Rắc rối vụ việc khai thác rừng keo

TRẦN HỮU 22/11/2013 11:24

Bất bình trước việc chính quyền địa phương cho phép khai thác, vận chuyển gỗ keo nguyên liệu với điều kiện kèm theo là phải cam kết trả lại đất, ông Huỳnh Xuân Thạch làm đơn đã khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng của tỉnh.

Người dân: xã “ngâm” hồ sơ

Trong đơn gửi Báo Quảng Nam, ông Huỳnh Xuân Thạch trú tại thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) trình bày, gia đình ông có trồng 3ha rừng tại rẫy ông Ký ở thôn Thạch Kiều. Rừng trồng đã khai thác bán một đợt và đang tái sinh. Cơn bão số 11 vừa qua làm ngã đổ diện tích keo của ông trồng tại rẫy ông Ký nhưng chính quyền địa phương không cho khai thác. “Ông Nguyễn Đăng Hưởng - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, không cho phép các hộ dân thôn Thạch Kiều, trong đó có gia đình tôi, khai thác, vận chuyển các loại cây trồng đã đổ ngã trong cơn bão số 11, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế” - ông Thạch cho biết. Vì “xót của”, ông Thạch đã khai thác keo trong khi chưa có giấy phép của cơ quan chức năng nên đã bị tạm giữ xe vận chuyển gỗ keo và xử phạt hành chính 2 triệu đồng. Cũng theo ông Thạch, chính quyền xã đã “ngâm” hồ sơ xin khai thác, vận chuyển keo khá lâu, lại không trả lời bằng văn bản rõ ràng. Hiện, nhiều héc ta keo ngã gãy nằm xác xơ, gây thiệt hại nặng cho gia đình ông. Có mặt tại rẫy ông Ký, chúng tôi chứng kiến cả rừng keo rộng hơn 3ha của ông Thạch đổ ngã ngổn ngang do bão đã khô héo thân cây.

Ông Thạch cho rằng, vì sự nhũng nhiễu, “ngâm” hồ sơ xin phép khai thác, vận chuyển keo nguyên liệu mà ông đã bị thiệt hại đáng kể về kinh tế. Ảnh: T.H
Ông Thạch cho rằng, vì sự nhũng nhiễu, “ngâm” hồ sơ xin phép khai thác, vận chuyển keo nguyên liệu mà ông đã bị thiệt hại đáng kể về kinh tế. Ảnh: T.H

Chính quyền: không cản trở người dân

Đề cập việc chính quyền không cho ông Thạch khai thác keo, làm thiệt hại kinh tế của gia đình ông, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 Trần Thanh Xuân khẳng định: “Thông tin này hoàn toàn không có thật. Đó là tài sản của công dân, theo quy định phải cho phép khai thác. Việc ông Thạch bị xử phạt hành chính, tạm giữ xe chở keo là do chưa có giấy phép khai thác của cơ quan có thẩm quyền. Đơn khai thác, vận chuyển gỗ phải theo trình tự thủ tục, đúng pháp luật chứ không thể làm ẩu được. Nếu ông Thạch có nhu cầu khai thác keo, chính quyền đồng ý liền”. Ông Xuân cũng cho biết thêm,  nhiều hộ dân ở thôn Thạch Kiều, trong đó có gia đình ông Thạch trồng keo tại rẫy ông Ký là diện tích đất do UBND xã quản lý. Địa phương giao diện tích đất này cho nhóm hộ sử dụng nhưng chưa thu hồi được vì các hộ vẫn đang chiếm dụng. “Ông Thạch không chịu vào nhóm hộ, chỉ muốn sở hữu phần đất do mình lấn chiếm trái phép. Thực tế, trước khi giao đất cho nhóm hộ, ông Thạch đã bỏ vốn trồng rừng tại đây. Chính quyền buộc ông cam kết sẽ trả lại đất cho nhóm hộ đã được giao đất, ông Thạch đề nghị hỗ trợ tiền đầu tư, khai hoang đất. Vì vậy, dẫn đến tranh chấp kéo dài nên khu vực rẫy ông Ký hiện chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” - ông Xuân nói.

Truy nguyên nguồn gốc đất

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết vào năm 1980 - 1985, Công ty Lâm nghiệp Quảng Nam (LNQN) đã bỏ đất hoang hóa, trong khi nhiều hộ dân tại thôn Thạch Kiều lại không có đất sản xuất, nên nhiều hộ dân (trong đó có ông Huỳnh Xuân Thạch) đã bỏ vốn, công sức trồng các loại cây keo, bạch đàn… tại rẫy ông Ký từ năm 2000. Cây trồng đã khai thác bán một đợt và đang tái sinh. Năm 2008, Công ty LNQN bàn giao toàn bộ diện tích đất khoảng 20ha tại rẫy ông Ký cho địa phương quản lý. Thực tế trước khi giao đất cho chính quyền quản lý, nhiều hộ dân đã tự ý lấn chiếm đất tại rẫy ông Ký trồng cây lâu năm. Ngày 31.12.2009, UBND huyện Núi Thành có Quyết định số 7358/QĐ-UBND phê duyệt phương án giao đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Tam Xuân 2. Theo đó, đối tượng được giao là các gia đình, cá nhân và cộng động dân cư trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp có hộ khẩu trên địa bàn xã; hạn mức giao không quá 3ha với mỗi loại rừng. Điều đáng chú ý là đối với “diện tích lấn chiếm đất rừng trái phép” của các hộ dân (trong đó có ông Thạch) Quyết định số 7358/QĐ-UBND của UBND huyện Núi Thành ghi rõ “không giao”, có nghĩa là giữ nguyên trạng, không thu hồi và giao cho cá nhân hay nhóm hộ nào.

Do quá trình giao đất cho hộ, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tại khu vực rẫy ông Ký theo Quyết định số 7358/QĐ-UBND của UBND huyện Núi Thành, chính quyền địa phương không kiểm tra thực địa, cắm mốc phân chia ranh giới nên dẫn đến sự chồng lấn diện tích đất giữa các hộ, nhóm hộ được giao đất với các hộ đã lấn chiếm đất trước đó. Sai sót này, UBND xã Tam Xuân 2 cần sớm khắc phục, giải quyết ổn thỏa để các hộ dân ở thôn Thạch Kiều không tranh chấp đất với nhau và yên tâm sản xuất.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rắc rối vụ việc khai thác rừng keo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO