“Thầy đang làm chi?”. “Tau vừa xong cuốn sách 20 tác giả văn học hiện đại, đưa in rồi, bắt đầu từ Phan Khôi và kết thúc là Lưu Quang Vũ”. “Tác giả người Quảng Nam hả thầy?”. Tôi hỏi câu này, bởi biết thầy đang bắt tay làm về những người viết quê Quảng Nam đã đặt dấu chân trên mảnh đất văn học nước nhà. “Không, cuốn đó chưa làm, cuốn này nhiều tác giả ở các vùng miền, trong đó miền Nam là hơi nhiều. Tau… ráng gân làm”.
Nhà giáo Phạm Phú Phong. |
1. “Mà mi điện tau có chuyện chi rứa?” – thầy hỏi. “Nghe thầy vô Tam Kỳ uống rượu, đoạn đầu nói tiếng Quảng, nhưng được mấy chai là chuyển qua tiếng Huế, nên em phải viết gấp”. Tràng cười kéo dài: “Ý nói tau sắp chết chứ chi? Mà thôi chú à, viết làm chi…”. “Đâu có được, thầy đừng giỡn, tòa soạn đang chờ bài. Em có đọc nhiều người viết về thầy, nói thiệt là… búi, không biết viết chi nữa, chứ ảnh thầy thì em có đầy đây”. “Rứa hả, ảnh tau là dễ tìm, tau là người mẫu mà. Nhưng thôi đi, viết làm chi…”. “Không được đâu thầy”. “Rứa thì mi viết đúng, không viết tốt”.
Câu cuối cùng này, với tôi, lộ đúng phẩm chất của một nhà phê bình văn học. Phê bình là nắm “thóp”, điểm cho được cái thần hồn, lật vỡ cho ra quặng giấu dưới lớp đất đá cây cỏ, gọi tên cho đúng, chứ không phải điểm sách vuốt ve mơn trớn nhan nhản trên báo, được bày biện trong những cuốn sách dày cộp, ngờm ngợp chức danh học vị học hàm. Tôi nói với ông, rằng viết về thầy, dễ bị những ai học với thầy, quen thân thầy phang cho một câu kiểu “văn mình vợ người”, bởi ông, rồi thầy Dũng, thầy Xớn, những thầy dạy không bao giờ ngó sách, liếc giáo trình, không hề có khoảng cách với sinh viên, thì với sinh viên văn khoa Huế, là những người đặc biệt, thậm chí quá đặc biệt, ai cũng có thể dự phần vào để ngắm nghía, phẩm bình. Khó thay. Trả lời tôi là tiếng cười chấp nhận. Đó là điều đương nhiên ở nhà giáo một đời cầm phấn gắn bó chỉ với một trường là Khoa Văn - Đại học Tổng hợp Huế (sau đổi tên là Đại học Khoa học Huế), mà lứa sinh viên nào cũng nhớ, yêu mến, kính trọng, họ chỉ nói ngắn “thầy giỏi, vui”. Cái sự giỏi tới đâu, chắc chi sinh viên đã hiểu, chứ riêng lời khen “vui”, là hàm nghĩa yêu quý rồi, mà làm thầy được như thế, không vui mới lạ. Ngay cả những lớp khác, khóa khác, thậm chí trường khác cũng biết ông.
2. Nhà báo - nhà giáo - nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong. Nhiều người đã “điểm” về ông như thế, tôi thêm một điều nữa, là nhà… rong chơi cần mẫn. Ông dạy, nhưng hở ra là đi giang hồ, tửu lượng của ông cũng thuộc hạng võ lâm ngũ bá, dẫu chừ ông uống kém rồi. Ông dạy lý luận văn học, mỹ học, thi pháp học, báo chí, xỏ tay túi quần mà giảng, hút thuốc không ngừng, sự thông tuệ lẫn trong những lời giễu nhại, hài hước từ bản thân mình cho tới cuộc sống. Nhưng không dừng lại ở đó. Ông viết phê bình văn học. Chính điều này đã bổ sung thêm… của cải cho ông, hay nói đúng hơn là cho sinh viên khi ông đứng trên bục giảng. Ông nói là cần “viết đúng”, cái này đã được bảo chứng từ chính ông khi ông nói về phê bình văn học Việt Nam không có phê bình chuyên nghiệp, không ai sống bằng nghề phê bình. Đó là nỗi buồn, khổ, và từ đó, dễ thấy những người viết phê bình nghiêm túc, như cửu vạn “quàng ách giữa đàng”. Mà đã vậy, sự tự nguyện một khi đến, thì sự chân thành lộ diện.
