Rằm tháng Bảy đọc thơ Tú Quờn

PHÚ BÌNH 06/08/2016 06:49

Vào dịp ngày rằm tháng Bảy âm lịch xưa, dân gian ta thường có tục cúng cô hồn, cầu “xá tội vong nhân”; có khá nhiều bài văn Nôm xưa viết về chủ đề này. Ở nam Quảng Nam khoảng đầu thế kỷ XX, có ông Tú Quờn, một người nổi tiếng hay chữ ở làng Khương Mỹ (nay là xã Tam Xuân, huyện Núi Thành), sống vào khoảng cuối thời vua Tự Đức đã viết bài “Văn cúng cô hồn” được truyền tụng khắp vùng Tam Kỳ xưa.

Bình yên một góc quê ven sông Tam Kỳ.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Bình yên một góc quê ven sông Tam Kỳ.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Theo nhiều vị cao niên địa phương, bài văn này được tác giả viết vào dịp tri phủ Tam Kỳ lúc đương thời là ông Lê Trung Khoản ra lời kêu gọi các văn thân địa phương  viết giúp cho Phủ đường một bài văn tế để cúng các cô hồn vùng Tam Kỳ đã thiệt mạng trong nhiều thời kỳ trước đó. Phủ Tam Kỳ còn treo giải thưởng ba đồng bạc hình “bà đầm xòe” Đông dương - giá trị khá lớn lúc bấy giờ - cho ai có bài được chọn.

Bài nào được chọn sẽ được đích thân tri phủ đọc trong lễ cúng tại Gò Dịch thuộc làng Phú Hưng, phía nam sông Tam Kỳ (nay nằm sát cận trạm thu phí Tam Kỳ về phía đông), một địa điểm chôn nạn nhân của nhiều trận dịch và trận đói ở huyện Hà Đông khoảng trước và sau thời vua Tự Đức.

Bài của ông Tú Quờn được chọn đọc vì nổi trội hơn - nhưng cũng vì, theo lời kể dân gian còn truyền, bài này dễ nhớ dễ thuộc.

Mở đầu bài văn tế, sau những câu chữ Nho thường có trong bài cúng, ông Tú viết: “Hình hài tạo hóa, sống trên đời ai cũng như ai/ Kiếp vận phù sinh, thác xuống đất mộ nào cũng mộ/ Trông ra đều vắng vẻ, bụi ngập đầy sáu cõi tuyết sương / Ngó lại thấy quạnh hiu, nhìn sau trước một mình trăng tỏ/ Mác (phương ngữ: cái rựa) tạo hóa trảy (phương ngữ: phạt, chặt) bụi cây bất nghĩa, dẹp bên đường cho quý hiển (chỉ các cô hồn) vui lòng/ Xuổng (phương ngữ: cái xẻng ) thiên công xắn (phương ngữ: nhấn xuống để tách lấy) lát đất hữu tình, đắp phần mộ cho chư linh kẻo khổ”. Những phương ngữ tác giả dùng, đọc lên nghe được, ai nấy đều biết đó là từ ngữ quen thuộc của dân gian vùng Tam Kỳ xưa. Vì thế, đối tượng được nhắc đến trong bài văn cúng thành rõ ràng hơn.

Tiếp đó, cũng như trong nhiều bài văn tế cô hồn khác, ông Tú Quờn đã nhắc cụ thể các đối tượng được cúng: “Hoặc là kẻ sĩ, nông, công, cổ, ngư, mục, canh, tiều/ Hoặc là người thi, tửu, cầm, kỳ, nho, y, lý, số/ Hoặc là kẻ anh hùng hào kiệt, vị phùng thời mà khứ quốc ly hương/ Hoặc là người tráng sĩ trượng phu, bất đắc chí mà vong gia thất thổ/ Hoặc là kẻ quả quan cô độc, bị hung niên không chẩn thại mạng chung/ Hoặc là người sĩ tốt binh nhung, vì loạn thế mà bia danh đoạt số/ Hoặc là kẻ đông tây nam bắc, giận sự đời mà lỡ bước trái chân/ Hoặc là người lâm dã thị thành, vì cơ hội mà xa quê cách tổ/ Hoặc là kẻ cần vương thượng lộ, bên chân trời bị phải gió mưa/ Hoặc là người kích nhiếp trung lưu, trên mặt nước gặp cơn dông tố/ Hoặc là kẻ nỗi niềm ân ái, sầu tương tư dòng nước gieo mình/ Hoặc là người giữ đạo hiếu trinh, giận cơ hội  nhành cây gởi cổ”. Đọc kỹ nghe kỹ các câu trên thấy hình như ông không bỏ sót một thành phần nào trong xã hội xưa. Tuy diễn tả không được văn vẻ như cụ Nguyễn Du trong bài “Văn tế thập loại chúng sinh”, nhưng đọc bài của ông tú Quờn, những cảnh ngộ trái ngang dẫn đến bị vong thân như hiển hiện rõ ràng trước mắt. Qua bài văn này, hình ảnh sinh hoạt trong một xã hội phong kiến thời xưa đã được phác thảo gần như rõ nét.

