Chỉ vì phát sinh thêm 2 con nghê và 2 đầu rồng không có trong thiết kế ban đầu mà việc trùng tu ngôi mộ tổ của tộc Châu tại phường Sơn Phong, TP.Hội An bị ngăn cản và yêu cầu tháo dỡ. Văn phòng Chính phủ có thông báo chỉ đạo giải quyết...
4 linh vật trang trí mộ
Theo đơn phản ánh của ông Châu Toàn Khánh ở phường Minh An, TP.Hội An, tộc Châu có ngôi mộ tổ (ông Châu Tiên Lợi) đã yên vị 150 năm, tọa lạc trên diện tích 45,36m2, trước mặt tiền nhà ông Đặng Ngọc Vẫn (khối phố Phong Niên (phường Sơn Phong, TP.Hội An). Ngày 10.3.2016, đại diện tộc Châu thương lượng với gia đình ông Vẫn về việc trùng tu ngôi mộ tổ và được ông Vẫn đồng ý cho tu sửa ngôi mộ. Sau đó, tộc Châu đã gửi đơn xin tu sửa mộ đến Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An và được trả lời ngôi mộ không nằm trong danh mục trùng tu phải làm đơn theo quy định, chỉ cần báo qua UBND phường Sơn Phong để xin phép. Ngày 29.3.2016, UBND phường Sơn Phong thông báo cho phép tộc Châu được trùng tu tôn tạo mộ khi có hướng dẫn của các ngành chuyên môn thành phố. Phòng Quản lý đô thị, Tài nguyên - môi trường và Văn phòng một cửa Hội An đều thông báo cho tộc Châu không cần làm đơn vì mộ không nằm trong diện phải làm đơn theo quy định.
Trang trí 2 con nghê và 2 đầu rồng trước và sau mộ được cho là không phù hợp, ảnh hưởng đến cảnh quan khu dân cư. Ảnh: V.L |
Ngày 31.3.2016, tộc Châu đã gửi toàn bộ hồ sơ, sơ đồ khuôn viên mộ đến UBND phường Sơn Phong và nhận được cam kết sẽ có văn bản trả lời để tộc Châu tiến hành tu sửa mộ. Ngày 4.4, cán bộ phụ trách xây dựng của phường Sơn Phong là ông Nguyễn Quang Lê Tân yêu cầu tộc bổ sung thêm sơ đồ mặt bằng, sơ đồ mặt cắt khu vực. Tộc Châu đã bổ sung hồ sơ và gửi UBND phường Sơn Phong. Tuy nhiên, ngày 7.4 ông Tân lại yêu cầu tộc Châu thay đổi kích thước mô hình mộ nhưng tộc Châu không đồng ý.
Ông Tân lập biên bản đình chỉ xây dựng, tộc Châu phản ứng vì không có quyết định của phường và các cơ quan chức năng. Ngày 14.4, tộc Châu nhận được thông báo của UBND thành phố yêu cầu tạm dừng việc sửa chữa mộ và tiến hành lập bản thiết kế chi tiết ngôi mộ, đồng thời cho biết ông Vẫn đã thống nhất cho tộc Châu mượn tạm 5,2m2 đấ́t (5,2m x 1m) trong vườn nhà mình để tộc Châu mở đường vào mộ. Sau khi xem xét điều chỉnh bản vẽ, ngày 28.4 tộc Châu nhận được công văn của UBND TP.Hội An cho phép trùng tu ngôi mộ. Khi ngôi mộ tu sửa sắp hoàn thành, ông Vẫn đòi tộc Châu phải gỡ bỏ 2 con nghê và 2 đầu rồng nhỏ trang trí trên ngôi mộ. Ngày 21.6 UBND TP.Hội An cũng có văn bản đề nghị tộc Châu phải tháo bỏ các chi tiết trang trí không phù hợp tại ngôi mộ nhằm đảm bảo cảnh quan chung tại khu dân cư. Ông Châu Toàn Khánh cho rằng, đó là yêu cầu vô lý, vì 4 linh vật trang trí rất khiêm tốn cũng như không nằm trong quy định nào của pháp luật về việc trùng tu một ngôi mộ. Và nữa, hiện có nhiều ngôi mộ xung quanh xây dựng, trang trí quy mô hơn.
Cần sự đồng thuận
Ngày 9.9,2016, thừa lệnh Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà đã ký Thông báo số 7562 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, yêu cầu “UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo UBND TP.Hội An không yêu cầu Hội đồng gia tộc tộc Châu tháo dỡ các chi tiết trang trí được lắp đặt thêm so với thiết kế được UBND TP.Hội An thống nhất trước đó”. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Ngọc Vẫn cho rằng, gia đình chỉ đồng ý cho tộc Châu tu sửa mộ nhưng không nghĩ họ lại trang trí làm mất mỹ quan như vậy. Theo ông Ngô Đình Dị - Trưởng khối phố Phong Niên, thời gian qua người dân trong khối cũng đã nhiều lần gửi đơn lên các cấp, ngành thành phố yêu cầu tháo gỡ các linh vật trên. “Nếu trong nghĩa trang thì họ làm sao cũng được nhưng đây là ngôi mộ nằm trong khu dân cư nên tôi đồng tình với yêu cầu của ông Vẫn. Chưa nói, một số người trong tộc Châu dường như không tôn trọng chính quyền địa phương, nhiều lần mời họp để giải quyết nhưng họ không đi” - ông Di bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An, thông thường việc sửa chữa mồ mả không cần cấp phép và cũng không có bản vẽ, nhưng với Hội An là thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch nên cần có những quy định riêng để tránh rắc rối. Chính quyền thành phố cũng đã báo cáo vụ việc lên tỉnh, bởi đây là tranh chấp dân sự, thành phố chỉ là trung gian nên rất khó xử. Giá như trong bản vẽ trước đây, tộc Châu bổ sung thêm các chi tiết trang trí này thì bây giờ quá đơn giản. “Quan điểm của thành phố là vận động 2 bên cùng ngồi lại trao đổi để tìm giải pháp thống nhất chung. Thời gian tới sẽ giao phường Sơn Phong mời 2 bên lên trao đổi để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra” - ông Dũng cho biết.
VĨNH LỘC