Ông nghỉ hưu được hai năm. Hơn 15 cuốn sách, từ giáo trình đến phê bình văn học, tiểu luận, bút ký… đã ra đời trong suốt quãng đời làm nhà giáo của ông, mà theo ông là “kẻ ngoại tình với văn chương”. “Mắt xanh” của ông khi phê bình, nhiều người đã nhắc khi viết chân dung ông, thẳm sâu trong đó là cái tình ông dành cho nhà văn, cái tình không phải là duy tình, mà là khả năng phát hiện tấm lòng của nhà văn với con đẻ của mình được giấu trong nhiều lớp áo. Và điều quan trọng hơn, là ông chỉ được chỗ họ đang đứng, họ từ đâu đến, chân họ bước ra sao. Ngay cả khi ông nói về cái chưa được, thì cũng không thể bắt bẻ. Tôi học, đọc ông, thấy ông không trích dẫn ông này bà nọ để chứng minh hoặc… ra oai, mà ông nói điều ông ngẫm, bình dị mà sâu sắc, chạm đến được lý trí và trái tim người nghe, người đọc. Đây là phẩm chất tư biện cần có của một người làm phê bình có nghề. Kiến thức đã được tiêu hóa để hòa vào dòng chảy của tiếp nhận, bởi sự đọng lại chính là giản đơn mà tinh tế, chứ không phải mượn người khác làm bình phong.
Ông đi nhiều, đến đâu cũng được bạn văn và học trò tiếp đón nồng nhiệt. |
Sau này tôi nhớ lại, mới thấy rằng sự tinh nhạy của nghề báo (ông từng là nhà báo đại diện cho báo Phụ Nữ Việt Nam, là người đề xuất mở mã ngành cho Khoa Báo chí - Đại học Huế), đã khiến ông khá “tinh” trong phát hiện vấn đề khi có hiện tượng văn học nào đó gây chú ý dư luận. Ông là người đầu tiên ở khoa văn tổng hợp Huế đưa tiểu thuyết Kim Dung cho sinh viên làm khóa luận, khi sách Kim Dung được xuất bản trở lại (tôi nhớ sinh viên Nguyễn Thiên, Văn K15 làm); mổ xẻ vấn đề phân tâm học, dòng ý thức trong tác phẩm Phạm Thị Hoài khi mọi thứ đang ồn ào; ngay cả khi Nguyễn Ngọc Tư nổi lên, ông cho sinh viên tiếp cận ngay chuyện những đề từ trong truyện ngắn của nhà văn này…
3. “Thế à?”. Đây là câu cửa miệng của ông khi nghe chuyện chi bất ngờ. Nhưng tôi nghĩ rằng, đó chẳng qua là khẩu ngữ đi từ sự hồn nhiên vốn chưa từng mất ở ông. Không hồn nhiên, hài hước, trào lộng, thì không phải là nhà giáo Phạm Phú Phong. “Ủa rứa hả?”, cũng cái nhíu mày như thế, như là tiếp đầu ngữ cho những suy ngẫm mà sau này, nó hóa thân trên những trang viết của ông một cách lặng lẽ nhưng không thiếu bất ngờ, bởi sự cần mẫn - chưa đủ, sự nghiêm túc với công việc - chưa đủ, đó còn là tiếng nói của một người luôn đặt cái tình ra trước mọi sự. Khi người ta đã đủ thấu đáo cuộc chơi trời đất, đã thấm đẫm canh bạc cuộc đời, thì mọi thứ sẽ nhẹ bưng, nhưng không trôi tuột hết, khi họ luôn nhìn lại, thấy mắc nợ đủ thứ, và bèn mọi cách, họ trả nợ. Ông là người như thế.
Về hưu, ông viết liên tục, đi liên tục. Những trải lòng của ông về quá khứ, về Gò Nổi, đất Điện Trung (Điện Bàn) quê cha, day dứt với quê hương Quảng Nam bao điều, ông đã viết khá nhiều. Ông có cuốn “Mây của trời rồi gió sẽ mang đi”, như một lời tuyên ngôn mọi thứ sẽ trở về với hư vô, nhưng nói vậy không phải là giũ áo lên đường, mà cứ cúi xuống trên cánh đồng chữ nghĩa, ở đó những nhọc nhằn cám dỗ mãi không thôi, dẫu rằng mọi thứ như trò chơi không tăm tích.
“Thầy viết về ông Thanh Thảo chưa?”. “Chưa, đó là tác giả mà tau cân nhắc, bao lần định viết nhưng ngừng lại, ngay cả Nguyễn Khoa Điềm, ai nói chi thì nói, tau cũng muốn viết”. Những dự định không ngừng ở một người cứ tưởng suốt ngày đi chơi và nhậu. “Thôi em… ráng gân với thầy đây”. “Ừ”. “Mà viết chi chừ thầy hè?”. “Tùy chú…”. Một điều tôi chắc chắn, hễ trà dư tửu hậu, sinh viên khoa văn, đụng đến thầy cô ở đó, đều có, chuyện rằng, thầy Phong… Nên mình có viết dài cũng không hết chuyện…
TRUNG VIỆT