Hai trang đầu bản chữ Nôm bài Văn tế cô hồn của ông Tú Quờn.
Hai trang đầu bản chữ Nôm bài Văn tế cô hồn của ông Tú Quờn.

Những câu tiếp theo của bài văn mô tả cảnh tình ảm đạm của mồ mả vô chủ ngày xưa. Một lần nữa, đối tượng được cúng của bài văn tế hiển hiện rõ ràng hơn nữa: “Thảm thương thay mùa xuân đã đến! Mả mộ tàn không kẻ viếng thăm/ Thảm thương thay ngày lụn tháng qua!  Hương khói lạnh không người quyến cố”. Ai đã từng sống ở vùng ven sông Tam Kỳ, từng đến những nấm mộ đất vô chủ cỏ mọc um tùm, được giẫy tập thể vào nửa đầu tháng Chạp trong những cơn mưa lất phất buổi cuối đông, đọc những câu biền ngẫu nôm giản dị như trên cũng sẽ trỗi lên bao niềm cảm khái về một vùng đất Hà Đông nghèo nàn, chịu nhiều tai trời ách nước.

Đại đa số dân cư vùng Tam Kỳ - Hà Đông xưa theo đạo thờ cúng ông bà; người có tôn giáo khác rất ít. Vì thế, một đặc điểm của việc cúng tế ở vùng đất này từ xưa là sự giản dị trong phẩm vật và trong cách thức thực hiện nghi lễ. Điều đó xuất phát, một phần là do vùng đất nghèo; phần khác có thể do cư dân nơi đây phần lớn từ gốc gác là dân đánh cá chuyển sang làm nông qua nhiều đời. Giả thuyết này cần được các nhà nghiên cứu văn hóa địa phương tìm hiểu thêm. Nhưng, những gì mà ông Tú Quờn viết ra trong kết thúc bài văn cúng đã gợi lên hình ảnh của sự cúng kiếng giản dị đó: “Ba tuần rượu rót cùng bàn án: Hưởng phò trì không hưởng cũng phò trì/ Tấc lòng thành thấu đến huỳnh tuyền: Thương bảo hộ không thương cũng bảo hộ/ Ba tấc đất cho chư linh kẻo khổ: Ấy là Đạo sống thác không quên! / Chốn suối vàng quý hiển biết chăng: Ấy là nghĩa mất còn nào bỏ!”. Nội dung đạo lý theo truyền thống dân tộc và có chịu ít nhiều ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo đã thể hiện đậm nét trong phần kết của bài văn này.

Di sản Hán Nôm ở vùng Hà Đông - Tam Kỳ xưa còn lại không nhiều. Thơ văn của người địa phương sáng tác trong thời Nho học cũng hiếm. Theo lời kể của một số vị cao niên ở thôn Khương Mỹ thì ngoài bài “Văn cúng cô hồn”, ông Tứ Quờn còn có một số thơ văn khác như “Vè bà Phó”, “Tuồng đổ bác” (phê phán thói đánh bạc), “Thơ gởi cho chồng” (thác lời một phụ nữ có chồng đi lính cho Tây; khuyên anh này sớm bỏ ngũ trở về) cùng một số giai thoại thơ văn trào phúng có liên quan. Tất cả đáng được sưu tầm đầy đủ.

PHÚ BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rằm tháng Bảy đọc thơ Tú Quờn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO