thầu đất nhưng ông Sa không đến. Một lần nữa, UBND xã Đại Lãnh lại “linh hoạt” ký hợp đồng giao thầu diện tích đất trên cho ông Lê Năm canh tác với lý do cho kịp thời sản xuất mùa vụ. Ông Sa bức xúc gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền. Ngày 10.1, UBND xã Đại Lãnh có Quyết định số 06/QĐ- UBND giải quyết khiếu nại của ông Hà Văn Sa. Quyết định này nêu rõ, ông Hà Văn Sa đã không thống nhất với văn bản làm việc ngày 28.12.2012, không đồng ý nhận thầu, như vậy, việc ông Sa cho rằng UBND xã Đại Lãnh thu hồi đất, không tiến hành giao thầu, đấu thầu công khai mà đem cấp cho người thân là sai sự thật”. Ông Hà Văn Sa cũng thừa nhận, vụ mùa năm 2012, ông có trồng chung vụ dưa với ông Lê Năm. Nhưng vụ mùa năm 2013, ông Sa không chịu chia đất canh tác theo thỏa thuận ban đầu vì sợ ông Lê Năm sẽ phá hoại cây trồng do hai người đã xảy ra mâu thuẫn. Mới đây, ông Hà Văn Sa đã có đơn xin rút lại đơn khiếu nại tố cáo, đồng thời, kiến nghị UBND huyện Đại Lộc chỉ đạo UBND xã Đại Lãnh tổ chức đấu thầu rộng rãi các diện tích đất công ích thuộc khu vực Đại Hồng vào năm 2014.
NGUYÊN ĐOAN